Công nghệ tuần qua: Game online thoát thuế tiêu thụ đặc biệt?

Ái Nhi - 30/07/2023 13:02 (GMT+7)

(VNF) - Thông tin Thường trực Chính phủ yêu cầu chưa đưa kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là tin vui với doanh nghiệp ngành công nghệ nói chung và ngành game nói riêng trong tuần vừa qua.

VNF
Chính phủ yêu cầu chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online.

Chính phủ yêu cầu chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, đối với đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Về các chính sách, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung thêm cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để tăng tính thuyết phục. Nghiên cứu kỹ đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới và thiết bị điện tử của sản phẩm thuốc lá mới nhằm bảo đảm thống nhất với luật chuyên ngành và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trước mắt, chưa đưa kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý (như cấp giấy phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng…) nhằm khắc phục, kiểm soát mặt hạn chế của game online. (Xem thêm)

'Đại gia' công nghệ CMC tham vọng doanh thu 10.200 tỷ

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua phương án chia cổ tức với mức 12% cổ tức tiền mặt và 20,2% cổ phiếu thưởng.

Theo báo cáo tại đại hội, trong năm tài chính 2022, tổng doanh thu thuần hợp nhất của CMC đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8% so với cùng kì và đạt 96,5% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 402 tỷ đồng; tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và đạt 109% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về CMC đạt trên 355 tỷ đồng, tương đương 111% kế hoạch năm và tăng trưởng 12% so với năm 2021.

Phía CMC cho biết các lĩnh vực chính đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước, trong đó nổi bật là khối kinh doanh quốc tế với mức doanh thu tăng 62% và hoàn thành 104% kế hoạch năm, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu các khối công nghệ, giải pháp và hạ tầng số đều tăng trưởng lần lượt ở mức 13%, 14% và hoàn thành kế hoạch ở mức 101% và 90%.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CMC cũng thông qua mục tiêu doanh thu năm 2023, với mức 10.200 tỷ đồng, tăng 22% so với 2022; thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022. (Xem thêm)

Facebook vượt mốc 3 tỷ người dùng mỗi tháng

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Meta, lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook đạt 3.03 tỷ người, tương đương một phần ba dân số thế giới.

Meta cho biết lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đạt 2.06 tỷ người. Lượng người dùng hàng tháng là 3.03 tỷ. Nếu tính toàn bộ hệ sinh thái ứng dụng của Meta (WhatsApp, Instagram, Messenger và Threads) có 3,88 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Sở dĩ Facebook có được sự tăng trưởng vượt bậc này nhờ vào Reels - tính năng video ngắn tương tự TikTok hiện đã cập nhật trên Facebook và Instagram. Theo công bố từ CEO Mark Zuckerberg, tính năng này nhận được 200 tỷ lượt xem mỗi ngày.

Theo báo cáo, doanh thu của Meta tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 32 tỷ USD. Đây là quý đầu tiên Meta tăng trưởng ở mức 2 con số sau thời gian giảm liên tiếp kể từ quý IV/2021.

Trong khi đó, Reality Labs của Meta đã công bố khoản lỗ lên tới 3,7 tỷ USD và ước tính lỗ cho VR của Meta trong cả năm có thể lên tới khoảng 14 tỷ USD. CEO Mark Zuckerberg cho rằng, tổn thất vẫn sẽ tiếp tục và có thể tăng qua từng năm khi công ty dự kiến đầu tư mở rộng quy mô hệ sinh thái VR/AR. (Xem thêm)

Twitter đổi tên thành X

Ngày 23/7, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã lựa chọn rũ bỏ hoàn toàn thương hiệu quen thuộc này, bắt đầu từ việc thay thế logo bằng phiên bản cách điệu của chữ X, chữ cái luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của vị tỷ phú này từ trước tới nay.

Sáng 24/7, ông Musk đưa ra công bố tên miền X.com sẽ đưa người truy cập tới link đích Twitter.com, đồng thời, ông cũng thay đổi avatar của mình sang nền đen với chữ X trắng nổi bật. Trang chủ Twitter cũng đã được thay đổi logo và tên tài khoản thành chữ X.

Trước đó, ông Musk đã chia sẻ một bức ảnh chụp chữ X khổng lồ được chiếu lên bên ngoài toà nhà Twitter tại San Francisco với nội dung: “Trụ sở chính của chúng tôi tối nay”.

Bên trong trụ sở chính của Twitter ở San Francisco, logo X cũng “chiếm sóng” tại nhiều khu vực như trong các quán ăn tự phục vụ, các phòng hội nghị, phòng họp với các tên gọi như "eXposure," "eXult", "s3Xy"… Chưa hết, các chữ cái Twitter được gắn bên ngoài trụ sở cũng đang được gỡ dần ra.

Động thái này được cho là thay đổi rõ ràng nhất mà ông Musk từng thực hiện với Twitter kể từ khi chốt thoả thuận mua công ty này vào tháng 10/2022. Theo tỷ phú Elon Musk, trong lần đổi mới này, ông sẽ biến Twitter từ một mạng xã hội đơn thuần thành một ứng dụng đa năng mang tên X. (Xem thêm)

AI đưa 'hào quang' trở lại với cổ phiếu công nghệ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 285,18 điểm, tương đương 0,84%, đóng cửa ở mức 34.407,60. Chỉ số S&P 500 tăng 1,23% để kết thúc ở mức 4.450,38 và Nasdaq Composite tăng 196,59 điểm, tương đương 1,45%, lên 13.787,92. Đây là phiên giao dịch quan trọng đối với các nhà đầu tư, vì vừa là phiên giao dịch cuối của tuần, của tháng 6, quý II và cả nửa đầu năm 2023.

Kết thúc tháng 6, Nasdaq Composite tăng 6,6%, S&P 500 tăng 6,5%. Cả hai chỉ số liên quan mật thiết tới ngành công nghệ đều ghi nhận tháng thứ 4 tích cực liên tiếp. Kết thúc quý II, chỉ số S&P 500 tăng 8,3%, đánh dấu quý tăng thứ 3 liên tiếp và là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ quý IV/2021. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,8%. Còn nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 6, chỉ số S&P 500 tăng 16%, đạt mức tăng trong nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 2019. Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq Composite tăng 32%, đạt hiệu suất nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983.

Sáu tháng đầu năm chứng kiến sự vụt sáng trở lại của những tên tuổi công nghệ từng sa sút trong năm 2022, khi niềm tin vào trí tuệ nhân tạo và hy vọng kết thúc chiến dịch lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã nâng những công ty công nghệ lớn lên một tầm cao đáng kinh ngạc. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác