Đám mây sắc đỏ gây tranh cãi: Có phải là 'thiên tượng' cảnh báo động đất?

Hoài Anh - 20/09/2024 17:16 (GMT+7)

(VNF) - Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Lương Ngọc Huỳnh cho rằng, khi "thiên tượng" là một đám mây có màu sắc đỏ bất thường cần phải lưu ý về khả năng động đất; còn chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn lại khẳng định, đó hoàn toàn là một hiện tượng tự nhiên bình thường.

Ngày 19/9, hình ảnh bầu trời với những áng mây màu đỏ như dung nham núi lửa cuộn trào bất ngờ xuất hiện tại Sapa, Lào Cai đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Trước hiện tượng đó, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh đã đưa ra lời cảnh báo: “Khi “thiên tượng” là một đám mây có màu sắc đỏ bất thường vào buổi sáng hay chiều hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì đều cần phải lưu ý về khả năng động đất”.

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh cảnh báo, hỏa tượng báo hiệu động đất

Chia sẻ thêm trên trang Facebook cá nhân, ông Lương Ngọc Huỳnh cho biết: “Trong nguyên lý của trời đất, thì Đất là Tượng của Trời và Trời cũng là Tượng của Đất. Nghĩa là người có học thuật chiêm tinh giỏi hoặc người có nhiều kinh nghiệm dân gian lâu đời truyền lại đều có thể lấy những hiện tượng của Đất để dự báo thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch họa…; lấy những hiện tượng của Trời để dự báo địa tai, nhân tai, như động đất, sóng thần, chiến tranh, loạn lạc, mất mùa…”

Theo ông Lương Ngọc Huỳnh, hiện tượng mây lửa (có màu sắc đỏ) gọi là hỏa tượng, báo hiệu cẩn thận có động đất, sạt lở, sụt lún, sóng thần hoặc đề phòng cháy nổ (bao gồm cả chiến tranh đốt phá) và các bệnh về tim mạch, bệnh lở loét, bệnh thần kinh.

Ông Huỳnh phân tích, thiên tượng ở Sapa ngày 17/8 âm lịch là ngày Bính Tuất (Can là Hỏa - Chi là Thổ) lại là ngày không vong. Giờ Đinh Dậu 2 khắc cũng là không vong! Thiên tượng này nói lên hỏa khí trong lòng đất đang rất mạnh, có thể gây ra động đất, sụt lún, hố tử thần, sạt lở…. Điều này trùng khớp với các dự báo của các nhà khoa học những năm gần đây về việc đang có sự đứt gãy tầng địa chất ở nước ta.

Ông Lương Ngọc Huỳnh

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh cho biết thêm: “Từ nay đến hết năm 2025, phía Bắc nước ta và phía Nam Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh, Bhutan, Nepal là những nước phải cẩn trọng về động đất, sạt lở, sụt lún do núi lửa hoạt động mạnh.

Ở nước ta bà con ở miền núi, đặc biệt là miền núi phía Bắc từ Thanh Hoá trở ra, nếu đi núi mà phát hiện ra các vết nứt thì khẩn trương báo cho chính quyền và nhân dân địa phương biết để có biện pháp di dân khẩn trương khỏi vùng có nguy cơ sụt lún, sạt lở…!

Ông Huỳnh khẳng định: “Vũ trụ vận hành theo thiên luật của đấng tạo hoá, vì vậy cái gì cũng có thể xảy ra! Đây không phải là một vấn đề tâm linh hay mê tín gì cả, mà đây là một vấn đề hoàn toàn có cơ sở khoa học và biện chứng dựa theo các nguyên lý cổ học đông phương”.

Từ những phân tích trên, ông Lương Ngọc Huỳnh đưa ra lời kêu gọi: “Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cần phải thành lập ngay một tổ công tác chuyên trách gồm các nhà khoa học địa chất giỏi, vật lý giỏi để theo dõi, nghiên cứu và cảnh báo kịp thời cho chính quyền và nhân dân tránh được những thảm họa từ địa tầng gây ra!

Các địa phương khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, đề phòng các hiện tượng địa chất, nếu thấy có gì bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý và cảnh báo sớm đến nhân dân”.

