Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giám sát thực trạng tài chính của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Hoàng Sơn - 28/02/2022 19:54 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước và tài chính của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

VNF
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giám sát tài chính nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi một số cơ quan của Quốc hội yêu cầu giám sát về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước và nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng giao các cơ quan trên giám sát tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan này phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.

Đươc biết, theo Nghị quyết số 42/2021, Quốc hội cho phép Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định.

Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ; Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.

Liên quan đến nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, hồi đầu năm 2022, nhà máy này từng đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động vì gặp khó khăn về tài chính.

Ngay sau đó, với vai trò là một bên góp vốn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đàm phán với các đối tác nước ngoài tại Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP, gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- Petrovietnam, Công ty Dầu khí quốc tế Cô Oét- KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản- IKC và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản- MCI) về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Hiện các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do PVN đề xuất. Theo đó, các bên thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc.

Cùng chuyên mục
Tin khác