'Chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn' và 'công nghiệp bán dẫn chưa có gì cả'

Hoàng Sơn - 25/02/2024 20:10 (GMT+7)

(VNF) - Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, trong thời gian qua Việt Nam luôn là điểm sáng trong thu hút FDI. Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam thực ra chưa có gì cả, doanh số xuất khẩu là nhờ Intel và Samsung.

VNF

Việt Nam luôn là điểm sáng trong thu hút FDI của khu vực

Nhìn lại quá trình thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian qua, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh trong thời gian qua Việt Nam luôn là điểm sáng trong thu hút FDI.

Theo Tổng cục Thống kê thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2023 vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 36,6 tỷ USD... Đây là con số kỷ lục của Việt Nam trong hút FDI. Cùng với đó, ông Nguyễn Mại cho biết nhiều “ông lớn” FDI đang đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là thành công của Việt Nam trong thu hút FDI.

Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng điều quan trọng nhất trong thu hút FDI ở thời điểm hiện tại là chất lượng chứ không phải là số lượng. "Chúng ta cũng không cần quá quan trọng việc thu hút vốn FDI bằng mọi giá, bởi ngay chính những tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup, FPT cũng đủ sức làm những điều mà trước đây chỉ có doanh nghiệp nước ngoài làm được. Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài đến nay được 35 năm, người Việt Nam đủ sức để tự đánh giá mình", ông nói.

Ông Mại cho biết điều này được minh chứng rõ ràng trong sự thay đổi khi thiết kế chính sách về hút FDI của Việt Nam những năm gần đây. Tiêu biểu đó là Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị khi Nghị quyết này đã thay đổi chính sách thu hút vốn FDI bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ngoài ra, ông Mại cũng đặc biệt kỳ vọng vào việc thực hiện Nghị quyết 50 về thu hút FDI bởi nếu thực hiện quyết liệt sẽ đón được dòng vốn FDI chất lượng cao. "Lúc đó, các con số mang tính chất cơ học như liệt kê ở trên sẽ không phải là vấn đề quan trọng nữa", ông nhấn mạnh.

>>>Xem thêm: 'Để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI'

Các doanh nghiệp đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc

Trao đổi với VietnamFinance về liên quan đến ngành bất động sản và xây dựng, ông Trần Quốc Bảo, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nắm được thông tin trên, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã rà soát, tổng hợp những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Các ý kiến này đều cho rằng trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, việc doanh nghiệp vừa phải bỏ ra chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng thực sự là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư.

“Giai đoạn hiện nay là thời gian mà các doanh nghiệp đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng Cục thuế vẫn chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế. Chưa dừng lại ở đó, đơn vị này còn áp dụng các biện pháp như cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn”, ông Trần Quốc Bảo thông tin.

Chính vì vướng mắc này, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất phương án đối với việc khấu trừ chi phí GPMB đề nghị cho chủ đầu tư được phép khấu trừ số tiền đã thực chi cho dân theo phương án được duyệt trong thời gian chờ làm quyết toán. 

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Cục thuế tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn và gia hạn tiền nợ thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng. Điều này sẽ giúp duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ ngân sách nhà nước theo đúng quy định và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

>>>Xem thêm: 'Đề xuất gỡ các biện pháp cưỡng chế thuế để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng'

'Đại hội XIV là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai'

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng. Đại hội XIV của Đảng sẽ tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Tổng Bí thư, Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó rút ra những bài học quan trọng; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).

Đại hội XIV sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; kiểm điểm việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XIII và tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đại hội XIV sẽ lại là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại...

>>>Xem thêm: Tổng Bí thư: 'Đại hội XIV là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai'

'Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả'

Theo Custom Market Insights, quy mô thị trường chip bán dẫn toàn cầu được định giá khoảng 580 tỷ USD vào năm 2022 và ước đạt 634,5 tỷ USD vào năm 2023. Đến năm 2032, doanh thu toàn thị trường chip bán dẫn dự kiến đạt khoảng 1.124 tỷ USD vào năm 2032.

Riêng Việt Nam, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip bán dẫn đã tăng từ 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022, lên 562,5 triệu USD vào tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), theo số liệu từ Bloomberg.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chip từ Việt Nam vào Mỹ đến từ doanh nghiệp FDI, cụ thể là Intel và một phần nhỏ của Samsung.

Chia sẻ tại chương trình Đối thoại của Báo Đầu tư, GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho hay, doanh số rất lớn nhưng nhân công Việt Nam chỉ đóng góp ở phần giá trị gia tăng thấp nhất trong những khâu kiểm định, lắp ráp và đóng gói. Toàn bộ khâu sản xuất chất bán dẫn và thiết kế cán bộ người Việt Nam hầu như không được tham gia.

Chưa kể, chúng ta cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền hay các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.

"Tôi nhớ ngày trước khi Intel bắt đầu đầu tư vào Việt Nam họ chỉ tuyển 40 kỹ sư công nghệ bán dẫn nhưng chúng ta không đáp ứng được. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu so với thị trường lao động công nghệ cao mà thế giới đòi hỏi. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả, chúng ta có doanh số xuất khẩu, nhưng đó là nhờ Intel và Samsung", ông Sỹ chia sẻ.

>>>Xem thêm: 'Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả'

Chuyển đổi xanh: 'Vấn đề sống còn, cơm áo, gạo tiền của DN xuất khẩu'

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.

Do đó, một trong những vấn đề đặt ra cho xuất khẩu ngay từ năm 2024 là chuyển đổi xanh. Đây có thể là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường lớn như Châu Âu.

Cùng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chuyển đổi xanh không chỉ còn là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược quốc gia mà đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường, đồng thời là vấn đề sống còn, là "cơm áo, gạo tiền" của doanh nghiệp xuất khẩu.

“Đã có rất nhiều thị trường đòi hỏi sản phẩm phải xanh, an toàn, nhân văn, chưa nói đến cá tính. Xu hướng này ngày càng gia tăng và trở nên mạnh mẽ bởi sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới trẻ”, ông Thành thông tin.

Theo ông Thành, chuyển đổi xanh với Việt Nam vừa là thách thức nhưng vừa là không gian, cơ hội tạo động lực phát triển mới. Bắt đầu từ năm nay và đặc biệt 1-2 năm tới, các nước phát triển bắt đầu thực hiện áp dụng các quy tắc mới này và chúng ta buộc phải chuẩn bị để đáp ứng.

Nền tảng chính là ESG - một bộ chỉ số trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đi cùng với việc đáp ứng bộ chỉ số ESG là yêu cầu về đo lường, báo cáo phát thải, tham gia thị trường mua - bán carbon... Điều này cũng đòi hỏi chuẩn bị tầm nhìn chính sách tương ứng với các tiêu chuẩn mới.

Tuy đã có những cam kết về chính trị, chiến lược, song thực tế còn tiền triển khá chậm. Do vậy, chuyên gia kiến nghị, cần đẩy nhanh hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan tới tiêu chí xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh... gắn với nỗ lực đáp ứng tiêu chí của các nước là thị trường xuất khẩu chính.

>>>Xem thêm: Chuyển đổi xanh: 'Vấn đề sống còn, cơm áo, gạo tiền của DN xuất khẩu'

Cùng chuyên mục
Tin khác