Chủ dự án The Maris Vũng Tàu: Đem 95% tài sản đi đầu tư, nhận về thua lỗ nặng nề

Vĩnh Chi - 01/10/2024 14:49 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Trùng Dương (TDG Group) – chủ dự án The Maris Vũng Tàu, được xem là một tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản Vũng Tàu, gây bất ngờ với kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm qua.

Trùng Dương và dự án thập kỷ

Thị trường bất động sản Vũng Tàu quý III/2024 đã đón chào một dự án mới - tòa tháp căn hộ 18 tầng mang tên Polaris thuộc tổ hợp nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí biển The Maris Vũng Tàu, do Công ty TNHH Allgreen - Vượng Thành - Trùng Dương phát triển.

Allgreen - Vượng Thành - Trùng Dương là một liên doanh được lập ra từ năm 2008, bởi Công ty TNHH Allgreen – Vượng Thành (Singapore) và Công ty Cổ phần Trùng Dương (Việt Nam).

2008 chính là năm đánh dấu cho sự khởi đầu của The Maris Vũng Tàu. Nhưng kể từ khi thành lập liên doanh, phải mất 10 năm, dự án rộng 23ha này mới được triển khai xây dựng. Và mất 6 năm tiếp theo, dự án mới có được 3 hợp phần ra mắt thị trường (tháp căn hộ Polaris, khu biệt thự Serenity và căn hộ "du thuyền" Vega Alaric).

Dù vậy, với những gì đang có, Trùng Dương đã được liệt vào hàng những tên tuổi “có số má” trên thị trường địa ốc vùng đất cảng phương Nam.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Trùng Dương được thành lập năm 2004, hoạt động trong các lĩnh vực như: bất động sản, thi công xây dựng, đầu tư khai thác du lịch và dịch vụ thương mại. Năm 2007, công ty “bắt tay” với Tập đoàn Selangor (Malaysia) thành lập Công ty liên doanh TNHH Vũng Tàu Selangor để triển khai dự án nhà ở xã hội 6,5ha.

Tiếp đó là sự hợp tác với doanh nghiệp gốc Singapore nêu trên để có được The Maris Vũng Tàu. Vào năm 2022, Trùng Dương cũng đã thành lập Công ty TNHH MT Holding để phân phối, kinh doanh bất động sản.

Người đại diện theo pháp luật của Trùng Dương hiện tại là Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Tuấn (sinh năm 1960). Ông Tuấn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 41,8%. Bên cạnh ông Tuấn, Trùng Dương còn có các cổ đông khác gồm: Châu Hữu Phúc (quốc tịch Mỹ) 4%, Nguyễn Cao Hải Vân 21,9%, Nguyễn Cao Phương Trang 25,5%, Huỳnh Thiện Hòa 6,7%.

Cập nhật ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nêu trên có ít nhiều biến đổi. Theo đó, ông Bùi Ngọc Tuấn sở hữu 5,844%, Châu Hữu Phúc 0,558%, Nguyễn Cao Hải Vân 3,06%, Nguyễn Cao Phương Trang 3,562% và Huỳnh Thiện Hòa 0,93%.

Bất ngờ kết quả kinh doanh Trùng Dương

Là chủ của một dự án đình đám ở Vũng Tàu, không ngạc nhiên khi Công ty Cổ phần Trùng Dương có quy mô tài sản lớn. Ghi nhận đến cuối năm 2023, công ty có tổng tài sản 905 tỷ đồng, gần như đi ngang so với hai năm liền kề trước đó.

Điều đáng chú ý là công ty mang tới 95% tổng tài sản (860 tỷ đồng) đi đầu tư tài chính. Tuy nhiên, những gì nhận về lại khá chua chát. Giai đoạn 2021 – 2023, doanh thu tài chính của Trùng Dương chỉ dao động 1,3 – 1,4 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, dù không vay mượn, nhưng công ty phải gánh chi phí tài chính khá lớn, lần lượt các năm đạt: 43 tỷ đồng, 44 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.

Cộng thêm các khoản chi phí khác (như chi phí quản lý lý doanh nghiệp, chi phí khác), Trùng Dương rơi vào cảnh lỗ liên tục từ năm 2021 đến năm 2023 với mức lỗ sau thuế lần lượt là: -41,8 tỷ đồng, -42,7 tỷ đồng và -41,9 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2023, tổng lỗ lũy kế của Trùng Dương đã lên tới 231 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước đó.

Khoản lỗ lũy kế phình to qua các năm đã “bào” vốn chủ sở hữu của Trùng Dương từ 438 tỷ đồng (năm 2021) xuống 395 tỷ đồng (năm 2022) rồi còn 353 tỷ đồng (năm 2023).

Một điều đáng chú ý khác là trong các năm 2022 – 2023, Trùng Dương ghi nhận số dư tiền và tương đương tiền rất thấp, chỉ 4 – 5 tỷ đồng/năm, phản ánh hoạt động kinh doanh hầu như “giậm chân tại chỗ”…

Trương Mỹ Lan đòi SCB trả lại dự án BĐS 16.500 tỷ đồng

Trương Mỹ Lan đòi SCB trả lại dự án BĐS 16.500 tỷ đồng

Tiêu điểm
(VNF) - Bà Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) trả lại dự án 6A Trung Sơn cùng 65 tài sản khác mà SCB đang giữ
Cùng chuyên mục
Tin khác