Tài chính

Cổ phiếu 'vua' tiếp tục... lao dốc

(VNF) - Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục "đỏ" và "xám" sàn trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư và cả những thông tin chuẩn bị xét xử các cựu lãnh đạo các nhà băng trong tháng 1/2018 tới.

Cổ phiếu 'vua' tiếp tục... lao dốc

Phiên giao dịch hôm nay 13/12, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục sụt giảm mạnh khi sắc đỏ và xám vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong 13 mã cổ phiếu "vua" đang được niêm yết trên thị trường. 

Trong đó, chỉ trừ 2 mã NVB tăng 1,37% (tăng 100 đồng/cổ phiếu) và VIB tăng 1,8% (tăng 400 đồng/cổ phiếu); 11/13 mã cổ phiếu còn lại đều đứng ở mức giá tham chiếu (KLB, LPB) hoặc "đỏ sàn" như: BID, EIB, MBB, STB, CTG...

Cụ thể, BID giảm 0,8% (giảm 200 đồng/ cổ phiếu); EIB giảm 0,8% (giảm 100 đồng/ cổ phiếu); SHB giảm 1,1% (giảm 100 đồng/ cổ phiếu). Đặc biệt, nhiều mã giảm khá sâu như: VPB giảm 2,1% (giảm 800 đồng/ cổ phiếu); VCB giảm 1,6% (giảm 700 đồng/ cổ phiếu); ACB giảm 2,3% (giảm 800 đồng/ cổ phiếu); CTG giảm 2,6% (giảm 600 đồng/ cổ phiếu); MBB giảm 3,1% (giảm 800 đồng/ cổ phiếu) và STB giảm 3,6% (450 đồng/ cổ phiếu).

Đây cũng là phiên thứ 3 giảm liên tiếp của nhiều mã cổ phiếu "vua" trong tuần này sau hàng loạt thông tin liên quan đến việc khởi tố, bắt giữ các cán bộ ngành Dầu khí diễn ra vào cuối tuần trước. 

Thậm chí, đây là phiên thứ 6-7 liên tiếp "đỏ sàn" của nhiều mã cổ phiếu vua tính từ đầu tháng 12 đến nay. Cụ thể, CTG có 7 phiên liên tiếp đứng giá và đỏ sàn (5 phiên giảm, 2 phiên đứng giá) với giá trị mất khoảng 3.400 đồng/ cổ phiếu (mất 14,1%); VCB có 7/9 phiên đỏ sàn với giá trị mất khoảng 5.400 đồng/ cổ phiếu (mất 11%); ACB có 6/9 phiên liên tiếp giảm giá với giá trị mất khoảng 2.700 đồng/ cổ phiếu (mất 8%)...

Liên quan đến việc các mã cổ phiếu ngân hàng giảm sâu liên tiếp trong các phiên giao dịch đầu tuần này, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, nguyên nhân tác động đến nhóm cổ phiếu "vua" có thể là do lịch xét xử các đại án Huỳnh Thị Huyền Như (cựu cán bộ VietinBank); ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (cựu lãnh đạo Sacombank); ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB) ra tòa lần thứ 3. Các phiên tòa này sẽ được xét xử trong tháng 1/2018 tại TP.HCM và các vụ đại án này đều liên quan đến các ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, VietinBank, TienphongBank... nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, theo đại diện SSI, nguyên nhân chính thì có thể là các cổ phiếu ngân hàng sụt giảm còn bởi hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau thời gian dài các cổ phiếu "vua" tăng giá không ngừng. 

Cụ thể, tính đến 30/11, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đã tăng gấp đôi, nhiều cổ phiếu tăng giá 60 - 70% như là CTG của VietinBank, BID của BIDV, ACB của ngân hàng ACB, STB của Sacombank… Các cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng tăng trên dưới 30% như VCB của Vietcombank, VIB của VIB...

Dù vậy, theo đánh giá của Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM thì, hiện giá cổ phiếu ngân hàng đã được cải thiện so với trước đây, song khó có thể bật tăng mạnh, nhất là ở các nhà băng nhỏ, bởi đang phải đối mặt với dự phòng cao và làn sóng M&A khi ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc. 

"Áp lực tăng vốn cũng đang đè nặng lên các ngân hàng do cổ đông không mấy mặn mà với việc rót thêm vốn, kể cả khi ngân hàng phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá. Năng lực tài chính yếu cũng là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu của ngân hàng kém sức hút", ông Tín phân tích.

Tin mới lên