Công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong năm 2024

Thu An - 03/01/2025 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi ước tính về mức lỗ sau thuế của năm 2024, Chứng khoán PHS đã đưa ra nhiều dự báo tích cực cho năm 2025, cũng như lên kế hoạch kinh doanh lạc quan.

Công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) mới đây đã công bố dự toán tình hình tài chính của năm 2024 và kế hoạch kinh doanh của năm 2025.

Theo đó, khép lại năm 2024, PHS đem về gần 480 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 12% so với mức thực hiện năm 2023. Hai mảng cốt lõi là kinh doanh vốn và nghiệp vụ môi giới sụt giảm lần lượt 12% và 4%, còn 267 tỷ đồng và 144 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động cốt lõi, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm tới 68%, ghi nhận 13 tỷ đồng cho cả năm 2024. Nguồn thu giảm nhưng các chi phí vẫn neo cao, trong đó chi phí hoạt động và chi phí quản lý doanh nghiệp có phần tăng nhẹ.

Điều này đã làm PHS phải ngậm ngùi báo lỗ 10,7 tỷ đồng, sau 7 năm liên tiếp đem về lợi nhuận dương. Khoản lỗ này bắt đầu hình thành từ quý II/2024 và trở nên xấu hơn trong quý III.

Nhìn lại quá khứ, PHS từng có nhiều năm thua lỗ trong giai đoạn trước năm 2016. Từ năm 2017, lợi nhuận của công ty chứng khoán này đều đặn ghi nhận tăng trưởng dương và bắt đầu chững lại đà tăng từ năm 2022.

Bước sang năm 2025, PHS có cái nhìn khá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức P/E dự phóng năm 2025 của VN-Index hiện đã về vùng thấp trong lịch sử và đang ở mức hấp dẫn khi so sánh với các thị trường chứng khoán mới nổi khác trong khu vực. PHS kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 18% so với cuối 2024 và duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2025.

"Năm 2025 sẽ là một năm bản lề đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào câu chuyện nâng hạng thị trường. Việc nâng hạng thành công sẽ là cầu nối để thu hút dòng vốn ngoại mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường", PHS nhận định.

Ngoài ra, việc nút thắt Prefunding đã được tháo gỡ và kỳ vọng những sản phẩm giao dịch mới cũng sẽ sớm được triển khai trong những năm tới như giao dịch T+0, bán khống hay các sản phẩm phái sinh mới, qua đó thúc đẩy thanh khoản thị trường gia tăng nhanh chóng.

Với kỳ vọng 2025 trở thành năm mang tính bước ngoặt với thị trường chứng khoán, PHS xây dựng kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu mục tiêu đạt gần 744 tỷ đồng, tăng 51% so với mức ước tính của năm 2024. Trong đó, mảng cho vay vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo với mục tiêu đem về gần 368 tỷ đồng doanh thu, tăng 38%. Tiếp đến là mảng môi giới mang về gần 266 tỷ đồng, tăng 85%.

PHS dự kiến lãi sau thuế gần 104 tỷ đồng trong năm 2025, mục tiêu lạc quan hơn nhiều so với mức lỗ ước tính trong năm 2024.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đang ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh thị trường xuất hiện thêm các công ty chứng khoán mới với sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn mạnh ở trong và ngoài nước

Hiện cả nước có khoảng 85 công ty chứng khoán lớn nhỏ được cấp phép hoạt động, trong đó ở giai đoạn 2017-2019 đã chứng kiến nhiều thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty trong ngành. Nổi bật là có sự tham gia của các công ty chứng khoán vốn ngoại, vừa được mua lại và tăng vốn mạnh mẽ từ các tập đoàn tài chính nước ngoài như Chứng khoán KB ra mắt đầu năm 2018 (được
Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc mua lại tháng 10/2017), chứng khoán Pinetree ra mắt đầu năm 2019 (Hanwha Investment & Securities mua lại), Chứng khoán JB Việt Nam năm 2020 (Tập đoàn tài chính JB mua lại).

Theo VDSC, với nguồn vốn rẻ từ công ty mẹ, các công ty này đã đi đầu trong xu thế giảm lãi margin và phí môi giới để giành thị phần. Điển hình như chứng khoán Pinetree khi mới ra mắt, đã áp dụng lãi vay margin chỉ 9%/năm (trước năm 2022, hiện lãi suất là 9,9%/năm) thấp hơn nhiều so với mức 12-14%/năm của các công ty chứng khoán trong nước khác.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu, trong thời gian gần đây các ngân hàng đã mạnh tay đầu tư cho mảng chứng khoán hơn để nắm bắt cơ hội tăng trưởng cũng như để tối ưu hệ sinh thái khách hàng của mình. Trong đó, một số ngân hàng chưa có công ty chứng khoán trong hệ sinh thái đã có chiến lược mua lại, điển hình như VPBank hay gần đây đã mua lại Công ty Chứng khoán ASC hay SeAbank (SSB) đã có kế hoạch mua lại công ty chứng khoán.

Ngoài ra, trong 3 năm qua, hàng loạt các công ty chứng khoán có ngân hàng hỗ trợ đã thực hiện tăng vốn mạnh mẽ như MBS, ACBS, SHS và ORS... với vốn điều lệ của các công ty chứng khoán này đều tăng tối thiểu 100% so với đầu năm 2021.

Công ty chứng khoán gom nghìn tỷ cho cuộc đua chiếm top 1 vốn điều lệ

Công ty chứng khoán gom nghìn tỷ cho cuộc đua chiếm top 1 vốn điều lệ

Tài chính
(VNF) - SSI, VNDIRECT và TCBS đã liên tục giành ngôi đầu bảng trong cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán thời gian qua.
Cùng chuyên mục
Tin khác