Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Công ty Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã CK: NVT) thông báo thay đổi hàng loạt chức danh chủ chốt như chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc vận hành dự án, giám đốc chiến lược, kế toán trưởng. Trong khi đó, xét về cơ cấu cổ đông, biến động lớn nhất là quyết định thoái vốn của Recapital Group, tập đoàn do Rosan P. Roeslani - chủ cũ CLB bóng đá Inter Milan - giữ chức Chủ tịch.
Recapital Group từng là "cứu tinh" của Ninh Vân Bay khi chi 225 tỷ đồng mua 30 triệu cổ phần năm 2013. Nhưng mới đây, cổ đông này đã giảm sở hữu chỉ còn một phần ba. Belton Investments, một quỹ đầu tư có liên quan tới Recapital Group, cũng hạ sở hữu từ giữa năm 2019. Động thái được xem là sự rút lui sau nhiều năm "sa lầy" ở Ninh Vân Bay.
Thành lập từ năm 2006, tiền thân là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong, Ninh Vân Bay từng được xem là một trong những "thế lực" của lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, sau thành công của dự án Six Senses Ninh Vân Bay Khánh Hòa.
Ở thời kỳ đỉnh cao, công ty có tổng tài sản hơn 1.500 tỷ đồng không giấu tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, với hàng loạt dự án mới được triển khai. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đúng lúc thị trường gặp khó khiến Ninh Vân Bay nhanh chóng rơi vào khó khăn, do không thể cân đối được dòng tiền.
Recapital Group, với đại diện là Recapital Investments và Belton Investments, trở thành nhóm cổ đông lớn nhất của Ninh Vân Bay sau thương vụ "giải cứu" năm 2013. Đến đầu năm 2019, nhóm này sở hữu và đại diện hơn 45 triệu cổ phần, tương đương gần 46% vốn điều lệ của Ninh Vân Bay.
Là một trong những tập đoàn đầu tư lớn của Indonesia, Recapital Group được kỳ vọng sẽ kéo Ninh Vân Bay ra khỏi vòng xoáy khó khăn. Tuy nhiên, dòng tiền vài trăm tỷ đồng từ cổ đông ngoại không giúp ông chủ chuỗi nghỉ dưỡng Six Sences thay đổi tình thế. Liên tục từ năm 2013 đến nay, Ninh Vân Bay nếu lãi chỉ quanh mốc 30-40 tỷ đồng nhưng lỗ đều lên tới hàng trăm tỷ. Đến cuối quý II/2019, tổng tài sản của Ninh Vân Bay chỉ bằng một phần ba so với thời đỉnh cao, với khoản lỗ lũy kế gần 700 tỷ đồng trên vốn điều lệ 906 tỷ.
Sau nhiều năm khoản đầu tư "sa lầy" ở Ninh Vân Bay, những chuyển động mới công ty này cho thấy khả năng Recapital Group đang rút vốn.
Những diễn biến về nhân sự và cổ đông được đẩy nhanh trong hơn một tháng gần đây, nhưng thực tế "sóng ngầm" đã bắt đầu từ phiên họp thường niên 2019, với sự lộ diện của những nhóm người mới.
Trong số 14 nội dung xin ý kiến cổ đông tại phiên họp tháng 4, chỉ có 8 nội dung được thông qua, chủ yếu về vấn đề nhân sự. Các vấn đề liên quan đến điều hành doanh nghiệp như báo cáo Hội đồng quản trị và tổng giám đốc về kết quả năm 2018 và kế hoạch năm 2019, báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo của Ban kiểm soát và quy chế quản trị nội bộ đều bị phủ quyết do không đủ tỷ lệ thông qua.
Điểm nhấn lớn nhất của phiên họp là việc miễn nhiệm và bầu bổ sung nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Nguyễn Hoàng Giang - nguyên CEO Công ty chứng khoán VNDirect, ông Phạm Thành Thái Lĩnh - từng phụ trách đầu tư Công ty chứng khoán Bảo Việt và ông Ikhwan Primanda, đại diện nhóm Recapital Group được bầu thay thế ba thành viên bị miễn nhiệm trong Hội đồng quản trị Ninh Vân Bay.
Hai trong ba nhân sự mới xuất hiện tại Ninh Vân Bay có liên quan đến một nhóm nhà đầu tư mới đây đã thâu tóm một số doanh nghiệp khác trên thị trường.
Đến đầu tháng 9, diễn biến được đẩy nhanh hơn với nhiều giao dịch cổ phiếu khối lượng lớn được thực hiện, dần hé lộ nhóm cổ đông mới tại Ninh Vân Bay.
Recapital Group, cổ đông lớn nhất Ninh Vân Bay đăng ký bán 21,72 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Giao dịch được đăng ký thực hiện từ ngày 16/9 đến 15/10. Nhưng chỉ một ngày sau khi đăng ký, toàn bộ lượng cổ phiếu này được sang tay cho một cổ đông cá nhân. Ngày 17/9, ông Phạm Quốc Khánh, một nhà đầu tư trước đó không nắm giữ cổ phiếu nào của Ninh Vân Bay, đã trở thành cổ đông lớn nhất sau khi mua lại phần thoái vốn của Recapital Group.
Trên thị trường chứng khoán, thanh khoản của cổ phiếu NVT cuối tháng 9 chỉ ở mức vài chục nghìn, thậm chí vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, nhưng đã có những lệnh giao dịch thỏa thuận với quy mô vài triệu cổ phiếu.
Chưa tới nửa tháng sau khi cổ đông lớn nhất thoái vốn, chỉ trong một ngày 27/9, Ninh Vân Bay ra 6 quyết định thay đổi nhân sự cấp cao, từ vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị, cho tới giám đốc quản lý dự án, giám đốc chiến lược, kế toán trưởng.
Cuối tháng 10, Hội đồng quản trị Ninh Vân Bay thông qua quyết định triệu tập họp bất thường lần 1 năm 2019 nhằm thay đổi một loạt cơ chế điều hành. Trong đó, ban lãnh đạo công ty trình nội dung kết thúc nhiệm kỳ cũ 2017-2022 ngay trong năm nay để bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 5 năm với năm mở đầu là 2019.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị Ninh Vân Bay cũng đề xuất sửa điều lệ giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 9 xuống 5 người và thay đổi người đại diện theo pháp luật từ tổng giám đốc thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Những thay đổi, theo một số chuyên gia, có thể là sự chuẩn bị cho việc "đổi chủ" tại Ninh Vân Bay.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.