Đầu tư lịch sử 40 tỷ USD vào Mỹ, TSMC muốn sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới
Quỳnh Anh -
07/12/2022 09:52 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có kế hoạch xây dựng nhà máy bán dẫn thứ 2 ở Arizona (Mỹ) và tăng khoản đầu tư vào đó lên 40 tỷ USD, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Trước thềm chuyến thăm địa điểm xây dựng nhà máy của TSMC tại Arizona ngày 6/12 của Tổng thống Joe Biden, Nhà Trắng đã công bố thông tin chi tiết về kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan.
Theo đó, việc công bố chính thức sẽ được Tổng thống Joe Biden và người sáng lập TSMC cùng thông báo trong buổi thăm ngày 6/12 (giờ địa phương). Nhà máy chip thứ 2 sẽ được xây dựng ngay trong năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào năm 2026.
Nhà máy thứ 2 tại Arizona của TSMC đã nâng mức đầu tư của công ty Đài Loan vào bang này từ 12 tỷ USD lên 40 tỷ USD, một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Mỹ và lớn nhất ở bang Arizona.
Theo Wall Street Journal, nhà máy thứ 2 của TSMC sẽ sản xuất chip với công nghệ 3 nanomet (nm), tương đương với chip nhỏ nhất và nhanh nhất hiện nay. Loại chip này mới được công ty đưa vào sản xuất tại Đài Loan, và được giới thiệu là “dẫn đầu ít nhất 2 thế hệ” trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Nhà Trắng cũng cho biết nhà máy TSMC đầu tiên ở Phoenix, Arizona, ban đầu được cho là sản xuất chip 5nm, cũng sẽ sản xuất chip 4nm, và dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2024.
TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh các kế hoạch sản xuất tại Mỹ với sự khuyến khích từ chính quyền ông Biden. Việc TSMC đặt cược vào việc sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ diễn ra sau khi Washington đồng ý cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn các ưu đãi sinh lợi theo luật được thông qua trong năm nay.
Chip bán dẫn được sử dụng trong mọi thứ, từ máy tính và điện thoại thông minh đến ô tô, lò vi sóng và các thiết bị chăm sóc sức khỏe. Đại dịch Covid-19 đã làm sáng tỏ sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà sản xuất Trung Quốc khi việc đóng cửa dẫn đến tình trạng thiếu chip công nghệ cao trên toàn cầu.
Do đó, tháng 8 năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật CHIPS và Đạo luật khoa học, phân bổ hàng tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất sản xuất chip được sử dụng rộng rãi trong nước.
Theo Ronnie Chatterji, quyền phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia về Chính sách Công nghiệp, người giám sát việc triển khai CHIPS, một khi các nhà máy của TSMC mở cửa, họ sẽ sản xuất đủ chip để đáp ứng nhu cầu hàng năm của Mỹ, 600.000 tấm wafer mỗi năm.
Trong buổi thăm nhà máy tại Phoenix của TSMC, ngoài Tổng thống Joe Biden còn có các giám đốc điều hành từ 2 khách hàng lớn của công ty bán dẫn Đài Loan là CEO Tim Cook của Apple và CEO Jensen Huang từ công ty chip đồ hoạ Nvidia Corp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone