Diễn đàn VNF

'Để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI'

(VNF) - Nhìn lại quá trình thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian qua, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh trong thời gian qua Việt Nam luôn là điểm sáng trong thu hút FDI.

'Để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI'

GS.TSKH Nguyễn Mại

- Ông nhận xét gì về dòng vốn FDI chảy vào nước ta ở thời điểm hiện tại?

Những năm qua, Việt Nam luôn là điểm sáng trong thu hút FDI của khu vực. Theo Tổng cục Thống kê thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2023 vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 36,6 tỷ USD... Đây là con số kỷ lục của Việt Nam trong hút FDI. Cùng với đó, tôi được biết nhiều “ông lớn” FDI đang đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là thành công của Việt Nam trong thu hút FDI.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất trong thu hút FDI ở thời điểm hiện tại là chất lượng chứ không phải là số lượng. Chúng ta cũng không cần quá quan trọng việc thu hút vốn FDI bằng mọi giá, bởi ngay chính những tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup, FPT cũng đủ sức làm những điều mà trước đây chỉ có doanh nghiệp nước ngoài làm được. Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài đến nay được 35 năm, người Việt Nam đủ sức để tự đánh giá mình.

Điều này được minh chứng rõ ràng trong sự thay đổi khi thiết kế chính sách về hút FDI của Việt Nam những năm gần đây. Tiêu biểu đó là Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị khi Nghị quyết này đã thay đổi chính sách thu hút vốn FDI bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Tôi cũng đặc biệt kỳ vọng vào việc thực hiện Nghị quyết 50 về thu hút FDI bởi nếu thực hiện quyết liệt, chúng ta sẽ đón được dòng vốn FDI chất lượng cao. Lúc đó, các con số mang tính chất cơ học như liệt kê ở trên sẽ không phải là vấn đề quan trọng nữa.

- Trong cuộc đua thu hút FDI, Việt Nam đang gặp phải sự canh tranh gay gắt từ các nước như Ấn Độ và Indonesia bởi đây là các quốc gia có những lợi thế tương đồng với Việt Nam. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Rất khó để có thể so sánh thế nào là tương đồng với mỗi quốc gia sẽ có lợi thế riêng. Trước tiên, với Ấn Độ, đây là đất nước tỷ dân với lợi thế về lao động giá rẻ. Chính phủ Ấn Độ liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư từ các công ty trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực. Nên đây cũng là lựa chọn đáng ý chú ý của doanh nghiệp FDI khi quyết định đầu tư.

Với Indonesia, trong những năm qua, trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đạm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, những chỉ số tốt trong nền kinh tế như nợ thấp, tăng trưởng cao đã giúp Indonesia nổi lên là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có được một phần lớn là do Chính phủ Indonesia trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực cải cách hệ thống quy định, luật pháp và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của Indonesia. Nhiều kinh nghiệm quý báu về cải cách các hành lang pháp lý, duy trì phát triển đồng đều giữa các vùng miền khi thu hút FDI và hài hòa chính sách giữa các cấp quản lý đã được rút ra.

Cùng với đó, đây cũng là đất nước có lợi thế nhân công giá rẻ, điều mà các doanh nghiệp FDI luôn mong muốn.

Quay trở lại với Việt Nam, dù chúng ta không có lợi thế là quốc gia đông dân như Ấn Độ, nhân công của Việt Nam không còn Indonesia nhưng nhưng những lợi thế mà chúng ta có cũng không hề nhỏ. Đầu tiên, chúng ta có chính trị ổn định. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam rất cần điều này.

Ngoài ra, trong thời gian đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong những quốc gia hỗ trợ nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả khi visa không được đi lại tự do thì Việt Nam cấp visa đặc biệt cho họ. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều dành lời khen ngợi cho sự thân thiện của Việt Nam. Cùng với đó, các Việt Nam cũng có hệ thống chính sách để giúp hỗ trợ doanh nghiệp FDI vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Và quan trọng hơn cả là Việt Nam có lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI khi sở hữu đất hiếm nên đây là chìa khóa quan trọng của chúng ta khi thu hút FDI.

- Thời gian qua, đã có thông tin cho rằng nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn về tình trạng thiếu điện của Việt Nam. Theo dự báo tình trạng thiếu điện sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay. Theo ông điều này có đáng lo ngại?

Tôi cho rằng sẽ không có nhà đầu tư nào phàn nàn, bởi có 2 loại đầu tư. Thứ nhất, là các nhà đầu tư đặt nhà máy tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở đây có thuế ưu đãi cùng với cơ sở hạ tầng rất tốt, thỉnh thoảng có xảy ra tình trạng thiếu điện nhưng không phổ biến. Thứ hai, là các nhà đầu tư không đặt nhà máy ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Tại các khu vực này, sẽ xảy tình trạng thiếu điện, tuy nhiên, việc thiếu điện tại Việt Nam chỉ xảy ra tại Miền Bắc ở mấy tháng mùa khô. Hơn nữa, trước mỗi lần cắt điện, cơ quan quản lý sẽ có thông báo để doanh nghiệp chuẩn bị phương án kinh doanh.

- Chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay (2024), thuế đối thiểu toàn cầu được xem là lo ngại lớn của doanh nghiệp FDI ở thời điểm hiện tại. Trước đó, đã có ý kiến lo ngại rằng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là rào cản của Việt Nam trong thu hút FDI. Cá nhân ông có nghĩ như vậy?

Thực tế, hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, LG cũng rất lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện ở Hàn Quốc thông qua thuế tối thiểu toàn cầu là 15% còn tại Việt Nam, Samsung đang nộp thuế doanh nghiệp khoảng 6,9%. Có thể thấy, chênh lệch về vấn đề này giữa 2 quốc gia là khoảng 8%. Vì vậy họ quan tâm là đúng.

Với vấn đề thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đầu tiên, phải nhận thức đầy đủ thuế tối thiểu toàn cầu là một cơ chế mới của thế giới. Các nước trên thế giới có một sự thống nhất về mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp từ 750 triệu Euro trở lên. Chúng ta là một nền kinh tế mở, việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho quốc gia gắn với lợi ích toàn thế giới, chống rửa tiền và chống các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế, nhằm bảo vệ môi trường đầu tư.

Thực tế, các quốc gia cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu không thay đổi được tình trạng trốn thuế, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Trên thực tế, người ta trốn thuế, tránh thuế bằng nhiều cách. Do đó, nhiều quốc gia đang tính đến câu chuyện tăng thuế tối thiểu toàn cầu lên 25% thay vì 15%.

Tuy nhiên, việc xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu thế nào để hài hòa lợi ích của cả Việt Nam lẫn các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề không dễ. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam. Tôi cho rằng, trước mắt Việt Nam phải sửa đổi, điều chỉnh khá nhiều Luật, Thông tư, Nghị định đề phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu. Bởi vì, thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay là quy định chung, các quốc gia sẽ có những điều kiện, quy định khác nhau, nên phải sửa Luật để tạo ra tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp đến, khi đã có hệ thống luật pháp, chúng ta phải thương lượng, đàm phán với từng doanh nghiệp FDI chịu thuế, để tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình đàm phán, chúng ta có thể đưa ra các chính sách, cơ chế riêng để cân bằng với khoản thuế họ phải đóng.

Nếu chúng ta làm được, và hài hòa được lợi ích, chắn chắn môi trường đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, chúng ta không cần quá lo ngại việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.

Tin mới lên