Chuyển tiền 10 triệu phải xác thực sinh trắc học: NH nhắc khách đăng ký vân tay, khuôn mặt
(VNF) - Các ngân hàng thúc giục khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học và khuyến cáo khách cần cập nhật thông tin trước 1/7/2024 để không bị gián đoạn giao dịch.
Ngân hàng thúc giục khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học
Hàng loạt ngân hàng mới đây đồng loạt thông báo, giục khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) để chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên, từ 1/7.
Các nhà băng thông báo, từ 1/7, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số nhà băng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.
VPBank cho biết, tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN về việc nâng cao an toàn giao dịch trực tuyến, từ 1/7/2024, VPBank triển khai tăng cường xác thực giao dịch trên VPBank NEO sử dụng Smart OTP kết hợp với dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt được lưu trong CCCD gắn chip.
VPBank khuyến cáo, để tránh gián đoạn giao dịch, khách hàng chủ động cập nhật thông tin tài khoản theo CCCD gắn chip trước 1/7/2024. Ngoài ra, khách hàng chuyển đổi phương thức nhận mã OTP sang Smart OTP, đảm bảo điện thoại đang sử dụng có chức năng NFC.
Tương tự, BIDV khuyến cáo khách hàng cần phải cài đặt sinh trắc học và xác thực với Bộ Công An trước ngày 01/7/2024 để giao dịch an toàn và không bị gián đoạn.
TPBank cũng thông báo khách hàng đăng ký dữ liệu sinh trắc học, gồm dữ liệu khuôn mặt, vân tay đồng bộ với thông tin CCCD gắn chip, để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao thông qua app TPBank và các điểm giao dịch của ngân hàng.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng gia tăng, nhiều ngân hàng đã chủ động ứng dụng sinh trắc học và CCCD gắn chip vào việc xác thực khách hàng, áp dụng các mô hình AI, phát triển hệ thống phân tích, nhận dạng hành vi đáng ngờ theo thời gian thực,... nhờ đó đã phát hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm giao dịch, tài khoản gian lận.
Phó Tổng giám đốc TPBank Đinh Văn Chiến cho biết, đến nay, ngân hàng này đã có hơn 5 triệu khách hàng sử dụng hình ảnh khuôn mặt/vân tay để giao dịch.
Kể từ khi áp dụng giải pháp này, TPBank đã phát hiện và ngăn chặn một trường hợp sử dụng 54 giấy tờ giả khác nhau để mở tài khoản tại nhiều điểm giao dịch khác nhau của ngân hàng.
TPBank cũng áp dụng các mô hình AI nhận diện gian lận trong giao dịch tài khoản thanh toán và hồ sơ thẻ tín dụng... Kết quả trong một năm qua đã có tổng cộng 1.973 tài khoản thanh toán bị tạm thời chặn hoặc phong tỏa, với số tiền tạm thời chặn là 24,9 tỷ đồng.
Còn ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay, tới nay, khoảng vài trăm nghìn khách hàng của VietinBank đã chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của nhà băng.
Trong khi đó, ACB áp dụng giải pháp bảo mật tài khoản ngân hàng gồm: tính năng cảnh báo và xác thực đăng nhập dịch vụ ngân hàng số trên trình duyệt/thiết bị mới. Bên cạnh đó, hệ thống tự động khóa phương thức xác thực khi khách hàng đăng nhập vào ứng dụng ACB ONE chính thức phiên bản 3.22.0 nếu trên thiết bị điện thoại của khách hàng có ứng dụng lạ và đang bật quyền Accessibility (quyền trợ năng).
OCB cũng vừa ra mắt phiên bản OCB OMNI thế hệ mới được phát triển trên nền tảng của Backbase, sử dụng công nghệ bảo mật FIDO, với thuật toán mã hóa mạnh mẽ, bảo mật đa lớp để ký cho từng giao dịch.
VietABank cho biết vừa triển khai tính năng xác thực thông tin khách hàng qua CCCD gắn chip nhằm giảm rủi ro gian lận, bảo đảm an ninh, an toàn giao dịch ngân hàng số. Theo kế hoạch, VietABank đã hoàn thành giai đoạn đánh giá về giải pháp kỹ thuật thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng tại cả 2 kênh: quầy giao dịch và trên nền tảng ngân hàng số.
Có gây bất tiện cho khách hàng?
Theo đại diện NHNN, trước mắt, quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng nhưng vì lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng và cả xã hội, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân thì việc này bắt buộc phải làm.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng là không lớn. Áp dụng quy định này, người dân “kê cao gối ngủ”, sẽ không có chuyện tiền tự nhiên được chuyển đi mà không biết. Thêm vào đó, với các giá trị giao dịch lớn, kẻ gian sẽ mất thời gian để chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng và “chỉ có thể vào mà không thể ra” do phần lớn các tài khoản nhận tiền là không chính chủ.
Khi quy định này được thực hiện, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền. Bởi muốn chuyển vào tài khoản là người thực hiện phải xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng. Còn trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền thì cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên CCCD gắn chip.
"Với Quyết định 2345, từ ngày 1/7, không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, khẳng định.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, mức 10 triệu không ảnh hưởng nhiều khách hàng, bởi 70% giao dịch ngân hàng trực tuyến là giao dịch dưới 1 triệu đồng. NHNN đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về con số này.
Phó Thống đốc cho hay: "Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé xe bus phải kiểm tra sinh trắc học. Không một nước nào làm như thế cả. Chúng tôi không thể làm gián đoạn trải nghiệm của người dân khi thực hiện giao dịch thông thường. NHNN quy định giao dịch nhỏ lẻ với tổng giá trị 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ làm xác thực một lần. Chúng tôi cũng quy định, khi cài sang một thiết bị khác cũng phải yêu cầu sinh trắc học. Thông qua một số biện pháp, câu chuyện bảo vệ quyền và lợi ích người dùng sẽ được nâng cao".
Đại diện một số ngân hàng đánh giá, nhận dạng, xác thực qua sinh trắc học là biện pháp tối ưu nhất hiện nay để hạn chế tối đa làm giả và có tính bảo mật rất cao.
Lâu nay, kẻ gian thường che giấu danh tính thật và xóa dấu vết dòng tiền lừa đảo bằng cách mua, thuê các tài khoản 'rác' để chuyển tiền qua lại. Việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ hạn chế tài khoản không chính chủ chuyển tiền, ngăn chặn luân chuyển của dòng tiền lừa đảo.
Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay
- Thiếu hệ thống quản lý chung, ngân hàng khó kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài 19/07/2023 08:19
- Quy định mới: Chuyển tiền nhầm, có thể yêu cầu NH phong tỏa tài khoản 22/05/2024 03:37
- Mỗi năm, Việt kiều chuyển tiền về nước mua hơn 10.000 căn hộ 28/03/2024 03:04
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.