Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Khởi nghiệp năm 29 tuổi với số vốn 300 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng từ tiền đi vay, U&I là từ viết tắt của cụm từ Bạn và Tôi trong tiếng Anh, được thành lập bởi ông Mai Hữu Tín và bà Đoàn Ngọc Tố Uyên, những doanh nhân người Bình Dương với niềm tin rằng khi cùng làm việc với nhau người Việt Nam cũng có thể làm kinh doanh và làm giỏi được.
Từng được gọi là "võ sĩ trên đấu trường kinh tế", chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới Mai Hữu Tín đã kết hợp nhuần nhuyễn võ thuật và võ đạo trong hành xử kinh doanh, với sự tự tin, văn minh và hướng thiện, đưa U&I sau 20 năm trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...
Nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như vụ giải cứu công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành... ẩn chứa đằng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh là tâm huyết giữ gìn những thương hiệu Việt, tinh thần dấn thân vì một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam
Ông Mai Hữu Tín.
Thời đi học, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành doanh nhân. Ngoài đam mê đọc sách, chàng trai cao một mét tám với nụ cười tủm tỉm ấy còn đam mê môn võ thuần Việt Vovinam, và từng giật giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 1986. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ TP. HCM khoa tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ xuất sắc đã mở ra cho anh những chân trời mới.
Trở thành người phiên dịch cho những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, anh từng được chọn phiên dịch cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 23 tuổi, anh được thuê làm giám đốc một doanh nghiệp khá lớn. Lao vào học cao học quản trị và kinh doanh, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành tài chính.
Sau 10 năm làm thuê, anh quyết định khởi nghiệp, với ước mong khá lý tưởng là nếu kinh doanh giỏi sẽ giúp được nhiều người hơn. Từ một công ty nhỏ với 6 người sáng lập, sau 20 năm đã có trên 30 công ty con được đánh giá cao về sản phẩm và tầm ảnh hưởng.
Biến động là việc luôn xảy ra, U&I thường xuyên điều chỉnh các kế hoạch của mình để thích ứng. Nhưng các giá trị cốt lõi mà U&I theo đuổi như trọng dụng nhân tài (meritocracy), chính trực (integrity), cải tiến liên tục vẫn luôn được giữ gìn.
Lĩnh vực đầu tư logistic của U&I hiện đang mang lại giá trị gia tăng rất lớn, với hệ thống kho lớn nhất Việt Nam. Lý giải về suất đầu tư này, ông Tín cho biết: "Chi phí logistic Việt Nam gần như cao nhất thế giới, chiếm 25% GDP, trong khi các nước nhiều lắm cũng chỉ 8-9% GDP. Do chi phí tốn kém, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh khiến vòng quay hàng hóa dài, hiện doanh nghiệp Việt Nam trong ngành logistic chỉ chiếm 5% thị phần, còn lại là của nước ngoài. Nếu chúng tôi đi theo con đường mọi người vẫn làm chắc chết sớm!
Bắt buộc phải đầu tư về chiến lược, tìm được ngách riêng cho mình. Tôi đi thăm hỏi, dò xét khắp Bình Dương, phát hiện ra đây là nơi tập trung nhà máy gỗ lớn nhất, lĩnh vực này còn phát triển vài chục năm ở Việt Nam. Nhiều công ty đến đây tìm mua gỗ, hàng hóa của họ phải gom về điểm trung gian để đưa về cửa hàng các nước. Giả sử làm được ở Việt Nam với chi phí thấp hơn, nhanh hơn, đầu tiên cũng chả ai tin chúng tôi.
Thuyết phục một công ty lớn ở Bắc Mỹ làm dịch vụ cho chúng tôi, trang bị hạ tầng kỹ thuật chống ẩm, trang bị công nghệ, rồi thuyết phục hải quan Mỹ để an toàn hàng hóa qua Mỹ… Đây là quá trình dài nhưng quyết liệt, để theo đuổi đầu tư nhân sự trong phân khúc nhỏ này".
Tám năm đầu tư chỉ phục vụ một khách hàng duy nhất, chinh phục khách hàng này rằng U&I đã làm được tất cả mọi công đoạn chuẩn khi đưa hàng đến cửa hàng của họ, giới thiệu đến người tiêu dùng Mỹ. Từ đó hầu hết công ty Mỹ đều sử dụng công nghệ lưu kho của U&I. Phân khúc rất nhỏ không ai chú ý, đến nay U&I tự tin khẳng định là công ty có hệ thống kho lớn nhất tại Việt Nam.
Điều gì khiến ông Tín chấp nhận chọn cuộc chơi mới đầy rủi ro là logistic, một lĩnh vực "thuyền lớn, sóng lớn"? Làm thế nào để có thể huy động vốn, thuyết phục khách hàng hợp tác?
"Việc đầu tư vào thị trường mới là chuyện bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển. Khi chúng tôi quyết định đầu tư công nghệ khoan phục vụ ngành đồ gỗ, chi phí nghiên cứu tốn khoảng vài chục ngàn USD thôi, nhưng nếu cung ứng tương tự dịch vụ đang sử dụng, sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được tới 50% kinh phí. So sánh lợi ích và chi phí, khách hàng rất khó từ chối lời đề nghị đó.
Khi chúng tôi thuyết phục họ, họ bảo anh cứ xây kho để chúng tôi kiểm tra, chúng tôi đứng trước quyết định là có xây kho hay không? May mắn là ngành logistic cũng không quá rủi ro. Xây kho đúng chuẩn thì cho dù không làm kho ngoại quan đồ gỗ thì vẫn có thể dùng để chứa những thứ khác chứ không phải bỏ đi hẳn.
Quan trọng là đã nghiên cứu thì phải làm tới nơi tới chốn để đủ sức thuyết phục, chứ nếu quan sát hời hợt, không biết được con số cụ thể thì không làm được gì cả. Nếu bạn đầu tư lãnh vực nào đó thì phải có niềm tin để làm tới nơi tới chốn, để nó trở thành kế hoạch kinh doanh thật sự", ông Tín cho biết.
Đầu tư sang nông nghiệp cũng là một điểm sáng của U&I. Ngay từ đầu ông Tín đã xác định với nông nghiệp, phòng thủ tốt ở thị trường nội địa sẽ là bàn đạp tấn công sang thị trường khu vực. Đón đầu cực kỳ nhanh về công nghệ, vũ khí để đối chọi là sự chuẩn bị đầy đủ, liên kết với những người có thể là đối thủ trong tương lai, học cách để hiểu họ, học cách tạo văn hóa công ty, tạo ra thế phòng thủ dựa vào con người…
"Có những nguyên tắc mà chúng tôi kiên quyết đeo đuổi. Lấy mặt hàng chuối chẳng hạn. Diện tích mà chúng tôi đang thực hiện sẽ lên tới vài ngàn ha và chắc chắn không có chuyện thừa hàng phải bán rẻ. Việt Nam có lợi thế nhất định với mặt hàng này để cung ứng cho trong nước và các thị trường lân cận như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Vấn đề chính là sự ổn định, đồng đều và bảo đảm về chất lượng. Với dưa lưới thì câu chuyện có khác. Chúng tôi tạo ra giống riêng của mình (Unisweet) với chất lượng vượt trội, tuân thủ quy trình sản xuất sạch…để đẩy hàng nhập khẩu với độ an toàn khó kiểm soát ra khỏi Việt Nam".
Mai Hữu Tín cùng các chuyên gia, khách mời tại nông trại của Unifam.
U&I có trang trại 500ha trồng nông sản, nhưng cũng đã từng sai lầm. Ban đầu cũng làm như người ta, nghĩ đem những công nghệ mới nhất chắc sẽ thắng. Đem công nghệ nhà kính từ Israel về cách đây 6 năm, tốn cả trăm nghìn USD, thuê hẳn một ông Israrel lương rất cao, thử trồng cà chua, ớt chuông, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn thật nhưng không thuyết phục được người dân trả giá cao hơn 5 lần để mua cà chua.
Từ đó U&I phải chuyển hướng, áp dụng công nghệ để phục vụ người Việt Nam, sử dụng nhà kính đó để trồng những sản phẩm người Việt Nam sẵn sàng trả giá cao để mua như dưa lưới. Nhiều người mua dưa lưới trong siêu thị tưởng là nhập nhưng đều được trồng trong nhà kính của U&I.
"Nhưng không thể chỉ dùng nhà kính, đất của ta còn mênh mông lắm. Đặt mình vị trí người đi sau để làm tốt hơn, ASEAN sản xuất chuối tốt nhất thế giới, dẫn đầu là Philippine, siêu thị bán chuối từ Mỹ, Mexico đều là nhập từ Việt Nam. Chúng tôi đang là đối thủ của Philipine để xuất khẩu chuối sang Đài Loan và thị trường thế giới. Khó khăn của tôi không phải là không xuất được hàng mà không có đủ hàng để xuất. Biến những nhân viên thành cổ đông để tạo động lực cạnh tranh với thị trường, chúng tôi hiện nay không hết việc để làm" ông Tín chia sẻ
Tuy nhiên, điểm nghẽn trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay theo ông Tín là chưa có nông trại lớn. Nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh do quy mô sản xuất quá nhỏ. Nếu chúng ta không cho phép tích tụ đất, hình thành nông trại lớn thì không thể có khả năng cạnh tranh. Nếu mỗi trang trại chỉ một vài hecta thì không thể áp dụng công nghệ tốt được.
Các doanh nghiệp xoay chuyển thị trường đều có trang trại quy mô để áp dụng công nghệ thì người Việt không thua bất kỳ ai, nhất là thế mạnh trái cây nhiệt đới. Không ít tập đoàn đa ngành Việt Nam đã từng thất bại khi không tập trung vào giá trị cốt lõi của mình, nhất là những giai đoạn kinh tế khủng hoảng.
Ông Tín chia sẻ: "Tôi tin là mỗi người chỉ nên kinh doanh một ngành mà họ có sở trường. Các giám đốc trong 8 lĩnh vực của tôi đều là những người làm việc theo đúng sở trường của họ. bản thân tôi cũng chỉ làm mỗi một việc mà tôi cho là tôi có sở trường, đó là phân bổ vốn. Nếu có vũ khí, tôi tin chắc đầu tiên là con người.
Tôi điều hành tới 39 doanh nghiệp, không thể biết hết được mọi người, nên phải dựa vào 39 giám đốc điều hành giỏi hơn tôi rất nhiều trong chuyên môn của họ. Tôi chỉ quy tụ họ, thúc đẩy họ bằng động lực mỗi ngày, để chứng minh được họ giỏi hơn những người khác, đối thủ của tôi. Nếu bạn làm cho những người lao động của bạn có động lực thì không thể thua ai".
Mua lại Toàn Mỹ, rồi kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt, ông còn M&A nhiều thương vụ đình đám như Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành...
Làm thế nào đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và thành công? Ông Tín cho biết: "Những doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu tốt như vậy không thể để "chết" một cách oan uổng. Tôi đã quyết định nhảy vào đầu tư cho giấy Sài Gòn, một quyết định hơi mang tính tình cảm. Xác định rõ nếu chỉ làm trong nội địa không thể khai thác hết công suất 130 ngàn tấn/ năm, SGP đã chấp nhận đầu tư lực lượng, máy móc để nhắm vào mục tiêu trở thành nhà cung cấp giấy hàng đầu khu vực ASEAN, xuất khẩu 130 nước trên thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp giấy khổng lồ của Trung Quốc.
Từ ý chí đó mới xác định mình yếu kém ở chỗ nào. Phải biến Giấy Sài Gòn thành một nhà máy lắp ráp thực sự, khó khăn nhất là nguồn vốn, nhân lực trực tiếp. Máy móc nhập từ châu Âu với công nghệ tốt nhất cần những con người tốt nhất, "bơm" vào hai yếu tố chủ chốt đó, cùng với việc mời những nhà tư vấn hàng đầu của Canada, Nhật Bản, tập hợp anh em, kích thích lòng yêu nghề , tính dân tộc của họ…
Sự quyết liệt cần thiết đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, đạt doanh thu 3.000 tỷ, một cột mốc đáng mừng. Doanh thu năm 2015 đạt 300 tỷ đồng, dự kiến khi vận hành hết công suất sẽ vượt mốc 5.000 tỷ đồng vào 2019.
Đối với Gỗ Trường Thành khó hơn, thiếu cả vốn, nhân sự, kỹ thuật. Đó là lý do vì sao tôi phải đứng làm Tổng giám đốc Trường Thành. Tôi không thích M&A lắm, mà thích tự dựng lên doanh nghiệp theo ý muốn của mình thì hay hơn. Ngoài việc tôi có thể giúp họ xử lý được khó khăn, thì nguyên nhân sâu xa là vì không muốn các thương hiệu Việt Nam bỗng dưng biến mất, họ đều là những thương hiệu lâu đời cả, tôi thấy mình cần phải ra tay, thế thôi.
Trong hùn hạp làm ăn, thành bại cũng nhiều, bài học đắt giá mà ông nghiệm ra là " Tôi vẫn thường nói đùa với bạn bè về nghĩa khác của từ "hùn hạp" mà tôi nghiệm ra từ thất bại của mình trong kinh doanh: Muốn "hùn" thì phải "hạp", không "hạp" mà cố gắng "hùn" thì rất dễ thất bại. Còn một bài học khác: Có thể mất tiền, thậm chí mất rất nhiều tiền, nhưng đừng để mất uy tín".
Nhìn vào các thương vụ M&A, các thương vụ chuyển giao quyền lực và thâu tóm thương hiệu, ông có cái nhìn tích cực về bức tranh kinh tế: Công nghệ, bao gồm robot, cảm ứng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… sẽ tiếp tục làm biến đổi nhanh chóng rất nhiều ngành nghề.
Rất nhiều việc làm hiện nay sẽ không còn tồn tại trong chỉ 10 năm nữa thôi nhưng đồng thời cũng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra. Kiến thức về quản trị cũng đang biến đổi rất lớn bởi những công nghệ trên. Người nắm bắt, ứng dụng sớm và hiệu quả sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tôi có niềm tin rất lớn vào thế hệ các nhà quản lý trẻ của Việt Nam. Sẽ có những thương hiệu lớn của Việt Nam rơi vào tay người mạnh hơn, giỏi hơn từ nước ngoài. Nhưng cũng sẽ có những thương hiệu mới thành công và mang tính quốc tế của người Việt ra đời".
Từng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, hai lần được bầu là Đại biểu quốc hội khóa 12, khóa 13, nhiều người gọi ông là "võ sĩ trên đấu trường kinh tế", bởi tinh thần phản biện liên tục trong vai trò đại biểu quốc hội, để đứng về phía doanh nghiệp, nói tiếng nói của doanh nghiệp.
Trong kinh doanh, đôi khi các luật lệ không theo kịp với thực tế cuộc sống thay đổi hàng ngày. Khi chúng ta kinh doanh hàng ngày, đầu tiên phải tuân thủ pháp luật, nhưng bao nhiêu đó với tôi chưa đủ, phải biết vượt qua chính mình để bảo vệ công lý trên cả pháp luật, bảo vệ lẽ phải trên cả quy trình, khi chúng ta muốn đứng đầu một ngành nào đó trong đất nước này. Khi bạn không sợ mất cái gì đó thì bạn mới dám liều với cái đó.
Nếu khư khư lo giữ tài sản thì chắc đã có đôi lúc tôi không đưa ra những quyết định như đã làm. Chắc là tôi sợ đánh mất chính mình nhiều hơn mất tài sản. Việc tôi bỏ phiếu trắng (cùng với ĐBQH Dương Trung Quốc) khi thông qua Hiến pháp sửa đổi là một quyết định như vậy, bởi tôi cho rằng kinh tế tư nhân nên là động lực phát triển chủ yếu của đất nước này.
Hỏi ông có sợ sự thẳng thắn ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mình không? Ông Tín trả lời ngắn gọn: "Nếu sợ thì tôi đã không nói".
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT công ty Minh Long, người anh lớn của Mai Hữu Tín nhận xét về ông: "Một nhà kinh doanh hiểu biết, có kiến thức sâu rộng, quan hệ sâu rộng. Một người trẻ đầy năng lượng không chỉ có máu kinh doanh mà còn biết làm, biết dừng. Đóng góp nhiều cho Bình Dương cả về kinh doanh và từ thiện. Trực tiếp tham gia kinh doanh đa ngành nên anh có đủ dữ liệu để đóng góp cho chính sách mới của Nhà nước"
Là người được chọn vào tổ tư vấn cho chính phủ về kinh tế tư nhân, ông Tín cho biết: "Tôi biết rõ các vị còn lại và cho rằng họ đều tâm huyết với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tôi cho rằng tham gia vào việc cải thiện môi trường kinh doanh là trách nhiệm của mọi doanh nhân có lòng với đất nước và với chính doanh nghiệp, với người lao động của mình. Chúng ta không thể cứ ngồi chờ và mong đợi mọi việc tự tốt lên được mà cần đóng góp phần mình.
Càng có nhiều người tham gia, nhiều ý tưởng, nhiều tiếng nói thì chúng ta càng có thể cải thiện nhanh hơn. Phát triển bền vững ngày nay không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu, một câu nói cho vui, mà phải thật sự là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp, nếu chúng ta không muốn bị bỏ lại phía sau".
Đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau với một tinh thần công dân sâu sắc đã giúp ông không ngừng đổi thay từng ngày. Ông nói: "Tôi xem Vovinam như một trong số rất hiếm hoi các sản phẩm văn hóa mà người Việt có thể tự hào khẳng định là của mình và đóng góp được vào thế giới này. Xúc cảm mà tôi có được khi nhìn thấy vài mươi quốc tịch khác nhau, của đủ mọi màu da, từ mọi châu lục, chào nhau bằng tiếng Việt (nghiêm lễ trong Vovinam) và thể hiện võ học Việt Nam, thật khó có gì khác so sánh được.
Ông Mai Hữu Tín (thứ hai từ phải sang) tại đại hội Vovinam thế giới 2017.
Vovinam là một phần của con người tôi và tôi sẽ làm mọi cách để có nhiều người hơn biết đến Vovinam, chuyển từ Việt Võ Đạo thành Nhân Võ Đạo như mong ước của các bậc tiền bối tạo ra môn phái này.
Trong Vovinam có võ thuật và võ đạo. Võ thuật giúp tăng cường sức khoẻ và sự tự tin. Võ đạo giúp hành xử văn minh và hướng thiện. Việc kinh doanh giúp tôi đi lại nhiều và học hỏi được nhiều điều hay trên cả thế giới. Tham gia vào Quốc hội giúp tôi có thông tin nhiều chiều về những vấn đề lớn của đất nước. Đương nhiên là những kiến thức này tác động qua lại để tôi là tôi của ngày hôm nay nhưng không phải chỉ nhiêu đó là đủ.
Chúng ta sống trong một thế giới thay đổi hàng ngày và để tồn tại bạn buộc phải thay đổi để phù hợp. Cái đúng của ngày hôm qua chưa hẳn đúng hôm nay. Cái sai cũng vậy. Tôi luôn cố gắng giữ cho đầu óc mình rộng mở đón nhận những điều mới và gạn lọc lại những gì đã biết để tìm ra sự phù hợp. Tôi sống không thành kiến và không đánh giá con người bằng thước đo của người khác".
Để có được những doanh nhân đủ tiềm lực cả về tài chính, trí lực, tâm lực, với thương hiệu tầm vóc, tạo động lực phát triển đất nước, theo ông Tin trước hết là tầm nhìn của lãnh đạo.
"Chúng ta có thật sự muốn có những ngọn cờ đào đó hay không? Và nếu thật sự muốn thì phải làm gì để họ chịu dấn thân, chịu hy sinh lợi ích cá nhân nhằm gầy dựng truyền thống, giá trị và cách sống của doanh nhân Việt Nam. Được nhìn nhận, được tôn trọng là một phần của câu chuyện. Được hiểu, được chia sẻ, động viên, quan tâm bằng những chính sách thiết thực chắc chắn là cần thiết. Chúng ta đang khuyến khích mọi người làm giàu và tạo ra cảm giác là làm giàu rất dễ. Điều đó không đúng.
Làm giàu rất khó và bất kỳ ai muốn đi vào con đường kinh doanh cần hiểu họ phải đối diện với những chông gai gì, phải chuẩn bị ra sao và phải đối diện với thất bại như thế nào. Cũng cần phải giáo dục để mọi doanh nhân hiểu rằng một mình đồng tiền không mang lại cho họ sự giàu sang…
Tôi cho rằng được làm doanh nhân là điều hết sức thú vị. Doanh nhân tạo ra nhiều giá trị bằng sự đầu tư và sức sáng tạo. Họ cũng tạo điều kiện cho những phát kiến ra đời. Khi chúng ta tin vật chất quyết định ý thức thì doanh nhân phải là những người có công rất lớn tạo ra vật chất đó, theo nghĩa hẹp nhất.
