'Chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư bằng vốn ngân sách là cần thiết'

Đinh Tịnh - 19/03/2020 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hút vốn PPP (hợp tác Công tư) đối với các dự án hạ tầng giao thông tỏ ra kém hiệu quả. Vì thế, Bộ Giao thông đã mạnh dạn trình Chínnh phủ và Quốc hội xin chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

VNF
Ảnh: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật.

Xin ông cho biết 3 dự án mà Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước?

Sau khi được Thường trực Chính phủ thống nhất chủ trương tại phiên họp hôm 12/3, Bộ GTVT đang rốt ráo nghiên cứu phương án chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Về tổng thể Dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được hình dung như sau: Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm: 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án có tổng chiều dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm: 3 dự án đầu tư công đã khởi công xây dựng (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.

Còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây).

Trong đề xuất lần này, Bộ GTVT kiến nghị 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45- Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết sẽ chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Sắp tới, Bộ cũng sẽ nghiên cứu và có thể đề xuất thêm một số dự án khác.

Thưa ông, xuất phát từ đầu mà Bộ GTVT có đề xuất trên?

Có thể thấy, toàn nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nề. Trong lúc này, gần như các ngành dịch vụ, du lịch, chứng khoán, hàng không... ảnh hưởng rõ nét nhất. Vì thế, việc huy động vốn, dòng tiền đầu tư các dự án theo mô hình PPP là khá khó khăn.

Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước đang thực hiện hạn chế cho vay, trong khi các ngân hàng thương mại cũng khó thu xếp vốn. Nên nhớ, vốn để thực hiện các dự án PPP giao thông chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng cho vay dài hạn của các ngân hàng hiện đã chạm trần. Nếu thực hiện cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP sẽ rất khó thực thi. Vì thế, việc chuyển từ mô hình PPP sang đầu tư bằng vốn ngân sách là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, việc đưa các dự án về đầu tư công sẽ giúp giải ngân số vốn đã cấp cho trung hạn 2015-2020. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Xin ông cho biết thêm về nguồn vốn của dự án?

Trước mắt, Bộ GTVT dự kiến đề xuất sử dụng từ gói 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách đã được Quốc hội phân bổ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, sau đó sẽ bổ sung thêm các nguồn vốn khác trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Thưa ông, việc chuyển sang đầu tư bằng ngân sách sẽ có thay đổi như thế nào đối với tiến độ các dự án?

Tôi cho rằng tiến độ các dự án sẽ về đích nhanh hơn. Ví dụ, khi các dự án được thực hiện bằng PPP sẽ phải trải qua công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài khoảng 6 tháng. Trường hợp đấu thầu thành công, nhà đầu tư được ngân hàng cho vay vốn, sớm nhất cũng phải trong quý I/2021 mới có thể khởi công.

Nếu thực hiện bằng đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng và một số dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ khởi công được ngay trong quý III/2020.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác