Chủ tịch ECB cảnh báo nguy cơ giá năng lượng leo thang

Ngọc Hà - 31/03/2022 07:18 (GMT+7)

Chủ tịch ECB Lagarde nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến triển vọng của các nền kinh tế thuộc EU trở nên "không chắc chắn," cũng như kìm hãm đà phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19.

VNF
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền Tây nước Đức.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 30/3 cảnh báo cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine sẽ khiến giá năng lượng và chi phí sinh hoạt của châu Âu leo thang.

Phát biểu trong chuyến thăm Cyprus, Chủ tịch ECB Lagarde nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến triển vọng của các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) trở nên "không chắc chắn," cũng như kìm hãm đà phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo bà, các chuyên gia cho rằng tác động kinh tế của cuộc xung đột sẽ gây ra cú sốc nguồn cung, đẩy lạm phát tăng và kéo lùi tăng trưởng.

Chủ tịch ECB cho rằng giá năng lượng sẽ duy trì ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn. Kể từ đầu năm nay, giá khí đốt đã tăng thêm 52%, trong khi giá dầu mỏ đã tăng thêm 64%.

Trong khi đó, giá lương thực dường như cũng đang phải chịu áp lực, khi Nga và Ukraine chiếm tới 30% lượng xuất khẩu lúa mỳ của toàn thế giới. Do đó, "nút thắt cổ chai" trong sản xuất toàn cầu có khả năng tiếp diễn trong một số lĩnh vực nhất định. Điều này có thể khiến các hộ gia đình trở nên bi quan hơn và cắt giảm chi tiêu.

Trên thực tế, niềm tin của người tiêu dùng châu Âu trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong một thời gian dài.

Chủ tịch ECB khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy "các lỗ hổng chiến lược" trong các mối quan hệ an ninh và thương mại.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans cho biết cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên EU chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống thiếu hụt khí đốt, sau khi Đức kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung trong trường hợp xảy ra tình trạng gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định nước này đã cân nhắc mọi kịch bản, trong đó có cả khả năng Nga đưa ra quyết định chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ông Le Maire nhấn mạnh kịch bản như vậy sẽ là "thảm họa" song vẫn cần được cân nhắc tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas cũng triệu tập cuộc họp bất thường để thảo luận kiến nghị của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble và đánh giá các phương án thay thế để đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho nước này trong trường hợp Nga chấm dứt xuất khẩu khí đốt cho châu Âu.

Cũng trong ngày 30/3, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định nước này sẽ không thanh toán bằng đồng ruble đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Nga, ví dụ như khí đốt, và đang liên lạc với các doanh nghiệp Anh vốn đang lo ngại về vấn đề này.

Cùng ngày, một người phát ngôn của chính quyền Bulgaria chỉ trích yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble vi phạm hợp đồng và không thể chấp nhận được.

Về phần mình, Chính phủ Hà Lan dự định đề nghị người dân và các doanh nghiệp giảm sử dụng khí đốt song chưa kích hoạt kế hoạch khủng hoảng khí đốt. Hiện Chính phủ Hà Lan vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời quyết định sẽ tiến hành chiến dịch kêu gọi người dân giảm sử dụng khí đốt.

Theo VietnamPlus
Cùng chuyên mục
Tin khác