Nhân vật

Chủ tịch Thaco lý giải nguyên nhân 'không thể chọn' nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Thừa nhận phải cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã phát triển từ 50-70 năm, ông Trần Bá Dương cho biết, sau 2018 Thaco chắc chắn tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để có thể tiến đến xuất khẩu ngược lại các nước trong ASEAN.

Chủ tịch Thaco lý giải nguyên nhân 'không thể chọn' nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco.

Chiều 26/3, tại khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam), CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã làm lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô Mazda (Thaco Mazda).

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 35ha trong đó 12ha nhà xưởng với công suất 100.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.

"Nhà máy này được xem là công trình có ý nghĩa khởi đầu và là hình mẫu cho chu kỳ đầu tư mới của Thaco và các đối tác tại Chu Lai với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Do vậy, chúng tôi cũng cam kết là nhà máy hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao và đáp ứng công nghệ đã đề ra", ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco nói.

Ông Dương cũng cho biết, nhà máy được xây dựng cùng với diễn biến của thị trường ô tô theo chiều ngược lại đó là xe nguyên chiếc bắt đầu được nhập khẩu về nhiều và các công ty liên doanh đang giảm, thu hẹp dần và có thể tiến đến ngưng lắp ráp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% trong năm nay về bằng 0% vào năm 2018.

Tuy nhiên, Thaco vẫn quyết tâm theo đuổi bởi thời gian vừa qua, Thaco đã vươn lên, chiếm thị phần hơn 40% về xe tải, 50% về xe khách và đặc biệt với 2 thương hiệu KIA, Mazda đạt hơn 62.000 xe chiếm hơn 26% thị phần và đứng đầu thị trường xe con Việt Nam năm 2016.

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô.

"Với thị trường phát triển ổn định và gia tăng trong thời gian tới nhất là sau 2018 chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ gia tăng tỷ lệ nội địa hoá đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu 40% để có thể xuất khẩu ngược lại các nước trong khu vực ASEAN", ông Dương nhấn mạnh.

Thừa nhận việc phải cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã phát triển từ hơn 50 đến 70 năm và có quy mô về sản xuất và thị trường ô tô lớn rất nhiều lần so với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia tuy nhiên ông Dương cho biết, Thaco không thể chọn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc mà không tiếp tục theo đuổi sản xuất.

"Vì như vậy, chúng tôi sẽ đánh mất 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề đang làm việc ở Chu Lai và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển và đặc biệt là công nghệ cùng với nhà xưởng, máy móc, thiết bị", ông Dương lý giải.

Ngoài ra, ông Dương cũng đề cập vấn đề thuế và các quy định trong quản lý giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước và cho rằng cần "chính sách nhất quán và đúng đắn của Nhà nước".

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thaco đã tăng tỷ lệ nội địa hoá ô tô và cho biết, ô tô không chỉ là một loại sản phẩm hàng hoá thông thường mà còn là một thương hiệu quốc gia. "Một đất nước như Việt Nam nhập khẩu ô tô là sai lầm, chủ trương đã được đánh giá, thống nhất cao: bảo vệ sản xuất trong nước theo thông lệ quốc tế", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất chính xác phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho nền công nghiệp ô tô trong nước phát triển nhằm phục vụ thị trường nội địa với dân số 100 triệu dân và hướng tới xuất khẩu.

Tin mới lên