Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/12): HAH, HSG và HDB

Tân Mai - 27/12/2021 07:04 (GMT+7)

(VNF) - SSI tin rằng HAH sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh đến năm 2023 với chiến lược cân bằng đội tàu hoạt động tại thị trường nội địa đang tiến triển thuận lợi và cho thuê hoạt động tại thị trường quốc tế với giá cước cố định. Do đó, SSI đưa ra khuyến nghị mua dành cho HAH với giá mục tiêu 1 năm là 87.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 27%.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/12): HAH, HSG và HDB

SSI: Khuyến nghị mua HAH, giá mục tiêu 87.000 đồng/cổ phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 khá ấn tượng, với doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 389 tỷ đồng, tăng 181% và phù hợp với ước tính của Công ty Chứng khoán SSI (SSI).

Như vậy, doanh thu và lợi nhuận ròng quý IV của HAH lần lượt đạt 616 tỷ đồng (tăng 70% cùng kỳ năm ngoái) và 147 tỷ đồng (tăng 196%). Doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng cao nhờ giá cước vận tải neo cao và các hợp đồng cho thuê tàu mới.

Năm 2022, HAH đặt kế hoạch tăng trưởng lạc quan với doanh thu và lợi nhuận ròng tăng 26% và 41% so với mức thực hiện năm 2021. Điều này đã phản ánh triển vọng tích cực của HAH, tuy nhiên SSI cho rằng kế hoạch này vẫn tương đối thận trọng.

SSI ước tính, giá cước vận tải trong nước đã tăng 64% trong quý vừa qua và tăng 77% so với đầu năm, mức giá cước cao này khó có thể đảo chiều trong năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung vận tải trên thị trường nội địa đang khan hiếm.

Ngoài ra, HAH còn có lợi thế về thu nhập từ các hợp đồng cho thuê tàu dài hạn sẽ được đảm bảo cho đến năm 2023 bất chấp giá cước vận tải biến động trên thị trường quốc tế. HAH đã lên kế hoạch đầu tư tập trung vào đầu tư mở rộng đội tàu container, bao gồm hai tàu đã qua sử dụng trọng tải 1.600 - 1.700 TEU và đóng mới hai tàu trọng tải 1.800 TEU.

SSI lưu ý rằng, HAH đã đặt hàng đóng mới một tàu trong tháng 9 với chi phí đầu tư là 26 triệu USD và dự kiến bàn giao sớm nhất vào nửa cuối năm 2023. HĐQT gần đây đã chấp thuận đầu tư mua tàu Marine Bia (đóng năm 2008, trọng tải 1.600 TEU), dự kiến sẽ được giao sau Tết nguyên đán.

Đáng chú ý, HAH có kế hoạch tăng vốn thông qua cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành quyền mua và phát hành cho người lao động (ESOP) sẽ được trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhằm phục vụ các dự án đầu tư cho giai đoạn 2022 - 2024.

Nhìn chung, SSI tin tưởng HAH sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh đến năm 2023 với chiến lược cân bằng đội tàu hoạt động tại thị trường nội địa đang tiến triển thuận lợi và cho thuê hoạt động tại thị trường quốc tế với giá cước cố định.

Do đó, SSI đưa ra khuyến nghị mua dành cho HAH với giá mục tiêu 1 năm là 87.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 27%.

Về thị trường vận tải container quốc tế, SSI duy trì quan điểm tình trạng tắc nghẽn cảng khó giải quyết trong ngắn hạn do số ca nhiễm Covid-19 biến thể Omicron ngày càng gia tăng, điều này có nghĩa là công suất vận tải vẫn bị hạn chế và mức giá cước vận tải có thể được duy trì ở mức cao, điều này sẽ hỗ trợ ngành vận tải biển.

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển container giao ngay đã phục hồi trong ba tuần qua và ổn định ở mức thấp hơn 10% so với mức đỉnh tháng 10. Mặt khác, giá cước vận chuyển hàng rời đã giảm 60% so với mức đỉnh của tháng 10 do nhu cầu giao dịch hàng hóa giảm.

Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với HSG

Trong tháng 9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ước doanh thu 6.175 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức thực hiện tháng 9/2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 318 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần.

Lũy kế 3 tháng cuối niên độ (quý IV), doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HSG lần lượt ước đạt 15.797 tỷ đồng và 940 tỷ đồng, tương ứng tăng 89% và tăng gấp đôi so với quý IV niên độ trước.

Cả niên độ 2020-2021, doanh thu của HSG ước đạt 48.727 tỷ đồng, tăng 77% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.313 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần. Về sản lượng, tháng 9 sản lượng của Hoa Sen ước đạt 202.294 tấn. Lũy kế quý IV và cả niên độ 2020-2021, HSG lần lượt ước đạt sản lượng 559.578 tấn và hơn 2,2 triệu tấn.

Niên độ tài chính 2020-2021, HSG đặt mục tiêu doanh thu đạt 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và tăng 30% so với mức thực hiện ở niên độ trước. Như vậy, HSG đã vượt 48% kế hoạch về doanh thu và 188% kế hoạch về lợi nhuận sau niên độ.

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của HSG, do mức stock rating đang ở 67 điểm. Đồ thị giá của HSG đóng cửa tăng 2,2% và xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng giá với khối lượng giao dịch tăng nhẹ 38,5% so với mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá của HSG giao dịch quanh vùng đáy tháng 7/2021, đặc biệt Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn có chiều hướng giảm dần cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp hồi ngắn hạn.

Xu hướng ngắn hạn của HSG vẫn duy trì ở mức giảm, do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát và hạn chế bán ra ở mức giá hiện tại.

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho HDB

Sơ lược 9 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HoSE: HDB) ghi nhận lợi nhuận khá cao, nhưng sức tăng của tài sản khá chậm do tác động của Covid-19. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của HDB gặp áp lực từ dịch bệnh trong quý II-III, đến hết quý III tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 7,6% so với đầu năm, lên 200.500 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng 15% cùng kỳ năm ngoái.

Cuối quý III, tổng dư nợ dưới nhóm 2 tăng lên 2.700 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên mức 1,4%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm nhẹ xuống mức 80,9% (giảm 1,2 điểm % so với đầu năm).

Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 6.100 tỷ đồng, tăng 38,9% cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 84,5% kế hoạch của cả năm.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của tất cả các công ty tài chính, bao gồm HD Saison (HDS) cũng không phải ngoại lệ. Dư nợ của HDS ghi nhận mức tăng trưởng âm 13,5% trong 9 tháng đầu năm, phần nào ảnh hưởng tiêu cực lên biên lãi thuần (NIM) hợp nhất của ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, tăng trưởng tín dụng của HDB được kỳ vọng hồi phục tích cực trong quý IV cũng như năm 2022. Cụ thể, do phân bổ tài sản của HDB tập trung chủ yếu là các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đợt bùng phát Covid-19 thứ tư. Vì vậy, nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng.

MASVN kỳ vọng NIM sẽ tăng nhẹ trong năm 2022 dựa trên các giả định, bao gồm sự phục hồi của mảng tín dụng tiêu dùng trong cả tăng trưởng dư nợ và thu nhập; đòn bẩy tài chính giảm; sự kết thúc của các gói hỗ trợ lãi suất; việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu quốc tế sẽ làm giảm chi phí huy động.

Đến hết quý III, tín dụng cho các doanh nghiệp SME và cá nhân chiếm khoảng 92,4% tổng tín dụng của ngân hàng. Do vậy, MASVN cho rằng chi phí tín dụng sẽ tăng nhanh trong ngắn hạn và sau đó giảm dần do tính chất của phân khúc khách hàng này, đó là thu nhập sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng cũng nhanh chóng hồi phục.

MASVN hiện khuyến nghị mua dành cho HDB, giá mục tiêu 36.400 đồng/cổ phiếu, tương đương P/B là 2,5 lần, cao hơn 27% so với giá đóng cửa phiên 24/12.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.