‘Cuộc chiến’ nước mắm: 70% thị phần thuộc về nước mắm công nghiệp

Minh An - 11/03/2019 13:19 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2002, Unilever chính thức tấn công thị trường nước mắm bằng việc khánh thành nhà máy sản xuất và đóng chai Quốc Dương, đặt tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Chưa đầy 1 năm sau, Masan bước vào cuộc đua. Nước mắm công nghiệp xuất hiện từ đó, nhanh chóng khiến cho nước mắm truyền thống “hụt hơi”.

VNF
Nước mắm công nghiệp ra đời từ năm 2002 nhưng đã đánh bại nước mắm truyền thống.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường nước mắm Việt Nam ước tính trị giá 4,5 tỷ USD và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016-2021.

Trước năm 2002, trên thị trường chỉ tồn tại khái niệm nước mắm truyền thống với 2 thành phần chính là cá và muối; được ủ ròng rã hàng năm trời và chế biến theo phương pháp thủ công hoàn toàn.

Tuy nhiên, năm 2002, Unilever khánh thành nhà máy sản xuất và đóng chai Quốc Dương, đặt tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của nước mắm công nghiệp.

Tại thời điểm 2002, nhà máy của Unilever được coi là nhà máy sản xuất và đóng chai nước mắm có quy mô lớn nhất tại Phú Quốc, với công suất lên tới 6 triệu lít/năm, bằng 50% tổng công suất các nhà thùng tại Phú Quốc khi đó gộp lại. Với nhãn hiệu Knorr Phú Quốc, Unilever tham vọng đưa nhãn hiệu nước mắm này phủ khắp đất nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

Chưa đầy 1 năm sau, Masan bước vào cuộc đua trên thị trường nước mắm bằng việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương, Nghệ An và nhà thùng tại Phú Quốc có sức chứa khoảng 10.000 tấn cá, công suất 8 triệu lít nước mắm cốt/năm. Masan đồng thời thu mua nước mắm cốt của Liên Thành (TP. HCM), Khải Hoàn (Phú Quốc)... để sản xuất nước mắm.

Năm 2009, Công ty Ngọc Nghĩa - một doanh nghiệp giàu lên nhờ sản xuất bao bì cho các tên tuổi hàng đầu trong ngành đồ uống, thực phẩm… cũng quyết định đầu tư vào ngành hàng nước mắm. Với việc góp vốn vào Công ty Thực phẩm Hồng Phú, đầu tư dây chuyền chuyên nghiệp, không lâu sau Ngọc Nghĩa tung ra 2 thương hiệu nước mắm Kabin và Thái Long. 

Một đại gia khác trong làng thực phẩm là Công ty Acecook với đầy đủ nguồn lực từ công nghệ, tài chính, sự am hiểu thị trường, hệ thống phân phối… đầu năm 2010 cũng quyết định tham gia thị trường với nhãn hàng nước mắm Đệ Nhất. Micoem thì cho ra mắt nước mắm Ông Tây...

Tuy nhiên, cuối năm 2013, Acecook chuyển giao thương hiệu nước mắm Đệ Nhất cho Công ty Nam Phương Việt Nam. Nước mắm Đệ Nhất đổi thành Đệ Nhất Barona, đánh dấu sự rút lui của Acecook khỏi thị trường.

Gần đây nhất, hồi tháng 7/2018, Nestlé Việt Nam đã tung ra sản phẩm nước mắm Maggi. Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, dung lượng thị trường nước mắm tại Việt Nam ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Do đó, Việt Nam là một thị trường khá lớn và nhiều tiềm năng để Nestlé tham gia vào cuộc đua nước mắm.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng nước mắm công nghiệp đã nhanh chóng khiến cho nước mắm truyền thống “hụt hơi”. Theo thông tin từ Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, lượng nước mắm tự nhiên truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít, còn nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Ngành công nghiệp nước mắm vô cùng hấp dẫn và đã chứng kiến nhiều “người đến, kẻ đi” trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, dễ thấy một cái tên vẫn trụ vững trên thị trường đó là Masan với các nhãn hiệu chính là Chinsu và Nam Ngư.

Theo Công ty chứng khoán ACB, doanh thu từ mảng nước mắm của Masan mỗi năm xấp xỉ 4.000-5.000 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE:MSN),  doanh thu từ nhóm hàng gia vị đạt 6.958 tỷ đồng, tăng 35% so với 2017 (chủ yếu đến từ các sản phẩm nước mắm Nam Ngư, nước tương Chin Su), sản lượng tiêu thụ tăng 30% và giá bán tăng 3,8% trong năm 2018.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác