Đầu tư đường sắt đô thị rất chậm: UB Kinh tế yêu cầu Chính phủ chốt thời gian đưa vào sử dụng

Anh Hùng - 23/10/2023 16:02 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, bên cạnh đoạn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, Chính phủ cần báo cáo thời gian dự kiến đưa vào sử dụng các tuyến còn lại.

VNF
Quá trình triển khai mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm.

Quá trình triển khai mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm

Trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn.

Trong đó, kết nối hạ tầng đô thị tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM còn nhiều bất cập, dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng, thiếu nước cục bộ và các gánh nặng hạ tầng xã hội khác.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, khó hoàn thành kế hoạch. Quá trình triển khai, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm. Ủy ban Kinh tế đề nghị, bên cạnh đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, tiến độ triển khai, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng các tuyến còn lại cũng cần được báo cáo.

Các tuyến đường sắt đô thị gồm: tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dài 12,5km; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km; tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, dài 8,5km; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc dài 38,4km; tuyến Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài 19,7km; tuyến Bến Thành - Tham Lương, chiều dài 11,2km.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 01/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.

Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vay vốn. Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, các-bon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu; trong khi yêu cầu từ các thị trường truyền thống ngày càng được nâng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" còn phức tạp

Về đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Nguyễn Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ việc cơ cấu lại đầu tư công. Theo Ủy ban Kinh tế, Việc cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025. 

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng "sở hữu chéo", tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" còn phức tạp. Quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng "mua bắt buộc" gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.

Đối với cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Ủy ban Kinh tế cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra, khó hoàn thành được mục tiêu theo Nghị quyết. 

Cụ thể, theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN, dự kiến nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo số thu năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, số thu năm 2022 là 3.848 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm 2023 dự kiến số thu được chỉ là 3.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình, dự án quan trọng quốc gia để tạo động lực cho phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế.

Cùng chuyên mục
Tin khác