Cựu binh Brian Cleaver và hành trình tìm mộ 42 người lính Bắc Việt ở Bình Dương

Anh Minh - 15/03/2019 18:39 (GMT+7)

(VNF) - Tháng Ba này, khi những cánh rừng cao su bạt ngàn đã kịp khoác lên mình mùa lá mới, cựu sỹ quan Trung đoàn số 3 quân đội Hoàng gia Úc Brian John Cleaver lại trở về mảnh đất Bình Mỹ (Bình Dương) với một sứ mệnh mà ông theo đuổi nhiều thập kỷ nay…

VNF
Ông Brian Cleaver.

Nỗi ám ảnh 50 năm

Như nhiều thanh niên Úc cùng trang lứa, Brian Cleaver gia nhập quân đội Hoàng gia Úc khi mới chỉ 20 tuổi. Hồ hởi với việc sang tham chiến ở Việt Nam, ông không thể ngờ rằng rồi đây quyết định đó sẽ làm thay đổi cả cuộc đời ông.

Cựu binh Brian Cleaver khi còn trẻ. Ảnh: TL

Brian Cleaver đến Việt Nam tháng 3/1968. Tháng 5/1968, ông có mặt ở căn cứ quân sự thuộc xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ sau Tết Mậu Thân, chiến sự diễn ra ác liệt ở nhiều tỉnh miền Nam và khu vực Bình Mỹ (Bình Dương), một trong những cứ điểm quân sự của quân Mỹ và đồng minh đã trở thành một điểm nóng. Cuối tháng 5/1968, quân miền Bắc mở trận đột kích vào căn cứ Bàu Hang, thường được gọi với tên khác là căn cứ hỏa lực Balmoral, nhưng thất bại và phải rút lui, dù cũng đã gây tổn thất cho quân Úc với 5 người chết, 14 người bị thương.

Sáng 29/5/1968, đơn vị của Brian Cleaver, với sự hỗ trợ của xe tăng và trực thăng, quay lại trận địa để kiểm tra tình hình. Tại trận địa, họ ghi nhận có tổng cộng 42 bộ đội miền Bắc nằm lại. Sau khi tiến hành công tác kiểm đếm và các thủ tục thời chiến, họ tịch thu tư trang, súng đạn rồi chôn cất 42 bộ đội miền Bắc vào một hố bom rồi rời đi.

Toàn cảnh trận địa chụp từ trực thăng sau trận đánh. Quân đội Úc đang thu dọn trận địa trước khi tiến hành chôn tập thể. Ảnh: TL

Sau trận đánh này, phía miền Bắc không thể quay lại khu vực Bàu Hang. Hồ sơ trận đánh cũng ghi nhận đã có 42 cán bộ chiến sỹ “mất tích” trong trận Bàu Hang, có danh sách, tên tuổi, quê quán khá đầy đủ. Bàu Hang sau đó trở thành mảnh đất “chết” đúng nghĩa cho đến ngày được giải phóng. Mảnh đất ngổn ngang bom đạn năm nào được tái sinh dần thành những cánh rừng cao su xanh tốt… và mang theo bí mật về ngôi mộ tập thể của 42 bộ đội miền Bắc.

Nhưng, như nhiều đồng đội khác, khi trở về Úc, tâm hồn thanh niên trong sáng và đầy nhiệt huyết của Brian Cleaver đã không bao giờ “tái sinh” được nữa. Hội chứng chiến tranh bắt đầu đè nặng lên cuộc sống của họ, nhất là ám ảnh về việc, 42 người lính miền Bắc vẫn còn nằm lại đâu đó dưới đất dày Bình Mỹ.

“Trong những năm 1968-1969, người dân Úc dường như đã mâu thuẫn với chính mình. Chúng tôi được ủng hộ để ra đi và sau đó mọi người lại nói chúng tôi là những kẻ đi giết trẻ con! Chúng tôi bị phỉ nhổ trên phố nếu chúng tôi nói rằng mình vừa trở về từ Việt Nam. Thậm chí chúng tôi không dám nói đến từ “Việt Nam”, cố hòa nhập vào cộng đồng và cố tạo những bức tường vô hình ngăn cách với mọi người xung quanh”, Brian Cleaver từng mô tả về quãng đời từng trải qua sau khi trở về từ Việt Nam.

Brian Cleaver thường “bật khóc mà không rõ nguyên nhân, thậm chí khóc ngay giữa một buổi tiệc khi mọi người đều đang vui vẻ”. Thời gian còn đi làm, mỗi sáng đến công ty, ông đóng chặt tất cả cửa phòng, cửa sổ, không muốn gặp bất cứ ai. Mọi người chỉ có thể giao tiếp với ông qua điện thoại. Cuối cùng, ông nhận ra mình bị hội chứng chiến tranh, tình trạng mà nhiều người lính Mỹ, Úc khác cũng gặp phải sau cuộc chiến Việt Nam.

Đi tìm sự giải thoát

Năm 2002, Brian Cleaver đã quay trở lại, về đúng khu vực huyện Tân Uyên, Bình Dương để tìm đến địa điểm mà năm xưa ông từng tham chiến. Quá trình kết nối với nhiều đồng đội cũ giúp ông tìm thấy những cuốn sách có viết về trận chiến cũng như đăng tải hình ảnh ngay sau trận đánh để chắc chắn về việc có 42 người lính Việt Nam được chôn ở đây. Đặc biệt, một cựu binh Úc còn có tấm ảnh màu chụp hố chôn tập thể những bộ đội miền Bắc.

Brian Cleaver trong cuộc tìm kiếm năm 2009. Ảnh: TL

Từ đó, hành trình tìm ngôi mộ tập thể được bắt đầu với tư cách cá nhân. Đến năm 2009, sau rất nhiều nỗ lực với sự hỗ trợ của quân đội hai nước Việt - Úc, trong một cuộc đào tìm tại hiện trường, một bộ hài cốt bộ đội Việt Nam đã được tìm thấy. Sau đó, thông qua Văn phòng tùy viên quốc phòng, Đại sứ quán Úc, được sự chấp thuận và hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng, nhóm tìm kiếm của ông Brian bắt đầu những đợt tìm kiếm quy mô hơn, tuy nhiên, ngôi mộ tập thể vẫn nằm đâu đó dưới những cánh rừng cao su xanh thẳm.

Mười năm qua, Brian Cleaver vẫn đi về Việt Nam để tiếp tục sứ mệnh còn dang dở. Những nỗ lực của ông đã được các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và Úc ghi nhận và tạo điều kiện thuận lợi để bổ sung thông tin nhằm tiến hành các đợt đào tìm kiếm mới. Đài truyền hình ABS của Úc thậm chí đã làm một bộ phim tài liệu khá đặc sắc về ông với tên gọi The Crater (Hố bom), lột tả nỗi đau và hành trình còn dang dở của người cựu binh đã ngoài 70 tuổi.

Hành trình trở lại Việt Nam của Brian Cleaver nhận được sự chia sẻ của nhiều cá nhân tại Việt Nam. Họ trở thành những người đồng hành cùng ông trong công việc vô cùng khó khăn này. Người viết bài này từng ăn tối cùng ông và trong câu chuyện về cuộc chiến, cảm nhận được nỗi đau khó có thể diễn tả được ánh lên trong đôi mắt đã chạm tuổi già.

Những người Việt đã đồng hành cùng Brian Cleaver trong hành trình tìm kiếm 10 năm qua. Ảnh: TL

Ngày 20/3 năm nay, một đợt đào tìm kiếm với quy mô lớn hơn, có sự hỗ trợ của các kết quả nghiên cứu và tính toán, đo đạc kỹ thuật cẩn thận hơn sẽ được tiến hành. Brian Cleaver đang rất kỳ vọng vào đợt tìm kiếm này vì ông biết, ông cũng sẽ không còn nhiều thời gian và sức lực cho mong muốn đã đeo đuổi ông suốt cuộc đời.

Trước đó, ngày 9/1/2019, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng đã có công văn phúc đáp Sứ quán Úc theo đó chính thức cho phép ông Brian Cleaver tiến hành các hoạt động tìm kiếm vào tháng 3/2019. Trên cơ sở kết quả của chuyến đi, hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động cần thiết trong tương lai.

Cùng chuyên mục
Tin khác