Chưa có tổ chức nào bị rút giấy phép vì vi phạm phòng chống rửa tiền

M.Phương - 22/12/2020 07:22 (GMT+7)

Các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng chống rửa tiền (PCRT) hiện nay tương đối toàn diện, cơ bản đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

VNF
Ảnh minh họa

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngân hàng là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền bao gồm: Luật Phòng chống rửa tiền số 07/2012/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền… 

Bên cạnh đó, công tác cấp phép thành lập mới các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện được quy định và được tuân thủ chặt chẽ dựa trên Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010, Thông tư số 08/2015/TT-NHNN ngày 30/6/2015, Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Luật các TCTD 2010 có quy định về trách nhiệm PCRT, chống tài trợ khủng bố của các TCTD, ngân hàng nước ngoài. “Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn xin cấp phép của tổ chức nào không được cấp, bị ngừng không được cấp phép hay rút giấy phép hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu về PCRT”, báo cáo của NHNN cho biết.

Qua thanh tra, NHNN đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện quy định nội bộ về PCRT. Tuy nhiên, chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng và chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào về PCRT. Hầu hết nhân viên ngân hàng ở Việt Nam đều nhận thức về trách nhiệm PCRT, chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ ngày càng được cải thiện và không có dấu hiệu thông đồng với tội phạm hay thực hiện các hành vi gian lận trong việc kiểm soát hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 12/12/2014) đã có các điều khoản xử phạt cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCRT.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 30/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã quy định chế tài hình sự thích đáng và có tính răn đe đối với hành vi rửa tiền. Bên cạnh đó, số liệu khảo sát cho thấy trong giai đoạn từ 2012 đến nay, một số lượng nhất định nhân viên ngân hàng đã bị điều tra, khởi tố, truy tố về tội phạm nguồn của tội rửa tiền như tội gian lận, lừa đảo (vụ việc liên quan đến cán bộ, nhân viên ngân hàng có hành vi gian lận)...

Mặc dù Luật PCRT số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 20), bao gồm có nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về PCRT; nhưng vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến việc một vài ngân hàng chưa tự tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kiến thức phòng, chống rửa tiền, hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện sàng lọc, giám sát khách hàng và giao dịch còn hạn chế, số lượng và chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa cao.

Đối tượng thanh tra ngân hàng và đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 2 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng, gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của NHNN; đối tượng thanh tra ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước do Thống đốc NHNN quyết định thành lập; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật về PCRT; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nghĩa vụ chấp hành các quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN.

Ngoài ra, đối tượng giám sát của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng gồm: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật về PCRT; đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác