Chứng khoán loay hoay 'thoát' phụ thuộc vốn ngân hàng

Khánh Huyền - 26/02/2019 07:26 (GMT+7)

Người ta vẫn ví trong chiếc bình thông đáy thì vốn chứng khoán - ngân hàng - bất động sản vẫn luôn chảy thông đồng. Tuy nhiên, thị trường vốn ở Việt Nam nhiều năm nay phụ thuộc vào nguồn tín dụng ở hệ thống ngân hàng. Bởi theo thống kê, hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng xấp xỉ 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương với 130% GDP trong khi quy mô TTCK hiện tại chỉ ở mức 3 triệu tỷ.

VNF

Chia sẻ tại hội nghị ngành chứng khoán năm 2019, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI ông Nguyễn Duy Hưng bày tỏ làm sao xây dựng các thể chế giúp TTCK có thể “cạnh tranh” với ngân hàng. Cụ thể là: cân bằng giữa thị trường vốn và tiền tệ, để TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Để làm được điều đó, theo ông Hưng, TTCK phải được các nhà đầu tư quan tâm. “Trên thị trường tài chính, tiền không sinh ra tiền mà tiền nằm trong tài khoản các nhà đầu tư. Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng sử dụng tiền nhàn rỗi, tiết kiệm của nước họ mang đến đầu tư. Nếu muốn TTCK phát triển song song với ngân hàng thì cần phải xây dựng thể chế để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng, chứ nếu chỉ dựa vào ngân hàng thì không thể phát triển”, ông Hưng khẳng định.

Cụ thể hơn, theo chủ tịch SSI, dù quy mô TTCK hiện tại ở mức 3 triệu tỷ đồng nhưng con số này là vốn hoá thị trường, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp hiện khoảng 100.000 tỷ đồng và chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp.

Những đối tượng giữ trái phiếu doanh nghiệp lại là ngân hàng. Tại sao lại như thế? “Chúng ta thấy là TTCK vẫn là nơi nhà đầu tư mua vào, rút ra nhanh để kiếm tiền, chưa tạo được niềm tin giúp nhà đầu tư thấy rằng TTCK là nơi đầu tư, giữ tiền, tài sản. Đồng thời các doanh nghiệp hiện nay cũng chưa đồng hành cùng nhà đầu tư, coi họ là chủ thực sự mà chỉ coi nhà đầu tư là nơi hút tiền để làm việc của doanh nghiệp”, ông Hưng nói.

Đồng thời nêu ví dụ: không ít các thương vụ xảy ra khi đi huy động vốn ở nước ngoài, một số nhà đầu tư phản ánh việc doanh nghiệp sau khi huy động vốn xong không đồng hành cùng nhà đầu tư, coi nhà đầu tư “là máy ATM, thích rút tiền lúc nào thì rút”, ông Hưng lưu ý. Ông Hưng cho rằng, vấn đề của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam là nhỏ lẻ, không hiểu nhiều về TTCK. Vì vậy, cần phải hướng dòng tiền của họ đến các quỹ đầu tư chỉ số trung gian.

Còn ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, ở các thị trường phát triển, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia chiếm 50-70%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam có tình trạng ngược lại. TTCK thiếu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia và bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà đầu tư cá nhân, đồng thời cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư này, khiến thị trường thiếu ổn định.

Trái phiếu: sẽ “gánh đỡ” vốn vay NH

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: năm 2018, quy mô vốn hóa của TTCK tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 2,17 triệu tài khoản, tăng 12,8% so với cuối năm 2017 (trong đó tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 24,4%)…

“Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, đã vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. Đặc biệt, dòng vốn gián tiếp của NĐTNN vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam. Tính chung cả năm 2018, họ đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ“, ông Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị ngành chứng khoán, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng dẫn chứng: hiện nay, tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP. Điều đó cho thấy, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp dựa rất lớn vào hệ thống ngân hàng, trong khi bản chất ngân hàng là nơi cung cấp vốn ngắn hạn nên đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống ngân hàng trong cung ứng vốn dài hạn, cân đối vốn và xử lý nguồn vốn trong làm thế nào để tránh được rủi ro kỳ hạn. “Vì thế, trong thị trường vốn, rất cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, bà Hồng khẳng định.

Cũng theo bà Hồng, hệ thống các tổ chức tín dụng nắm hơn 50% trái phiếu chính phủ, dù điều này có điểm thuận lợi nhưng cũng có khó khăn và cần tiếp tục đa dạng hóa nhà đầu tư vì điều đó sẽ giúp cho tổ chức tín dụng thuận lợi trong kinh doanh tiền tệ ngắn hạn trên thị trường như chuẩn mực quốc tế. Ví dụ như, nếu lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ thì trái phiếu chính phủ do tổ chức tín dụng nắm giữ sẽ khó chuyển đổi.

Năm 2019, NHNN và thành viên thị trường sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn, lãi suất phát hành trong công tác phát hành trái phiếu và điều hành chính sách tiền tệ; phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ.

Xem thêm >> Danh sách tỷ phú Forbes sắp gọi tên bộ đôi Hồ Hùng Anh - Nguyễn Đăng Quang?

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác