Dầu Nga chuyển hướng sang châu Á, tăng cao kỷ lục trong tháng 4

Thanh Tú - 27/05/2022 20:51 (GMT+7)

(VNF) - Châu Á lần đầu tiên vượt châu Âu trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga trong tháng 4, hãng tin Bloomberg trích dẫn số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Anh) cho hay.

VNF
Dầu Nga chuyển hướng sang châu Á, tăng cao kỷ lục trong tháng 4.

Theo nhà phân tích Jane Xie của Kpler, tổng cộng dầu từ Nga xuất khẩu tới hai khách hàng lớn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, phần lớn là do lượng mua từ Ấn Độ tăng lên.

"Mặc dù lượng giao hàng trong tháng này (tháng 5) có thể sẽ thấp hơn một chút, nhưng chúng cũng chỉ thua kỷ lục của tháng trước", bà Jane Xi echo biết thêm.

Theo các nhà phân tích của Kpler, tính đến ngày 26/5, khoảng 57 triệu thùng dầu Urals và 7,3 triệu thùng dầu vùng Viễn Đông của ESPO được bán ra, cao hơn nhiều so với con số 19 triệu thùng dầu Urals và 5,7 triệu thùng dầu ESPO bán ra vào cuối tháng 2.

Cũng theo Bloomberg, một lượng dầu kỷ lục của Nga đang nằm trên các tàu chở dầu hiện đang lênh đênh trên biển, hầu hết trong số đó là chuyển tới Ấn Độ và Trung Quốc khi các nước châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu Nga do xung đột tại Ukraine.

Theo các chuyên gia, giá dầu được chiết khấu cao là yếu tố chính hấp dẫn các nhà nhập khẩu châu Á.

Tuy vậy, khi vận chuyển dầu tới châu Á, các tàu chở dầu phải thực hiện các chuyến đi dài hơn từ các cảng phía tây của Nga đến châu Á thay vì châu Âu. Đơn củ, chuyến đi một chiều đến Trung Quốc thường mất khoảng hai tháng.

Cho tới nay, các nước EU đã liên tiếp đưa ra 5 gói trừng phạt nhằm vào Nga vì tình hình Ukraine. Trong gói thứ 6 sắp tới, EU đang xem xét khả năng cấm vận dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên cho tới nay khối 27 thành viên này vẫn chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu Nga, chủ yếu vì sự phản đối của Hungary.

Mới đây, khi được hỏi về lý do tại sao EU vẫn chưa áp lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye cho biết EU vẫn duy trì mua dầu của Nga nhằm ngăn Nga bán dầu thô cho những khách hàng khác với giá cao hơn, sau đó đầu tư khoản lợi nhuận này vào quỹ chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh EU cần cân bằng giữa việc khiến Nga tổn thương bằng các biện pháp trừng phạt và không làm tổn thương các thành viên của khối trong quá trình này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách Nga vào năm 2021. Trong đó, EU nhập khẩu từ 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, tương đương khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày cho Nga.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk liên tục bị kiện vì thương vụ mua Twitter

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác