Chọn cổ phiếu đầu tư mùa dịch

Thanh Long - 22/04/2020 08:46 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường chứng khoán mùa dịch đang dao động với biên độ rất lớn, đặc biệt là các phiên giảm điểm. Các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu phù hợp với đặc thù thời kỳ này thường thiên về sức phòng thủ.

VNF

Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán BSC có nhấn mạnh đến tiêu chí số dư tiền mặt nắm giữ như là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xem doanh nghiệp nào sẽ trụ vững trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài.

BSC giả định trong trường hợp doanh nghiệp không có doanh thu và dòng tiền mới được tạo ra, đồng thời, các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn được cơ cấu giãn nợ trong năm 2020, nhưng công ty vẫn chịu 50% chi phí hoạt động (trừ chi phí khấu hao), chi phí lãi vay và các khoản phải trả người bán ngắn hạn trong năm 2020 thì với vị thế tiền mặt và tương đương tiền hiện có, các doanh nghiệp đủ sức chi trả trong bao nhiêu tháng.

Công thức tính thời gian trụ được nhờ số dư tiền. Nguồn: BSC

Bên cạnh đó, BSC cũng đánh giá lại cơ cấu nợ vay/vốn chủ sỡ hữu, chỉ số thanh toán công ty dựa trên báo cáo tài chính quý IV/2019.

Đánh giá của BSC cho thấy, các ngành như Bất động sản khu công nghiệp, Cao su (đa phần là các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản khu công nghiệp) sở hữu vị thế tiền mặt lớn, khả năng tài chính an toàn với thời gian đủ khả năng chi trả lần lượt là 220 tháng và 92 tháng nhờ cấu trúc dòng tiền được nhận khoản tiền lớn trả trước từ khách hàng thuê đất tại khu công nghiệp.

Một số ngành cũng có thời gian đủ khả năng chi trả trên 12 tháng có thể kể đến ngành Dầu khí (24,2 tháng), Đường (17 tháng), Cảng biển (12,6 tháng), Tiêu dùng (12 tháng).

Ngành hàng không mặc dù chịu thiệt hại rất nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng thời gian đủ khả năng chi trả cũng khá cao, khoảng 11,4 tháng.

Các ngành như Dược phẩm, Xây dựng, Dệt may, Nhựa, Thủy sản, Xi măng đều có thời gian đủ khả năng chi trả từ 4 tháng trở xuống.

Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý rằng những đánh giá trên chỉ là trong trường hợp xấu nhất nếu dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động doanh nghiệp đình trệ. Với việc Chính phủ đã đưa ra các gói tín dụng hoãn nợ, giảm lãi vay và cung cấp nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi tập trung chính vào các nhóm ngành sản xuất và xuất khẩu, BSC nhận định sẽ có sự phân hóa rõ nét các doanh nghiệp trong ngành với cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có uy tín, sức khỏe tài chính tốt có thể trụ vững qua "cơn bão" Covid-19.

Trong khi đó, quan điểm đầu tư mùa dịch của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) là tập trung vào những cổ phiếu blue-chip hàng đầu với năng lực quản trị doanh nghiệp tốt, thanh khoản ổn định, nền tảng tài chính vững vàng và có một số điểm nhấn đầu tư đáng chú ý.

KBSV đưa ra 3 chủ đề đầu tư cho nửa cuối năm 2020, bao gồm: tính phòng thủ cao, hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và có lợi nhuận đột biến nửa cuối năm 2020.

Theo KBSV, rủi ro vẫn hiện hữu và còn quá sớm để khẳng định chúng ta đã nhìn thấy tất cả các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và lợi nhuận của từng doanh nghiệp.

Vì thế mà khuyến cáo của công ty chứng khoán này là tập trung vào các cổ phiếu có đặc tính phòng thủ, ví dụ như có doanh thu đều đặn hàng năm không phụ thuộc vào biến động kinh tế, sở hữu các lợi thế hoạt động lớn và nền tảng tài chính vững vàng để vượt qua những đợt suy thoái sắp tới nếu có.

KBSV cũng đề cao các ngành hưởng lợi từ các gói kích thích nhằm tái khởi động và đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Các dự án hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong các gói kích thích này và sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong các quý sắp tới.

Ngoài ra, theo KBSV, các ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng và làm giảm triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các khoản lợi nhuận đột biến không thường xuyên là một điểm nhấn đầu tư. Tìm kiếm các doanh nghiệp có thể ghi nhận các khoản lợi nhuận này trong nửa cuối năm 2020 sẽ giúp giảm thiểu rủi ro giảm giá của cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác