Đầu tư bất động sản ảo trên metaverse: 'Được ăn cả, ngã về không'

Minh Ý - 28/09/2022 19:35 (GMT+7)

(VNF) - Trong vài năm qua, bất động sản ảo đã nổi lên như một xu hướng đầu tư mới nhiều tiềm năng. Nhưng chỉ sau khi metaverse (vũ trụ ảo) phát triển, bất động sản ảo mới thực sự trở nên bùng nổ, khi ngày càng nhiều quốc gia và các cá nhân thuộc giới siêu giàu đổ tiền vào những mảnh đất ảo, khiến giá loại hình này tăng chóng mặt.

VNF
Trong vài năm qua, bất động sản ảo đã nổi lên như một xu hướng đầu tư mới nhiều tiềm năng.

Về cơ bản, metaverse đại diện cho một tập hợp các thế giới ảo (bao gồm AR, VR và không gian hai chiều), nơi con người có thể tương tác với nhau ở định dạng kỹ thuật số.

Đây được coi là một sự phát triển vượt bậc của Internet và là một trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất trong giới kinh doanh hiện nay. Bởi lẽ, dù nghe khá mông lung, nhưng metaverse đang tạo ra một cơn sốt trong thị trường kỹ thuật số bằng những bất động sản ảo.

Bất động sản ảo là một dạng tài sản của môi trường kỹ thuật số (trò chơi hoặc không gian ảo), được thiết kế dựa trên những bất động sản trong thế giới thực.

Đó là các lô đất, tòa nhà mà người dùng có thể có thể cải tạo, bao gồm giao dịch mua bán đất, cho thuê tài sản, xây dựng một công trình riêng như trung tâm mua sắm hay cửa hàng để tự điều hành hay tập hợp nhiều nhà đầu tư để tạo thành một xã hội thu nhỏ, nhằm tạo ra những tài sản có giá trị hơn.

“Sốt” bất động sản ảo

Nhà sáng lập Facebook Mark Zukerberg chính là người khiến metaverse trở nên phổ biến hơn bao giờ hết vào cuối năm 2021, kéo theo sự hứng thú của giới đầu tư vào mảnh đất mới mẻ và đầy tiềm năng này.

Đặc biệt, khi các vũ trụ ảo hiện còn chưa có sự kết nối đầy đủ, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong chờ những mảnh đất mình mua được ở thời điểm hiện tại có thể trở thành một Paris, New York hay Manhattan trong tương lai.

Hạng mục bất động sản ảo là phân khúc thu lợi nhiều nhất kể từ khi xuất hiện làn sóng cách mạng kỹ thuật số và đã thu hút được hàng triệu USD đầu tư từ các công ty có uy tín.

Theo công ty tư vấn MetaMetrics Solutions, tổng vốn hóa thị trường bất động sản ảo đã vượt mốc 500 triệu USD vào năm 2021. 10 nền tảng metaverse hàng đầu đã bán bất động sản ảo trị giá 1,9 tỷ USD và những nền tảng này dự kiến sẽ tiếp tục đạt được doanh thu lên tới 5,4 tỷ USD vào năm 2026.

Với những con số hấp dẫn này, không có gì ngạc nhiên khi mọi đối tượng từ các công ty lớn đến các nhà đầu tư mạo hiểm đang tạo tiền đề cho bất động sản ảo trên tất cả các nền tảng metaverse hàng đầu. Công ty Meta (tiền thân là Facebook) của tỷ phú Mark Zuckerberg đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào thế giới metaverse của riêng mình, dưới cái tên “Horizon Home”.

Nhắc tới những thương vụ kỷ lục trên thị trường bất động sản ảo phải kể đến Republic Realm, công ty đã đầu tư 4,3 triệu USD để nắm quyền sở hữu một lô đất kỹ thuật số trên nền tảng The Sandbox - game vũ trụ ảo giúp mọi người có thể giao lưu và tham gia các buổi hòa nhạc.

Cuối năm 2021, công ty Tokens.com tại Canada cũng đã bỏ ra tới 2,4 triệu USD để có thể giành quyền sở hữu một lô đất đắc địa trên con phố Fashion Street thuộc nền tảng Decentraland - một trong những dự án metaverse lâu đời nhất trong không gian của thị trường tiền mã hóa được thành lập năm 2017.

Một số doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ việc cho thuê tài sản trong metaverse. Ví dụ, Tập đoàn Metaverse của Lorne Sugarman thuê đất ảo và có một nhóm các nhà phát triển có nhiệm vụ xây dựng dựa trên tầm nhìn của người thuê.

Samsung cũng xây dựng một phiên bản ảo của cửa hàng hàng đầu ở New York, nơi khách được phép thử sản phẩm. Hãng giày Adidas cũng sở hữu tài sản trong The Sandbox, nơi hãng bán thiết bị thể thao kỹ thuật số dưới dạng NFT.

Trên thế giới ảo The Sandbox, một lô đất ảo với ID tài sản LAND #33316 được bán vào ngày 12/8/2021 với giá 13.140,81 USD, dù trước đó chỉ có giá 38,7 USD vào ngày 31/3/2020.

Tương tự, ở đầu game Decentraland, một lô đất ban đầu được bán với giá 452,98 USD vào ngày 25/12/2017, sau 4 năm đã tăng lên mức 26.246,25 USD. Trong tựa game Axie Infinity, một mảnh đất Genesis trong thế giới Lunacia đã được bán đi với mức giá đạt tới 550 ETH (tương đương khoảng 2,3 triệu USD).

Hệ sinh thái bất động sản trong metaverse hoạt động tương tự như trên thực tế. Có nghĩa, cả hai hệ sinh thái đều có các bên liên quan tương tự như chủ sở hữu đất, nhà phát triển, người mua và người bán mặc dù một đặc điểm khác biệt nổi bật của bất động sản ảo là không có cơ quan quản lý quản lý bất động sản ảo.

Ngoài ra, vị trí của tài sản được coi là rất quan trọng đối với giá trị của một mảnh đất ảo, giống như trong thế giới thực. Đối với những lô đất có vị trí đắc địa, giá có thể đạt kỷ lục lên đến 758.250 USD.

Sớm nở, chóng tàn?

Giá bất động sản ảo đạt đỉnh vào khoảng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhưng sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử và việc đẩy mạnh metaverse chậm hơn dự kiến đã khiến giá trị chung thị trường giảm 85% kể từ tháng 1. Đồng thời, khối lượng giao dịch giảm hơn 90% so với mức cao nhất của tháng 11/2021.

Giá trung bình của các khu đất được bán trên Decentraland đạt đỉnh là 37.238 USD vào tháng 2 năm nay. Nhưng kể từ ngày 1/8, giá của chúng đã giảm xuống mức trung bình là 5.163 USD. Tương tự, giá bán trung bình trên The Sandbox đã giảm từ khoảng 35.500 USD vào tháng 1 xuống còn khoảng 2.800 USD vào tháng 8.

Bản đồ các khu tài sản kỹ thuật số của The Sandbox hiển thị hàng chục tài sản đang được rao bán. Số lượng bán đất kém càng cho thấy sự quan tâm của người dùng đối với các dự án metaverse đang giảm dần.

Tính trung bình hàng tuần, khối lượng, đại diện cho số lượng đất đai (tính theo tiền tệ) được giao dịch, đã giảm từ mức đỉnh 1 tỷ USD vào tháng 11/2021 xuống còn khoảng 157 triệu USD vào tháng 8/2022.

Tính pháp lý với các bất động sản trên metaverse cũng là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Theo Fortune, việc mua một khu đất ở vị trí đắc địa trên metaverse là hoàn toàn vô ích, do các tài sản kỹ thuật số trên thế giới này có tính năng dịch chuyển nhanh tới bất kỳ vị trí nào. Đất đai trong metaverse cũng không giới hạn, xóa tan quan niệm rằng chúng là một nguồn tài nguyên hạn chế.

Tất nhiên, việc trượt giá bất động sản bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường và không thể mong chờ thị trường này phát triển vượt bậc trong bối cảnh tiền số “đỏ lửa” và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo từ đầu năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia bắt đầu cho rằng “bong bóng” bất động sản ảo đã vỡ trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng và các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất ngày càng cao hơn.

Nhìn chung, theo giới đầu tư mạo hiểm, việc đặt cược vào bất động sản ảo không hoàn toàn là hành động “ném tiền qua cửa sổ” như nhiều người vẫn nghĩ. Metaverse, xét một cách thực tế, vẫn là một thế giới với nhiều tiềm năng còn chưa được khai phá và chắc chắn sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho con người trong tương lai.

Tuy nhiên, xét về thời điểm, trong bối cảnh thị trường đang tồn tại nhiều bất ổn với nhiều nền kinh tế đang lo ngại suy thoái và thị trường công nghệ cũng như tiền số không mấy khởi sắc, chưa kể tới những quy định cho bất động sản ảo còn chưa được xem xét rõ ràng, nhà đầu tư chắc chắn không thể trông chờ những mảnh đất của mình sẽ sớm sinh lời. Không chỉ vậy, việc đầu tư thiếu suy xét hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng “được ăn cả, ngã về không”.

Cùng chuyên mục
Tin khác