Doanh nhân chân chính không làm điều gây hại cho xã hội và tôi muốn là một doanh nhân chân chính. Được đóng góp là niềm vui lớn. Tôi luôn có nhiều động lực bước ra khỏi giường vào sáng sớm. Sống tích cực luôn là phương châm của tôi".
Để có được cái nhìn lạc quan, sự hài hước cả trong những lúc bi đát nhất, ông cho rằng "Chắc chắn là có thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng. Nhưng tôi tin vào Nhân Quả, tôi tin vào việc gieo quả nào gặt quả ấy. Và do vậy nếu tôi sống tốt, sống có trách nhiệm thì khi gặp chuyện xấu tôi vẫn hy vọng ngày mai là ngày khác (tomorrow is another day). Tôi may mắn được học hành phù hợp cho công việc của mình. Và sự học đó chưa bao giờ ngừng.
Tôi đọc nhiều và đọc hàng ngày, nhiều nhất là về các gương danh nhân và doanh nhân. Đương nhiên các sách về quản lý, sáng tạo và tư duy là không thể thiếu, nhất là nguyệt san Harvard Business Review. Ngoài ra tôi còn nghiên cứu về tôn giáo dù không là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào...Điểm mạnh nhất của tôi là kiên nhẫn, điểm yếu nhất là dễ tin người. Tôi đã cố gắng thay đổi nhưng sau nhiều năm thấy mình vẫn như vậy".
Cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau 1975, gia đình ông thuộc thành phần bị phân biệt đối xử chút ít. Điều đó khiến anh em ông luôn phải cố gắng hơn, luôn phải nhìn xuống chân mình để bám vào mặt đất, nhưng đồng thời phải nâng mình lên để hướng về bầu trời luôn rộng mở phía trước. Dù gia đình phải chịu rất nhiều mất mát, khó khăn, nhưng tình cảm giữa cha mẹ và con cái luôn tràn đầy, gắn bó.
"Cha mẹ tôi luôn cho các con được làm tất cả những gì mình muốn. Chính vì vậy mà tôi đã bỏ học năm 18 tuổi, lấy vợ năm 21 tuổi. Dù lấy vợ rất sớm, nhưng may mắn của tôi là cưới được người vợ toàn tâm toàn ý lo cho việc học, việc làm của chồng con. May mắn nữa là tôi được quan sát, tiếp cận, học hỏi những bậc đàn anh là doanh nhân rất thành đạt ở Bình Dương như chú Lý Ngọc Minh, anh Huỳnh Uy Dũng, và người thân thiết nhất với tôi là anh Trần Bá Dương. Tôi học hỏi ở anh vô vàn, kể cả điều tốt lẫn điều xấu…". ông chia sẻ.
Từ một người phiên dịch, làm thuê cho các công ty đa quốc gia, để thành công như hôm nay, ông cho rằng điều quan trọng nhất là bán chính mình: "Bán một dịch vụ, ý tưởng không quá khó, nhưng khó hơn là bán chính mình. Nói thì có vẻ khó nghe, nhưng nếu chưa bán được mình thì đừng mong bán cái gì khác. Phải làm sao bán được món hàng khó nhất, quý nhất, đó là chính mình, thì mới bán được hàng".
Trong quản trị nhân tài, ông coi trọng sự yêu thương. "Thường mọi người loay hoay kiếm một giám đốc nào phù hợp nhất với công việc của mình. Tôi làm ngược lại, chọn công việc nào mình thấy phù hợp nhất với con người mình, rồi giao nó cho người khác thật giỏi về lĩnh vực này. Nếu xác định doanh nhân là sự nghiệp cả đời, phải chuẩn bị nhân lực cho mình, không thể tìm ở ngoài thị trường mà phải đào tạo.
Ở quy mô nào cũng có thể tìm người đồng chí hướng, có tâm. Khi càng có con người phù hợp, giỏi thì càng có khả năng đi xa. Tôi vẫn tiếp tục tìm nhân tài hàng ngày. Quản trị bằng sự yêu thương sẽ cao hơn mọi thứ quy trình. Bạn có thể đặt ra bao nhiêu quy định, nhưng trên hết là sự yêu thương của bạn phải lan tỏa đến mọi người, để kéo họ đi theo mình".
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.