Dân Trung Quốc hưởng lợi kép từ các trang trại nuôi trồng kết hợp điện mặt trời
Mai Lý -
14/07/2023 14:22 (GMT+7)
(VNF) - Nhà máy kết hợp giữa quang điện và muối lớn nhất thế giới đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 7 này. Đây là mô hình có một không hai của Trung Quốc, giúp cải thiện nguồn cung điện trong tương lai.
China Huadian Corporation – một trong năm tập đoàn sản xuất điện lớn nhất thuộc sở hữu của nhà nước, cho biết nhà máy điện Huadian Tianjin Haijing đã chính thức hòa vào mạng lưới điện của thành phố Thiên Tân.
Huadian Tianjin Haijing là nhà máy điện đặc biệt, kết hợp giữa điện quang và sản xuất muối. Nhà máy điệnHuadian Tianjin Haijing có diện tích khoảng 1.333ha, tương đương với 1.800 sân bóng.
Bên trên cánh đồng muối là những tấm pin mặt trời hai mặt. Mặt trên của tấm pin sẽ hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khi mặt dưới hấp thụ ánh sáng được phản chiếu bởi mặt nước. Nhờ cả hai mặt đều có thể tạo được điện năng nên hiệu suất sản xuất điện tăng thêm 5 – 7%. Để tránh ảnh hưởng đến sản xuất muối, các tấm pin mặt trời được đặt cách nhau 14m với độ dốc 17 độ.
Theo China Huadian Corporation, nhà máy quang điện – muối này có công suất lắp đặt là 1 gigawatt, tạo sản lượng điện 1,5 tỷ kWh điện/năm, đủ để đáp ứng nhu cầu điện của 1,5 triệu hộ gia đình. Bên cạnh đó, quang điện được tạo ra từ trạm sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon mà không gây ảnh hưởng đến môi trường của các cánh đồng muối.
Mô hình kết hợp giữa quang điện với các ngành sản xuất khác như làm muối hay nuôi cá, tôm không còn mới lạ tại Trung Quốc. Tại thị trấn Tân Hải, Thiên Tân, Trung Quốc, nhiều hộ dân đã xây dựng các trang trại nuôi tôm, cá kết hợp với sản xuất quang điện để tận dụng tối đa diện tích bề mặt nước và thu được những thành công nhất định.
Trước đây, nơi này chỉ đơn thuần là một vựa muối và khu vực nuôi trồng thủy sản truyền thống. Thế nhưng, giờ đây, những tấm pin mặt trời được lắp đặt ngay ngắn trên các trang trại nuôi tôm ở Thiên Tân. Một trang trại nuôi tôm lớn ở Thiên Tân được lắp đặt 860.000 tấm pin mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 300 megawatt cùng sản lượng điện hàng năm đạt 420 triệu kWh. Quang điện tại trang trại nuôi tôm này đã giúp tiết kiệm 124.000 tấn than và giảm tới 31,8 tấn carbon dioxide.
Ngoài lợi ích về quang điện, tôm được nuôi tại trang trại này cũng cho sản lượng cao hơn và chất lượng tốt hơn. Vào tháng 5 hằng năm, người nuôi tôm sẽ thả tôm giống. Sau hai tháng sinh trưởng, những con tôm Yantian sẽ được đưa đến các khu chợ, siêu thị.
Được biết, loại tôm này trưởng thành chậm hơn các loại tôm nuôi theo phương pháp thông thường từ 3 – 5 ngày. Ngoài ra, chúng còn được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng thịt chắc và ngọt hơn so với loại tôm nuôi thông thường.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt cố định với góc nghiêng 25 độ để đạt hiệu quả phát điện và che nắng tốt nhất. Nhờ các tấm pin mặt trời này, nhiệt độ nước giảm từ 1 – 2 độ giúp tôm sinh trưởng tốt hơn.
Không chỉ nuôi trồng thủy sản nước mặn, mô hình “một tài nguyên, hai ngành” cũng được nhiều hộ dân tại Trung Quốc áp dụng vào nuôi tôm nước ngọt. Trong những năm gần đây, chính quyền Quý Cảng đã tích cực thúc đẩy việc xây dựng các trạm quang điện kết hợp với nông nghiệp.
Nhận thấy các tấm pin mặt trời không chỉ giúp tạo ra điện năng mà còn có lợi cho việc chắn sáng, nhiều trang trại nuôi tôm hùm nước ngọt – loại ưa bóng râm, sợ ánh sáng đã xuất hiện. Một cơ sở kết hợp nuôi tôm hùm nước ngọt và quang điện đã thu được 25.000 kg tôm thương phẩm mỗi năm trong giai đoạn đầu. Mỗi kg tôm thương phẩm này có giá từ 160 – 200 NDT.
Ngoài tôm hùm nước ngọt, chính quyền Quý Cảng còn sử dụng mô hình quang điện với trồng trọt để phát triển nông nghiệp địa phương. Hiện nơi đây có tới 500 mẫu trồng khoai sọ, 300 mẫu trồng hoa, 480 mẫu trồng chanh thơm, 400 mẫu trồng cam, giúp tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động mỗi năm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone