Cổ phiếu tháng 8: SGR liên tiếp lập đỉnh mới, định giá 'cỗ máy in tiền' của Masan vượt 7.000 tỷ
(VNF) - SGR của Saigonres và VCF của Vinacafé Biên Hòa là hai mã cổ phiếu gây ấn tượng mạnh với đà tăng trưởng bứt phá trong tháng 8.
Kết thúc tháng 8, thị trường chứng khoán ghi nhận đà bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, tính từ mốc 1.184 tại ngày 5/8 lên 1.290 điểm vào ngày 26/8, chỉ số VN-Index tăng hơn 100 điểm.
Trước diễn biến tích cực của thị trường, nhiều cổ phiếu cũng hồi phục mạnh sau nhịp điều chỉnh mạnh từ tháng 7, thậm chí tiếp tục vượt đỉnh với ngưỡng thanh khoản lớn.
SGR vượt đỉnh lịch sử, giữ top đầu sàn HoSE
Với đà tăng hơn 56%, SGR là cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 8 vừa qua. Đáng chú ý, cổ phiếu này ghi nhận đà tăng trần nhiều phiên liên tiếp kèm thanh khoản lớn.
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu SGR đóng cửa tại mức 42.000 đồng/cp, qua đó vượt đỉnh lịch sử năm 2022. Đà tăng mạnh của cổ phiếu SGR đã đưa vốn hóa của Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) vượt 2.500 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, Saigonres bất ngờ lỗ 23,39 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 sau soát xét, tương ứng giảm 25,78 tỷ đồng so với số lãi 2,39 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Xếp ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu L10 của Công ty CP Lilama với đà tăng gần 30%. Nhịp tăng của cổ phiếu L10 trong tháng qua đã đưa vốn hóa của Lilama vượt 222 tỷ đồng. Mặc dù tăng mạnh nhưng L10 gần như ghi nhận giao dịch. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn cổ phiếu lưu hành nằm trong tay ban lãnh đạo cũng như cổ đông lớn.
Hiện tại, 3 cổ đông lớn nhất của Công ty CP Lilama bao gồm Chủ tịch Đặng Văn Long, Tổng công ty lắp máy Việt Nam và ông Trịnh Ngọc Tuấn Hùng - Thành viên HĐQT.
Sau L10, cổ phiếu BTT xếp ở vị trí thứ 3 với đà tăng 25% trong tháng qua. Tương tự như L10, cổ phiếu BTT gần như không được giao dịch trên sàn chứng khoán do phần lớn cổ phiếu đều rơi vào tay nhà đầu tư tổ chức. Chốt tháng 8, vốn hóa của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Bến Thành đã tăng lên 573 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ 4 là cổ phiếu VCF của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa với đà tăng gần 23%. Đà tăng của cổ phiếu VCF trong tháng 8 được hỗ trợ bởi “game cổ tức” với tỷ lệ tiền mặt khủng, lên tới 250%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 25.000 đồng.
Ước tính, Vinacafé Biên Hoà sẽ phải dành khoảng 665 tỷ đồng cho việc chi trả cổ tức.
Với mức chi trả trên, Công ty TNHH MTV Masan Beverage, cổ đông lớn duy nhất nắm giữ gần 26,3 triệu cổ phiếu VCF (tương ứng tỷ lệ 98,79% vốn điều lệ) sẽ nhận về hơn 642 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch 30/8, cổ phiếu VCF đóng cửa ở ngưỡng 267.000 đồng/cp, qua đó đưa vốn hóa của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa vượt 7.000 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ 5 là cổ phiếu FTS của Công ty CP Chứng khoán FPT với đà tăng 17,63%. So với vùng đáy gần nhất, cổ phiếu FTS đã tăng khoảng 30%. Nhịp tăng của cổ phiếu FTS đã đưa vốn hóa của Chứng khoán FPT vượt 13,3 nghìn tỷ đồng.
Các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng bao gồm: NAF (+16,48%), DLG (+16,05%), TDP (+15,89%), BSI (+15,24%), SBG (+15,22%).
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HOSE bao gồm: TMT (-30,63%), APH (-22,71%), DXV (-20%), TLH ( -19,62%), AGM (-18,39%), HII (-18,14%), SMC (-18,11%), NHH (-18,02%), HBC (-17,52%), KPF (-16,99%).
CTP gây bất ngờ trên HNX với đà tăng bằng lần
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất lần lượt là: CTP (+192,41%), KSD (+75%), KSV (+60,73%), VCM (+48,15%), DL1 (+44,9%), VC6 (+42%), BTW (+38,12%), DNC (+33,55%), HGM (+30,28%), PPE (+27,27%).
Trong nhóm trên, cổ phiếu CTP để lại dấu ấn mạnh nhất với đà tăng 192% trong tháng vừa qua. Đáng nói, cổ phiếu này liên tục tăng kịch trần trong nhiều phiên liên tiếp. Nhịp tăng bằng lần trong tháng vừa qua đã đưa vốn hóa của Công ty CP Minh khang Capital Trading Public vượt 279,5 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn bao gồm: HMR (-57,02%), MCO (-52,66%), TXM (-41,10%), VNT (-33,82%), CMS (-31,43%), PTD (-27,27%), KSQ (-27,03%), DST (-23,08%), VFS (-19,37%), KTT (-19,23%).
Một cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của Petrolimex dẫn sóng sàn UpCOM
Trên sàn UpCOM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất lần lượt là: PTX (+223,64%), BBM (+105,26%), CID (+76,83%), MA1 (+74,15%), TRT (70,21%), CHC (+70%), VHH (+65,71%), RCD (+58,82%), PTT (+56,18%), CCT (+54,55%).
Với đà tăng hơn 3 lần, cổ phiếu PTX của Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã tăng trần nhiều phiên không thanh khoản liên tiếp.
PTX được đánh giá là cổ phiếu khá cô đặc khi công ty mẹ là Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex (PTC) nắm 51% vốn điều lệ, tương đương 3,28 triệu cổ phần. Đây cũng là bên hưởng lợi lớn nhất trước đà tăng phi ma của cổ phiếu PTX. Không chỉ giá trị tài sản tăng, trước đó, PTC đã nhận 4,92 tỷ đồng tiền cổ tức từ Petrolimex Nghệ Tĩnh.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn lần lượt là: DFF (-60,61%), E29 (-46,56%), TRS (-40%), DXL (-39,41%), HFX (-37,29%), VDN (-36,72%), NXT (-36,71%), TTG (-36,36%), DDM (-34,62%), SJM (-34,07%).
Cổ phiếu bất động sản 'đồng khởi': Chuẩn bị đón sóng mới đổ về
- Cổ phiếu đắt nhất sàn HoSE tăng trần sau tin chia cổ tức, ai hưởng lợi nhất? 26/08/2024 04:45
- 'Cổ phiếu dệt may, hóa chất, dầu khí sẽ dẫn dắt TTCK' 29/08/2024 09:15
- Chuyện gì xảy ra tại 3 DN lớn có cổ phiếu bị HoSE cắt margin? 01/09/2024 08:00
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.