(VNF) - VDSC dự báo, lợi nhuận của HPG sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý cuối năm nhờ sản lượng bán ra tăng trưởng tốt, bù đắp cho sự suy giảm của giá bán HRC. Cụ thể, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế quý IV của HPG đạt 10.430 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái, xô đổ mức lãi kỷ lục hồi quý III.
Trong quý III, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận doanh thu đạt 38.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 173% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả ấn tượng có được nhờ giá thép nội địa tăng cao, dù cho sản lượng thép xây dựng trong quý giảm 2% cùng kỳ.
Về quý IV, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng chi phí sản xuất thép của HPG có thể tiếp tục ổn định trong quý cuối năm, do giá quặng sắt và than cốc có biến động ngược chiều.
Theo đó, trong khi giá quặng sắt bình quân quý IV ước giảm 37% so với quý III, xuống còn 103 USD/tấn thì giá than luyện cốc tăng mạnh mẽ, có thể lên tới 36,6% so với quý liền trước, lên 326 USD/tấn. Chính vì vậy, VDSC ước tính chi phí sản xuất phôi thép quý IV của HPG dự kiến tăng nhẹ 1% so với quý III.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của mảng thép xây dựng cũng được dự báo ổn định, dù vậy khả năng sinh lời của mảng HRC có thể giảm do giá bán giảm trong quý IV.
Trong khi giá nguyên vật liệu biến động mạnh, giá thép xây dựng tương đối ổn định. Giá thép cây và thép cuộn tăng từ khoảng 16.400 đồng/kg trong quý III lên mức đỉnh 17.000 đồng/kg vào tháng 10, sau đó giảm nhẹ 3,5% ở tháng kế tiếp. VDSC ước tính giá bán thép xây dựng quý 4 tăng khoảng 1-2% so với quý liền trước, tương đồng với mức tăng của chi phí sản xuất thép.
Mặt khác, giá bán HRC giảm khoảng 5-7% so với quý III, do đó, biên lợi nhuận gộp mảng HRC ước tính sẽ giảm từ khoảng 42% trong quý III xuống 38,4% trong quý IV.
Nhìn chung, lợi nhuận vẫn được dự báo đạt mức cao trong quý IV nhờ sản lượng bán ra tiếp tục gia tăng. Sau khi gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, tiêu thụ thép đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 trước khi giảm về mức bình thường vào tháng 11.
VDSC ước tính sản lượng bán hàng mảng thép ống và thép mạ có thể tăng trưởng với mạnh hơn, lần lượt đạt 44% và 41% so với quý III. Đáng chú ý, sản lượng bán phôi thép dự kiến tăng 107%, chiếm 18,5% tổng sản lượng tiêu thụ, do nhu cầu mạnh từ thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, sản lượng HRC bán ra ổn định ở mức khoảng 620.000 tấn. Do đó, tổng sản lượng tiêu thụ có thể đạt 2,45 triệu tấn, tăng 21% so với quý III. Dù biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhưng VDSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý IV của HPG sẽ đạt 10.430 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang năm 2022, công ty chứng khoán này dự báo biên lợi nhuận gộp của mảng thép cán nóng sẽ suy giảm trong nửa đầu năm, trong khi biên lãi gộp mảng thép xây dựng ổn định.
Đáng chú ý, hiện HPG đang tiến hành giai đoạn giải phóng mặt bằng khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất 2, và có kế hoạch bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2022. Tổng thời gian xây dựng khoảng 30 tháng.
Nhà máy bao gồm hai lò cao với tổng công suất 5,6 triệu tấn, bao gồm 4,6 triệu tấn thép HRC và 1,0 triệu tấn là thép xây dựng chất lượng cao. Hai lò cao trên dự kiến đi vào hoạt động lần lượt vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024.
Dựa trên phương pháp định giá FCFF và PE, VDSC đưa ra khuyến nghị mua đối với HPG với giá mục tiêu khoảng 62.900 đồng/cổ phiếu. Cùng với mức cổ tức tiền mặt trong 12 tháng tới là 500 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời dự kiến là 40% so với mức giá đóng cửa 44.950 đồng vào ngày 23/12.
KBSV: Khuyến nghị mua dành cho MCM
Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM) tiền thân là Nông trường Mộc Châu - đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của MCM bao gồm sản xuất, chế biến, và kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất, chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; kinh doanh vật tư chăn nuôi và vật nuôi (bò, bê).