Ngược lại với quan điểm của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh, chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn lại cho rằng, hình ảnh áng mây màu đỏ gây xôn xao dư luận trên chỉ là một hiện tượng thời tiết bình thường.

Ông Huy Nguyễn lý giải, mây màu đỏ xuất hiện khi ánh sáng xanh bị phân tán và ánh sáng đỏ chiếm ưu thế. Ánh sáng đỏ thường xuất hiện vào khung giờ buổi chiều và buổi sáng (hoàng hôn và bình minh) và mây màu đỏ xuất hiện với 3 điều kiện đồng thời xuất hiện:

Một là khí áp của bầu khí quyển tại thời điểm đó cao khiến cho các hạt vật chất bao gồm cả bụi và các hạt khí khác bị giữ lại ở bầu khí quyển, làm phân tán ánh sáng.

Ánh sáng mặt trời có 7 gam màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mỗi màu sắc tương ứng với 1 bước sóng, tần số và mang năng lượng khác nhau. Trong đó ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất trong dải quang phổ khả kiến và ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất. Ánh sáng xanh có bước sóng trung bình bị cản bởi các hạt khí và bụi còn ánh sáng đỏ có bước sóng dài nên không bị các hạt cản lại.

Thứ hai, về thời điểm và góc chiếu: Vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều (hoàng hôn và bình minh), mặt trời có góc chiếu gần như song song trên bề mặt trái đất nơi vị trí chúng ta quan sát mặt trời. Khi đó mặt trời phải xuyên qua một bề dày các lớp hạt, bao gồm cả bụi nên các ánh sáng có bước sóng ngắn bị cản lại. Chỉ còn ánh sáng bước sóng dài xuyên qua được và trở thành khả kiến (đỏ và cam). Đó là lý do chúng ta thấy hoàng hôn hay bình minh có màu cam và đỏ.

Thứ ba, khi ánh sáng đỏ và cam xuyên qua các hạt bụi và khí nhỏ đập phải một đám hơi nước dày (mây) không thể xuyên qua thì chúng ta sẽ thấy mây có màu đỏ ở phía mặt trời chiếu tới, màu đen ở phía mặt trời không chiếu tới. Các đám mây như những màn chiếu hứng ánh sáng. Vậy là chúng ta có mây màu đỏ trên bầu trời. Hình dạng của mây là ngẫu nhiên và thi thoảng nó có tạo hình rồng, hình phượng. Mà rồng và phượng cũng là những linh vật trong trí tưởng tượng của con người.

Ông Huy Nguyễn

Chuyên gia Huy Nguyễn khuyến cáo: Việc sử dụng những hiện tượng tự nhiên rồi áp đặt nó vào việc lý giải tâm linh là điều không nên làm, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua trận thiên tai quá lớn, dân chúng đang lo âu. Hành động đó là hành động reo rắc nỗi sợ hãi.

"Việc bề mặt đất ở những nơi mới vừa bị trượt lở đang bất ổn định và tiềm ẩn các rủi ro hiện hữu cho các đợt trượt lở tiếp theo là có. Nhiều quả đồi đang ngậm nước ướt sũng, nhão, nứt và nặng. Chỉ cần thêm một đợt mưa lớn nữa có thể kích hoạt thêm các đợt trượt lở mới là điều hoàn toàn có thể. Vì vậy, ở những nơi có nguy cơ cần có sự khảo sát của chính quyền địa phương, của người dân có kinh nghiệm trong làng và các chuyên gia địa chất để xác định các nguy cơ mà tránh. Đó là việc cần làm, không liên quan gì thiên tượng”, ông Huy viết.

Chuyên gia Huy Nguyễn: Cần một cuốn sách lưu những bài học từ Yagi

Chuyên gia Huy Nguyễn: Cần một cuốn sách lưu những bài học từ Yagi

Tiêu điểm
(VNF) - Chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn nói nhìn lại cuộc chiến hai tuần với bão Yagi, cần viết một cuốn sách để rút ra những bài học cho tương lai.
Cùng chuyên mục
Tin khác