Chủ tịch VnREA: 'Thị trường bất động sản đã và sẽ gặp khó khăn, có dấu hiệu giảm sút'

Lệ Chi - 27/11/2019 12:25 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam thiếu hụt hệ thống thông tin và tính minh bạch thông tin chưa cao, gây cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường.

VNF
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại "Tọa đàm cấp cao dự báo thị trường bất động sản năm 2020", diễn ra hôm nay (27/11), ông Nguyễn Trần Nam đánh giá trong giai đoạn 3 năm vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước.

Tuy nhiên ông Nam cho rằng đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel không còn sôi động như giai đoạn trước. Ngoài ra, việc thực hiện những quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng… kể cả thủ tục hành chính cũng được siết chặt, cũng làm giảm mạnh các dự án được phê duyệt và triển khai.

"Do đó, theo xu hướng của nền kinh tế và như dự báo VnREA từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản đã và sẽ gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút", Chủ tịch VnREA nói.

Dư địa phát triển bất động sản còn rất lớn

Theo đánh giá của ông Nam, trong thời gian tới, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô và nhu cầu về nhà ở cao.

"Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP. HCM. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng… dẫn tới hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị", ông Nam phân tích.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, ông Nam cho rằng đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn, có dư địa phát triển lớn.

Cụ thể, ông Nam nói bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế và lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Ông cho rằng đầu tư vào phân khúc này phải hướng đến các sản phẩm quy mô, đẳng cấp, nhằm vào tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh.

Còn với bất động sản công nghiệp, ông Nam lạc quan cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Chủ tịch VnREA cũng nhắc tới FDI và sự chú trọng đầu tư hạ tầng như những yếu tố giúp lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn.

Tình trạng lừa đảo bán "dự án ma" trở nên phổ biến

Đánh giá về các thách thức của thị trường, ông Nam nêu ra 5 điểm.

Một là, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo.

Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.

Thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản...

Hai là những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới đã dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

"Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm. Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao", ông Nam chỉ ra.

Thách thức thứ ba là doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Nam, hiện nay, hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt.

Cụ thể, lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%; hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… 

Thách thức thứ tư là gần đây thị trường tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán "dự án ma" trở nên phổ biến.

"Nhiều nơi diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý. Việc phân lô bán nền không giải quyết được được sự tích đọng cho quy mô của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lệch lạc về quy hoạch cũng như gây ra ách tắc giao thông, gây ra sự lộn xộn lớn cho bộ mặt đô thị".

Ngoài ra, một điểm yếu cốt lõi khác của thị trường được ông Nam nhắc đến là thiếu hụt hệ thống thông tin vẫn chưa được giải quyết.

"Ở thị trường bất động sản Việt Nam, tính minh bạch thông tin chưa cao đã gây cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường", Chủ tịch VnREA nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác