Chưa hẹn ngày 'về một nhà' với HDBank, PGBank tính chuyện đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM
Minh Tâm -
23/06/2020 10:30 (GMT+7)
(VNF) - PGBank muốn đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, trong bối cảnh ngân hàng này vẫn chưa chốt được ngày sáp nhập vào HDBank.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 24/6, HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch đăng ký lưu ký và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm, công ty tư vấn và các thủ tục lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM theo đúng quy định pháp luật.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh PGBank vẫn chưa chốt được ngày sáp nhập vào HDBank, dù đại hội đồng cổ đông cả 2 ngân hàng đã thông qua phương án sáp nhập từ 2 năm trước.
Phía PGBank cho biết năm 2019, trong khi chờ chấp thuận chính thức của Ngân hàng Nhà nước về Phương án sáp nhập vào HDBank, HĐQT ngân hàng đã chỉ đạo ban điều hành duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường. Được biết, do đang trong quá trình chuẩn bị sáp nhập nên Ngân hàng Nhà nước không cho phép PGBank mở rộng mạng lưới.
Tại đại hội đồng cổ đông HDBank diễn ra vào giữa tháng 6/2020, Phó chủ tịch HDBank Nguyễn Hữu Đặng cho biết ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập để nộp Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng đang xem xét.
Về mặt kinh doanh, HDBank đã điều tiết nhân sự hỗ trợ cho hoạt động của PGBank. Ông Đặng cũng cho biết ban lãnh đạo HDBank sẽ làm việc với cơ quan quản lý để đốc thúc tiến độ sáp nhập.
Bên cạnh tờ trình lên sàn UPCoM, đại hội PGBank sắp tới cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước.
Tổng tài sản đến 31/12/2020 dự kiến đạt 33.993 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019. Tổng huy động đạt 29.550 tỷ đồng tăng 8,3%, trong đó huy động vốn thị trường I đạt 27.150 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9%.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt 25.257 tỷ đồng tăng trưởng 6,6% so với 2019, tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng kế hoạch là 5%. Vốn điều lệ dự kiến tăng 300 tỷ lên 3.300 tỷ đồng.
Năm 2020, PGBank dự kiến thu hồi tổng cộng 521 tỷ đồng nợ xấu; trong đó, nợ xấu nội bảng là 201 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 268 tỷ đồng (kể cả thu từ những khoản vay đã tất toán trái phiếu), thu nợ (gốc và lãi) đã sử dụng dự phòng rủi ro là 52 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo PGBank nhận định sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Định hướng của PGBank trong bối cảnh hiện nay là lựa chọn những khách hàng có chất lượng tín dụng tốt để hạn chế thấp nhất rủi ro tín dụng, cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng không tập trung vào một nhóm khách hàng.
Trong đó, ưu tiên cho vay các khách hàng qui mô vừa và nhỏ, khách hàng xuất nhập khẩu, phát triển tín dụng ngắn hạn và phân khúc khách hàng mục tiêu thuộc các lĩnh vực ngành nghề mà PGBank có thế mạnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển như xăng dầu, dịch vụ dầu khí, than, nông sản, y tế, sản xuất kinh doanh hàng hóa tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ thẩm định chặt chẽ các khoản cấp tín dụng khách hàng, tăng cường kiểm soát trước, trong và sau cho vay để hạn chế phát sinh các khoản nợ quá hạn, nợ xấu mới.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.