Chủ tịch ngân hàng nhận lương cao nhất ngành, hơn 8,6 tỷ đồng/năm

Khánh Tú - 06/09/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Sacombank có thu nhập cao nhất ngành ngân hàng với mức lương lên tới 8,625 tỷ đồng trong năm 2023

Theo báo cáo "Thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam năm 2023", thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Kết quả này được lấy từ dữ liệu của 200 công ty đại chúng trong tổng số 1.647 công ty đại chúng đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM).

Trong đó, Ngân hàng và Dịch vụ tài chính (chủ yếu là CTCK) có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này.

Riêng với ngành Ngân hàng, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT có mối tương quan đáng kể với hiệu quả hoạt động. Thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT và hệ số ROE bình quân ngành Ngân hàng cùng ở mức cao. Thực tế này xuất phát một phần từ thực tế là Chủ tịch HĐQT nhiều Ngân hàng đều là chủ tịch điều hành.

Theo báo cáo của FiinGroup, các ngân hàng trả lương cao nhất cho Chủ tịch HĐQT trong năm 2023 bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) STB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank). Đáng chú ý, mức thù lao của Chủ tịch HĐQT của Sacombank cao nhất ngành ngân hàng và đứng thứ hai toàn thị trường, chỉ sau mỗi Chủ tịch PNJ.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2023, Chủ tịch HĐQT của Sacombank là ông Dương Công Minh đã nhận 8,625 tỷ đồng vào năm 2023. Còn thu nhập bình quân/tháng của các thành viên Ban Điều hành của Sacombank và các công ty con trong năm 2023 là 290 triệu đồng/người.

Tại TPBank, mức lương của Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú năm 2023 là 6,206 tỷ đồng, tăng từ 5,569 tỷ đồng của năm 2022.

Tại SeABank, thù lao của Chủ tịch HĐQT năm 2023 là 6 tỷ đồng, tăng từ 4,39 tỷ đồng của năm 2022. Tổng cộng thù lao của tất cả thành viên HĐQT của SeABank trong năm 2023 là 22,308 tỷ đồng.

Tại HDBank, Chủ tịch HĐQT Kim Byoungho nhận thù lao 5,177 tỷ đồng trong năm 2023, gần gấp 4 lần so với mức thù lao của năm 2022.

Đáng chú ý, mức thù lao của các chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn thù lao của các chủ tịch tại nhóm Big4. Trong nhóm ngân hàng Big4, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận thù lao hơn 2,48 tỷ đồng năm 2023. Còn thù lao của Chủ tịch VietinBank ở mức 2,48 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, cựu chủ tịch Vietcombank, chỉ nhận thù lao 1,63 tỷ đồng năm 2023.

Điều này cũng đã được chỉ ra trong báo cáo của FiinGroup. Dựa trên dữ liệu khảo sát về thu nhập lãnh đạo , nhóm nghiên cứu chỉ ra nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước (nhà nước sở hữu từ 25% đến dưới 51% tổng vốn chủ sở hữu) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất nhưng thu nhập bình quân của chủ tịch hội đồng quản trị (cũng như của CEO) cùng thấp hơn 16%-20% so với mức bình quân toàn thị trường.

Về phía CEO, các CEO có thu nhập bình quân ở mức 2,5 tỷ đồng/năm/người trong năm 2023. Trong đó, bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán), và bảo hiểm là Top 3 ngành có thu nhập bình quân của CEO cao nhất, vượt trội so với mức bình quân của thị trường.

Chỉ có duy nhất 1 ngân hàng lọt vào danh sách 15 công ty có mức thù lao cho CEO cao nhất thị trường là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank). Ngoài ra, còn lại là các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tiêu dùng và bảo hiểm như Vingroup, Vincom Retail,…

Cùng chuyên mục
Tin khác