G7 không chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, Nga tuyên bố cứng rắn
Mộc An -
28/03/2022 20:38 (GMT+7)
(VNF) - Nga khẳng định sẽ không cung cấp khí đốt nếu khách hàng không thanh toán bằng đồng ruble.
Quyết định chuyển đổi thanh toán các giao dịch mua khí đốt bằng đồng ruble với các “quốc gia không thân thiện” của Nga đã vấp phải không ít lời chỉ trích của các quốc gia phương Tây.
Mới đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán cho nhập khẩu năng lượng của Nga bằng đồng ruble.
“Tất cả cả các bộ trưởng thuộc các nước G7 hoàn toàn đồng ý rằng quyết định mới của Nga là sự vi phạm một phía và rõ ràng đối với các hợp đồng hiện có”, ông Habeck phát biểu ngày 28/3 sau cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng năng lượng G7.
“Thanh toán bằng đồng ruble là không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ thúc giục các công ty bị ảnh hưởng không tuân theo yêu cầu của ông Putin”, vị Bộ trưởng Đức nhấn mạnh thêm.
Cùng ngày, khi được các phóng viên đặt câu hỏi rằng Nga có cắt nguồn cung khí đốt cho các khách hàng châu Âu nếu họ từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “rõ ràng chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí”.
Tuy nhiên, ông Peskov từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những biện pháp mà Nga có thể thực hiện nếu châu Âu từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ủy quyền các quan chức chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nga và ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để chuyển tất cả các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga từ các “quốc gia không thân thiện” sang đồng ruble bắt đầu từ ngày 31/3.
Hiện danh sách này bao gồm 27 thành viên EU, Mỹ, Australia, Anh, Canada, Monaco, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Singapore…
Tổng thống Putin giải thích thêm rằng Nga vẫn sẽ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên theo khối lượng và giá cả được thống nhất trong hợp đồng đã ký kết trước đó, chỉ thay đổi phương thức thanh toán là thay thế bằng đồng ruble của Nga.
Các nhà phân tích coi động thái này là nỗ lực nhằm gây áp lực lên châu Âu của Nga, để trả đũa loạt biện pháp cấm vận khắc nghiệt sau khi nước này động binh với Ukraine.
Khi mệnh lệnh của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.