Chuyên gia Huy Nguyễn: Cần một cuốn sách lưu những bài học từ Yagi
Bình Yên -
13/09/2024 14:13 (GMT+7)
(VNF) - Chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn nói nhìn lại cuộc chiến hai tuần với bão Yagi, cần viết một cuốn sách để rút ra những bài học cho tương lai.
Vừa viết post vừa… run
Là chuyên gia hàng đầu về dự báo thời tiết độc lập, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, thường được cộng đồng biết đến với tên gọi Huy Nguyễn, là một trong những người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội Facebook, khoảng hơn 650 ngàn người. Nhờ uy tín được tạo dựng sau nhiều năm dự báo, phân tích thời tiết, khí hậu, các post của ông đều nhận được tương tác rất lớn từ cộng đồng.
Chính vì vậy, từ khi Yagi mới chỉ là một vùng áp thấp ngoài khơi Philippin, rất nhiều người đã dành sự quan tâm, theo dõi đặc biệt đối với “bản tin Huy Nguyễn”.
Ông kể: “Nửa đêm rạng sáng ngày 7/9, vào khoảng 2 giờ tôi bắt đầu cập nhật các dữ liệu, phân tích và so sánh các mô hình dự báo để viết bản tin cập nhật trên facebook, dự kiến sẽ đăng nhanh lúc 3h sáng. Nhưng rồi tôi ngồi đờ người ra, tay run và mất tới 45 phút viết được bản tin chỉ khoảng 100 chữ. Lúc đó tâm bão số 3 vẫn còn ở giữa vịnh Bắc Bộ và được dự báo gió mạnh từ sáng sớm ngày 7/9”.
Từ thời điểm đó, ông đã hình dung ra một kịch bản xấu, về một sự tàn phá hạ tầng với sức gió bão mạnh cuối CAT3 tiệm cận bão CAT4. Vì đã theo dõi hầu hết các cơn bão lớn từ CAT2 đến CAT5 ở tất cả mọi nơi trên thế giới, qua đó tìm hiểu các yếu tố tác động đến đường đi và sức mạnh của các siêu bão và cả mức độ thiệt hại, nên ông bắt đầu thấy sợ Yagi.
Trước đó, hầu hết các bão mạnh CAT4 và CAT5 đều phá hủy hạ tầng tan nát. Từ bến cảng, nhà máy, mái tôn, mái ngói, cửa kính nhà thấp tầng hay cao tầng đều bị bão đánh tơi tả. Hạ tầng mạnh như nước Mỹ cũng bị bão đánh cho toang hoang.
Do đó, khi Yagi vào Việt Nam, Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi tâm bão đi qua và cũng là nơi tâm bão ở lại lâu nhất. Với một cơn bão mạnh cấp cuồng phong mà tâm bão ở lại tới 5-6 tiếng mới rời đi thì khó tránh khỏi hạ tầng bị tàn phá.
Ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy thời điểm bão vào, khu vực Bãi Cháy – Hạ Long gió giật tới cấp 17 và việc các công trình tại đây bị hư hại, cao ốc vỡ kính, tàu thuyền bị lật là bình thường.
Sau bão, những hình ảnh về thiệt hại được công bố một cách từ từ bởi những người ở Quảng Ninh và Hải Phòng bị mất điện, mất sóng viễn thông không thể chia sẻ ngay. Những con số thống kê thiệt hại về người bước đầu được công bố.
“Nếu so sánh thiệt hại về người đối với các bão CaT4 và Cat5 ở các quốc gia khác thì chúng ta đã làm được một điều thần kỳ. Thương vong do bão gây ra ở mức thấp hơn nhiều so với sức mạnh của nó”, ông nói.
Chuyên gia Huy Nguyễn cũng nhận định, lệnh sơ tán triệt để là một trong những thành công trong việc bảo vệ con người ở vùng tâm bão. Và cũng may mắn, hạ tầng của Quảng Ninh và Hải Phòng đủ mạnh để chuẩn bị đón bão tốt nhất.
“Mái tôn bay thì lợp lại, cột điện gãy thì dựng lại, cây đổ thì trồng lại, kính bay thì lắp lại... nhưng người không còn thì không làm gì được nữa… Hôm nay tôi mới có thời gian xem lại con số thiệt hại về người và các hình ảnh ở một khu vực của Lào Cai. Cả con số và hình ảnh đều mô tả sự tàn khốc của đợt thiên tai này”, ông cho biết.
Có thể thắng lụt nhưng thua sạt lở
Khi livestream dự báo bão số 3, ông Huy Nguyễn đã luôn đề cập đến việc bão số 3 sẽ mang theo hoàn lưu của nó như một quả bom nước. Khi đó, ông cũng chỉ cảnh báo “sơ sơ” là nó sẽ gây mưa lớn khoảng 500mm trong vòng 48 giờ ở khu vực Hà Nội và miền núi, trung du phía Bắc.
Bản tin cuối về cơn bão của ông vào khoảng 23 giờ đêm ngày 7/9 khi bão sắp suy yếu thành vùng áp thấp. Khi đó đĩa mây khá mỏng, chủ yếu là gió khan nên ông nghĩ có khi nào mình đã dự báo quá lượng mưa hay không? Nhưng vì khá mệt nên ông đi ngủ và sáng hôm sau dậy thấy đĩa mây khá dày và mây đối lưu phát triển mạnh.
Thực tế là trong vòng 2 ngày 8 và 9/9, tổng lượng mưa ở vùng núi và trung du phía Bắc lên đến 350mm - 400mm, nhiều trạm đo ở hầu hết các tỉnh thành cao hơn 500mm đến 600mm. Đối với miền Trung lượng mưa như vậy trong 48 giờ là chưa lụt. Nhưng với địa hình đồi núi dốc phía Bắc thì đó sẽ là thảm hoạ.
Ông cho biết đã rất căng thẳng trong suốt 2 ngày theo dõi lượng mưa và mực nước sông hồ, và vì thế có thể hình dung ra áp lực của những người vận hành trực tiếp hệ thống liên hồ chứa. “Thật may mắn, ngay cả khi mực nước về hồ Thác Bà đầy nhưng mực nước tại Long Biên không vượt báo động 3 và đó “là một điều thần kỳ”, ông nói.
Hiện nay, lũ trên thượng nguồn đã giảm nhưng lũ về sông Hoàng Long và Thái Bình lại tăng. Theo chuyên gia này, việc đưa lũ về vùng chậm lũ Gia Viễn, Ninh Bình là quy trình vận hành trong kế hoạch. Người dân vùng chậm lũ biết về điều đó vì đây không phải là lần đầu tiên với họ. Toàn vùng chậm lũ đã quen với việc đó và ngay cả cách xây dựng nhà họ cũng tính đến yếu tố đó rồi nên không đáng lo.
Về sạt lở, các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc vốn dĩ có nền đất dốc và chủ yếu là đồi núi đã ngậm no nước từ các đợt mưa trước, giờ có mưa thêm nước cũng không thấm thêm được, mà thấm thêm chỉ làm đất nhão hơn, nặng hơn và dễ sạt trượt hơn.
Về “kỹ thuật”, những sạt lở nhỏ đầu tiên dù ở trên núi cao hay ở chân đồi đều kích hoạt để tạo ra những điểm sạt lở lớn hơn. Và chính những sạt lở đó tạo ra những cơn lũ quét kinh hoàng trên diện rộng.
Chuyên gia cho rằng việc con người “thua” sạt lở và lũ quét là vì phạm vi rủi ro của nó quá lớn. Nếu giả sử đánh giá được rủi ro và sơ tán dân thì cũng không thể sơ tán tất cả. Có những làng, những bản người dân đã sống yên bình nơi đó hàng trăm năm qua nhiều thế hệ không sao, nhưng lần này “thua” vì thiên tai quá cực đoan, vượt mọi sự chịu tải của hạ tầng.
“Mưa đã ngớt ở miền núi phía Bắc nhưng chưa tạnh hẳn. Những vết nứt trên sườn đồi chắc chắn còn nhiều. Sau lũ chắc chắn người dân, chính quyền và chuyên gia phải leo núi, leo đồi làm khảo sát các điểm nguy cơ có các vết rạn trên núi để đề phòng. Bởi vì, chỉ một trận mưa lớn cục bộ có thể làm sập một góc quả đồi. Và, chúng ta cần một cuốn sách để tất cả mọi người, để con cháu chúng ta biết về cơn bão Yagi với hậu quả rất lớn này”, ông viết.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.