Chủ tịch UBCKNN: 'Hình thành bằng được thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022'

Thanh Long - 05/02/2022 18:07 (GMT+7)

(VNF) - Trong năm 2022, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết tâm hình thành, xây dựng và khai trương cho được thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ. "Đây là một thị trường rất tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam", Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng nhận định.

VNF
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng

"Có thể nói rằng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 đã rất thành công, song năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ tập trung phát triển TTCK theo hướng bền vững và khẳng định là một kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng chia sẻ với báo giới nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022.

Nhìn lại một quá trình, ông Dũng cho biết 2021 là một năm rất là đặc biệt đối với TTCK. Năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế xã hội và TTCK cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cả thị trường đã phải thích ứng linh hoạt và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới, mọi hoạt động của thị trường đều được bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, thậm chí kịch bản trụ sở các của sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.   

2021 cũng là một năm đặc biệt về kết quả đạt được của thị trường trong bối cảnh nhiều biến động. Thanh khoản tăng rất nhanh và mạnh đã khiến hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) bị nghẽn lệnh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, tính chung cả năm, kết quả đạt được của TTCK là tương đối khả quan, toàn diện.

Cụ thể, năm 2021, chỉ số VN-Index đã đạt đỉnh, trên 1.500 điểm, kết thúc năm đã tăng 35,7%.

"Đặc biệt về thanh khoản, chúng ta cũng nhìn thấy một năm bùng nổ, với mức thanh khoản của năm 2021 là đạt 3,6 lần so với năm 2020, đạt trên 26.000 tỷ đồng/phiên. Suốt trong 9 tháng liên tục vào cuối năm, giá trị giao dịch bình quân của TTCK Việt Nam đều đạt trên 1 tỷ USD/phiên, thậm chí có phiên tới 2,5 tỷ USD/phiên", Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.

Cùng với đó, năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với công chúng đầu tư. Tính cả năm 2021, có tới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán mở mới, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020, lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại. Tính tới cuối năm, tổng số tài khoản chứng khoán của TTCK Việt Nam đã đạt gần 4,3 triệu tài khoản, đạt hơn 4,3% dân số.

Có được kết quả trên, theo ông Trần Văn Dũng, là nhờ các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, một nguyên nhân rất quan trọng là sự chỉ đạo một cách rất là quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo nhất quán "điều hành thị trường an toàn, hiệu quả trong mọi hoàn cảnh và tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường". "Đây là một điểm nhấn rất quan trọng trong chính sách của Bộ Tài chính", người đứng đầu ngành chứng khoán cho biết.

Hơn thế nữa, Bộ Tài chính đã ban hành rất sớm và giữ các chính sách khuyến khích cho TTCK phát triển, đặc biệt là các chính sách giảm phí giao dịch.

"Chúng tôi còn thấy một nguyên nhân nữa đó là hiệu lực của Luật Chứng khoán mới (hiệu lực từ 1/1/2021) đã bắt đầu đi vào cuộc sống, đây là nền tảng để cho Bộ Tài chính, UBCKNN xử lý các vấn đề trên TTCK, đặc biệt là việc thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm được nghiêm minh hơn và chuẩn mực hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác giúp TTCK đạt được kết quả khả quan là sự nỗ lực của các thành viên của thị trường. Trong năm 2021, các công ty chứng khoán tận dụng tốt bối cảnh của TTCK phát triển để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, dịch vụ, và đặc biệt là đã phối hợp với UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán để tinh chỉnh, phát triển hệ thống giao dịch của mình một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm môi trường mới, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

"Và chúng ta cũng thấy, các nhà đầu tư trong năm 2021 đã tham gia thị trường một cách rất tích cực, chủ động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng với hơn 1,53 triệu tài khoản mở mới, mà chúng tôi còn thấy chất lượng các tài khoản mở mới là tốt hơn. Mặt bằng trình độ các nhà đầu tư tham gia cao hơn, hiểu biết nhiều hơn về TTCK. Chúng tôi đánh giá rất là cao yếu tố này và cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới sự tham gia của các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng cả chất và lượng", Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng nêu quan điểm.

Ông Dũng cho hay trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sẽ tập trung vào nhiều giải pháp quan trọng.

Trước hết, sẽ phát triển TTCK hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, vừa phát triển về mặt quy mô nhưng phải đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững. Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch cũng đã được thể hiện trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030.

"Năm 2022, chúng ta sẽ triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt và đã được thể hiện trong thông tư của Bộ Tài chính", ông Dũng tiết lộ.

Một điểm nữa trong năm 2022 mà Bộ Tài chính, UBCKNN quyết tâm thực hiện là phải hình thành, xây dựng và khai trương cho được thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

"Như chúng ta đã biết, đây là một thị trường rất tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam", ông Dũng nhìn nhận.

Cũng trong năm 2022, theo ông Dũng, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, từ đó giữ và củng cố được lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường.

Đánh giá về triển vọng TTCK năm 2022, Chủ tịch UBCKNN cho biết mặt bằng lãi suất thấp nhiều khả năng tiếp tục được duy trì; vì vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dư địa phát triển của TTCK vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tác động của các gói kích thích kinh tế và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

"Dù có nhiều tín hiệu khả quan cho TTCK trong năm 2022, tuy nhiên năm nay tiếp tục là một năm khó khăn, chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho TTCK", ông Dũng lưu ý.

Về yếu tố nội tại TTCK Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho rằng cho đến nay TTCK đã tích lũy được thành quả về cả “lượng và chất”, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, TTCK trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực.

"Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời, chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro", ông Dũng bày tỏ.

Cùng chuyên mục
Tin khác