MCM ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III đạt 795 tỷ đồng và 95 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,7% và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, doanh thu đạt 2.206 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 231 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 11% so với cùng kỳ, hoàn thành 72% và 73% kế hoạch của cả năm.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng, thời gian tới, MCM sẽ được hưởng lợi nhờ triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành sữa giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, đến từ thu nhập của người dân được cải thiện; lượng tiêu thụ sữa trên đầu người của người Việt Nam vẫn thấp hơn so với khu vực; và các yếu tố trung/dài hạn (dân số trẻ, thu nhập trung bình với tầng lớp trung lưu gia tăng).
Bên cạnh đó, MCM đóng vai trò quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần của Vinamilk, giúp "ông lớn" ngành sữa mang tới thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng và gia tăng sức cạnh tranh thương hiệu với các bên khác.
MCM đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, với những dự án đáng chú ý gồm cải tạo dây chuyền, trang trại hiện hữu; đồng thời có kế hoạch xây dựng trang trại mới quy mô lớn kết hợp với du lịch sinh thái; và kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sữa công suất gấp 4 hiện tại. MCM cũng tiếp tục mở rộng hợp tác với các hộ nông dân để gia tăng đàn bò.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào dự báo hạ nhiệt, MCM nhiều khả năng sẽ tiếp tục cải thiện được biên lợi nhuận gộp trong các quý tới. Lưu ý rằng, MCM tận dụng chính sách ưu đãi của đối tác với Vinamilk khi nằm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp này; hiệu ứng kinh tế quy mô khi MCM mở rộng sản xuất; dư địa tăng giá khả thi và đưa ra những sản phẩm chất lượng cao với giá bán cao hơn.
KBSV dự phóng kết quả kinh doanh quý IV của MCM sẽ đạt mức tăng trưởng tốt, ước tính lãi sau thuế năm 2021 ở mức 327 tỷ đồng, cao hơn 16,5% thực hiện năm ngoái. Sang năm 2022, KBSV kỳ vọng vào việc tăng trưởng tích cực của doanh thu khi MCM gia tăng thị phần, đẩy mạnh phủ sóng thị trường miền Trung và Nam cũng như mở rộng biên lợi nhuận, giúp mang về 393 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 20% cùng kỳ.
Dựa trên định giá P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MCM, giá mục tiêu 1 năm là 68.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E dự phóng năm 2022 là 20,1 lần.
Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với GVR
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận doanh thu quý III đi ngang so với cùng kỳ, đạt 6.160 tỷ đồng. Do chi phí giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp tăng 67% so với cùng kỳ lên 2.090 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, GVR lãi sau thuế 1.533 tỷ đồng, tăng 27% so với quý III/2020.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng nhờ giá bán các sản phẩm mủ cao su và giá một bán số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng.
Gộp chung 3 quý năm 2021, doanh thu thuần đạt 16.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.815 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 88% so với cùng giai đoạn năm ngoái.
Được biết, năm 2021, GVR đặt kế hoạch 26.914 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế 4.564 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, "ông lớn" ngành cao su đã thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Cuối tháng 10, GVR đã công bố quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa. GVR chính thức chuyển sang công ty cổ phần kể từ ngày 1/6/2018. Đến ngày 14/6/2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành quyết định số 243 về việc phê duyệt quyết toán tài chính, tiền thu từ cổ phần hoá, chi phí cổ phần hoá, kinh phí chi trả chế độ cho người lao động dôi dư, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Cụ thể, giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển GVR sang công ty cổ phần là hơn 41.106 tỷ đồng. Vốn điều lệ của GVR là 40.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm 96,77% vốn điều lệ, tương đương giá trị tính theo mệnh giá đạt hơn 38.708 tỷ đồng. Số tiền quỹ hoàn trả lại cho doanh nghiệp là hơn 132 tỷ đồng.
Nhận định giá trị cổ phiếu GVR, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) tại báo cáo mới đây đã đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, trong khi mức stock rating của GVR đang ở mức 69 điểm.
Mới đây, đồ thị giá của GVR đóng cửa tăng 3,4% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên và đồ thị giá tiến sát mức kháng cự ngắn hạn 39.570 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh cho thấy xu hướng ngắn hạn có thể rõ ràng hơn trong vài phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn của GVR vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát cổ phiếu và có thể xem xét mua nếu đồ thị giá vượt lên mức kháng cự 39.570 đồng/cổ phiếu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone