Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 20/11: TCB, SAB và DPM

(VNF) - SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) mặc dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 34.500 đồng/cổ phiếu từ mức 38.700 đồng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 20/11: TCB, SAB và DPM

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 20/11: TCB, SAB và DPM.

TCB: SSI khuyến nghị trung lập

Công ty chứng khoán SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), mặc dù SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 34.500 đồng/cổ phiếu (từ 38.700 đồng) do SSI áp dụng mức chiết khấu 10% đối với rủi ro tập trung của ngân hàng và giả định tỷ lệ nợ xấu tăng 40 điểm cơ bản so với dự báo trước đây.

Trong quý III/2023, SSI nhận thấy số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng 21% so với quý trước (hoặc 8,5 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, dư nợ cho vay đối với ngành bất động sản vẫn trên đà tăng 6,7% so với quý trước (hoặc 14 nghìn tỷ đồng).

SSI không cho rằng việc tăng số dư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng là một điểm tích cực. Mặc dù ngân hàng đã đặt mục tiêu đa dạng hóa danh mục cho vay, nhưng trên thực tế tỷ trọng cho vay đối với chuỗi ngành bất động sản liên tục tăng trong những năm vừa qua. Các khoản cho vay dành cho ReCom (bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng) chiếm tới 43% tổng tín dụng của ngân hàng tại thời điểm cuối quý III/2023 (so với mức 32% vào năm 2020).

LNTT quý III/2023 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của SSI là 5,8 nghìn tỷ đồng. Hệ số NIM tốt hơn nhưng nợ xấu lại cao hơn kỳ vọng. Cụ thể, NIM cải thiện 43 điểm cơ bản so với quý trước, nhưng tỷ lệ nợ xấu trong nhóm bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng nhanh lên lần lượt là 2,5% (tăng 50 điểm cơ bản) và 2,2% (tăng 70 điểm cơ bản). Tỷ lệ nợ xấu đối với 2 nhóm khách hàng này tương đồng với giai đoạn 2016-2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 23, TCB ghi nhận 17,1 nghìn tỷ đồng LNTT (giảm 17,8% so với cùng kỳ), hoàn thành 78% mục tiêu đặt ra tại ĐHCĐ của ngân hàng và 73% ước tính của SSI trong năm 2023. SSI điều chỉnh giảm 2% ước tính LNTT cho năm 2023 và 2024 xuống lần lượt là 22,8 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và 26,3 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), chủ yếu do SSI giả định nợ xấu sẽ có thể tăng lên.

Quan điểm ngắn hạn, SSI kỳ vọng TCB sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ là 20% so với cùng kỳ trong quý IV/2023, ngược với xu hướng giảm trong ba quý vừa qua. Tuy nhiên, SSI cũng xin lưu ý rằng tăng trưởng quý IV cũng nhờ mức nền thấp được thiết lập trong năm trước.

SAB: SSI khuyến nghị trung lập

Trong quý III/2023, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng thấp hơn dự kiến lần lượt ở mức 7,4 nghìn tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ). Sự phục hồi đã không diễn ra như ban lãnh đạo kỳ vọng, trong khi Nghị định 100 vẫn tiếp tục làm giảm mức tiêu thụ của toàn ngành. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, SAB công bố tổng lợi nhuận ròng là 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 25,6% so với cùng kỳ), vẫn cách khá xa với kế hoạch năm 2023, lần lượt hoàn thành 54% và 57% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng.

Ban lãnh đạo dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế trong nước phục hồi, dự kiến muộn nhất là vào nửa cuối năm 2024. Biên lợi nhuận gộp quý III/2023 giảm 110 điểm cơ bản so với cùng kỳ mặc dù giá bán tăng, do chi phí nguyên liệu tăng cao. Tỷ lệ chi phí quảng cáo&khuyến mãi (QCKM)/doanh thu ở mức 9,3% so với 8,9% trong quý II/2023. Khi các đối thủ cạnh tranh tăng chi tiêu để giành thị phần từ nhóm khách hàng trung lập (không có yêu thích một loại bia nào cụ thể) thì SAB cũng đã phải thực hiện chi tiêu để bảo vệ thị phần.

Cho cả năm 2023, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng xuống lần lượt là 30,5 nghìn tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và 4,4 nghìn tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ), thấp hơn lần lượt 8% và 10% so với ước tính trước đây, chủ yếu do sự điều chỉnh giảm giả định về sản lượng (do mức tiêu thụ bia giảm).

Cho năm 2024, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 32,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) và 5 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), thấp hơn lần lượt 10% và 12% so với ước tính trước đây của SSI.

SSI giả định sản lượng tiêu thụ phục hồi nhẹ 3% so với cùng kỳ trong năm 2024, do giá bán trung bình ở mức cao và Nghị định 100 tiếp tục làm ảnh hưởng tới mức tiêu thụ tới mức chưa thể trở lại mức tiêu thụ trước đại dịch Covid (2018: 35,9 nghìn tỷ đồng, 2019: 37,9 nghìn tỷ đồng). Ban lãnh đạo có thể sẽ kiểm soát chặt hơn các khoản chi phí quảng cáo và khuyến mãi so với năm 2023 để cải thiện biên lợi nhuận.

SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 76.000 đồng/cổ phiếu (từ 92.500 đồng/cổ phiếu), dựa trên sự kết hợp phương pháp DCF và hệ số P/E là 23x (từ mức 24x ở báo cáo trước). Với tiềm năng tăng trưởng là 19,3% so với giá hiện tại, SSI hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu xuống trung lập (từ khả quan).

DPM: VDSC khuyến nghị trung lập

Doanh thu thuần và LNST cổ đông công ty mẹ (CĐCTM) Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HoSE DPM) quý III/2023 lần lượt là 3.216 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ) và 64 tỷ đồng (giảm 94% so với cùng kỳ).

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi trong quý IV/2023 sau khi chạm đáy trong quý III nhờ: sự cải thiện cả về giá bán và sản lượng tiêu thụ và sự hạ nhiệt của giá khí đầu vào giúp gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp (LNG).

Cho năm 2023, VDSC dự phóng doanh thu đạt 13.705 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ), LNST CĐCTM đạt 690 tỷ đồng (giảm 88% so với cùng kỳ), EPS tương ứng là 1.748 đồng.

VDSC duy trì khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu (GMT) là 32.200 đồng/cổ phiếu, giảm 11% so với GMT trước đây (36.200 đồng/cổ phiếu). Chủ yếu do điều chỉnh giảm dự phóng doanh thu 2023-2024. Tuy nhiên, mức cổ tức tiền mặt dự kiến là 4.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2023 (trả vào năm 2024), tương ứng mức sinh lời 12% tại mức giá cổ phiếu hiện tại.

Từ khoá: DPM, VDSC, TCB, SAB, Techcombank,
Tin mới lên