Co-working space trong cuộc chiến mặt bằng

Thiên Phong - 31/12/2018 11:26 (GMT+7)

Tìm vị trí đắc địa cho các văn phòng chia sẻ ở trung tâm thành phố là áp lực rất lớn với các co-working space.

VNF
Co-working space trong cuộc chiến mặt bằng.

Văn phòng chia sẻ đầu tiên tại Việt Nam của WeWork, startup lớn thứ 3 của Mỹ, sẽ đặt ở tòa nhà 4 tầng tại E-Town Central, quận 4, TP. HCM. Địa điểm này khá thuận lợi, chỉ cách quận 1 với một cây cầu. Tương tự, các địa điểm của CirCO cũng tọa lạc ở những địa chỉ đắt đỏ ở TP. HCM, nằm trong trung tâm quận 4 và quận 1.

Báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL) dự đoán nguồn cung dự kiến sẽ tăng lên theo cấp số nhân trong vài năm tới. Các đơn vị có tiếng đều có kế hoạch mở thêm nhiều địa điểm mới. Nhưng không chỉ có cuộc đua về số lượng, cuộc đua vị trí cũng gay cấn không kém ở các công ty chuyên cho thuê văn phòng chia sẻ.

Mới đây, liên doanh giữa Indochina Capital và Vanguard Hotels vừa khởi công xây dựng khách sạn Wínk trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Bên trong là văn phòng chia sẻ TOONG. Đầu năm nay, TOONG cũng mới khai trương một cơ sở nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3.

Việc nhiều doanh nghiệp mới đua nhau khai trương cũng khiến người chơi lâu năm là Regus bắt đầu rục rịch. “Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt trung tâm đầu tiên mang thương hiệu Spaces tại Hà Nội. Trung tâm mới sẽ không chỉ có một vài tầng sàn, mà sẽ là nguyên một tòa nhà 10 tầng ở vị trí đắc địa tại Hà Nội”, Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus Việt Nam, Campuchia và Philippines, cho biết.

Các trung tâm của Regus đều tọa lạc tại các khu đất vàng, nhưng hiện nay Regus đang cân nhắc thêm những địa điểm khác ngoài quận 1. Điều này sẽ “giúp rút ngắn thời gian di chuyển và mang các trung tâm của Regus tới gần nhà các bạn hơn”, đại diện Regus lý giải.

Regus được xem là nhà đầu tư kỳ cựu ở thị trường Việt Nam khi gia nhập từ năm 1988. Hiện Regus có 9 trung tâm (8 trung tâm văn phòng và 1 trung tâm hội nghị) tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Có thể xem Regus là đối thủ trực tiếp cùng phân khúc với WeWork, đa phần phục vụ các tập đoàn lớn, đi kèm hệ thống kết nối đa dạng trong khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, việc phân thứ hạng thường dựa vào vị trí và hạng sao của tòa nhà, không chỉ bởi vì chi phí mặt bằng chiếm tỷ trọng không nhỏ, mà còn vì nguồn cung văn phòng hạn chế.

Theo ông Lars Wittig, khó khăn lớn nhất của Regus là việc tìm kiếm mặt bằng mới để đầu tư, mặc dù Regus luôn săn lùng những vị trí đắc địa để mở trung tâm mới. Lý do là vì các tòa nhà hạng sang thường có nguồn cung hạn chế và được lấp đầy rất nhanh.

Báo cáo của JLL cũng đưa ra nhận định tương tự. Không gian làm việc linh hoạt trở nên phổ biến hơn nhờ nguồn cung văn phòng hạn chế ở các địa điểm nóng.

“Trong khi các đơn vị điều hành quốc tế như Regus và WeWork (WeWork mua Naked Hub vào tháng 4/2018) muốn giữ chỗ tại tòa nhà văn phòng hạng A và hạng B có chất lượng cao trên thị trường, thì các đơn vị điều hành trong nước đang dần chuyển hướng sang các tòa nhà văn phòng hạng B và diện tích bán lẻ để tìm kiếm mặt bằng cho địa điểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”, báo cáo của JLL về thị trường co-working space nhìn nhận.

Một điểm đáng chú ý khác là các văn phòng chia sẻ trong thời gian tới sẽ có xu hướng “đi tỉnh”, mở rộng mặt bằng về các tỉnh thành vùng ven. Thương hiệu khách sạn Wínk, với sự góp mặt của TOONG, cũng sẽ sớm ra mắt ở một địa chỉ tại trung tâm Đà Nẵng. Hệ thống này dự kiến phát triển lên đến con số 20 khách sạn ở khu vực Đông Dương.

Trong khi đó, đại diện Regus Việt Nam đang tìm vị trí đắc địa ở Hải Phòng, nơi có bến cảng sầm uất và kết nối trực tiếp đến Hà Nội. Theo đại diện Regus, việc mở rộng thêm các trung tâm ở thành phố mới cũng giúp các doanh nghiệp nhỏ thuộc những tỉnh thành này có cơ hội vươn ra toàn quốc hoặc thế giới.

Văn phòng chia sẻ là mô hình sẽ còn bùng nổ ở Việt Nam vì nhiều lý do kinh doanh. Đại diện Regus Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh ngày nay thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp mở cửa, đóng cửa hay sáp nhập liên tục nên sẽ rất khó dự đoán nhu cầu văn phòng cụ thể của một doanh nghiệp trong vòng 1-2 năm tới như thế nào. Do đó, các giải pháp văn phòng linh hoạt sẽ chiếm ưu thế hơn so với mô hình văn phòng truyền thống.

Trong khi đó, JLL cho rằng các doanh nghiệp trong nước ngày nay thường chọn không gian linh hoạt để giảm chi phí hoạt động, tập trung vào hoạt động kinh doanh, còn các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn vì lượng nhân sự chưa ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất đang tăng trưởng tốt ở Việt Nam (và tương lai còn tăng thêm) hiện đang dẫn đầu nhu cầu thuê văn phòng ở Việt Nam.

Theo NCĐT
Cùng chuyên mục
Tin khác