Đầu tư năm 2022: Ưu tiên cổ phiếu chống lạm phát, hưởng lợi từ đầu tư công và hồi phục sau dịch

Thanh Long - 26/02/2022 19:15 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia của FiinGroup khuyến nghị 3 nhóm cổ phiếu nên đầu tư trong năm 2022: nhóm cổ phiếu tránh được rủi ro lạm phát, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục sau đại dịch.

VNF
Đầu tư năm 2022: Nên ưu tiên cổ phiếu chống lạm phát, hưởng lợi từ đầu tư công và hồi phục sau dịch (Ảnh: Đoàn Tùng)

Chia sẻ tại sự kiện FiinGroup Invest Summit: Triển vọng đầu tư năm 2022, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính thuộc FiinGroup, cho hay có 3 yếu tố quan trọng sẽ tác động đến thị trường chứng khoán trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Yếu tố thứ nhất là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường. Yếu tố thứ hai là mức nền định giá của thị trường cao hay thấp so với lịch sử. Yếu tố thứ ba mang tính vĩ mô như lãi suất hay các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cung - cầu thị trường.

"Trong năm 2022, tôi đặc biệt chú trọng đến các yếu tố liên quan đến triển vọng lợi nhuận và định giá của toàn thị trường", bà Vân nhấn mạnh.

Theo bà Vân, trong bức tranh lợi nhuận năm 2021, có 2 điểm nổi bật. Thứ nhất là lợi nhuận toàn thị trường tăng mạnh, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực trong 2 quý đầu năm. Thứ hai là tăng trưởng chỉ tập trung ở một số nhóm ngành nhất định, ví dụ như ngân hàng, chứng khoán, các nhóm hưởng lợi từ đại dịch như logistics, nhất là vận tải thủy, hay các nhóm hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa như thép, phân bón, hóa chất. Những nhóm ngành này đóng góp tới 80% tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường nhưng chỉ chiếm 50% tổng giá trị vốn hóa.

"Tiếp nối đến bức tranh triển vọng lợi nhuận năm 2022, tôi có một số lưu ý sau. Thứ nhất, tăng trưởng của khối Tài chính, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, sẽ tích cực hơn so với tăng trưởng của khối Phi tài chính. Đây là điểm khá khác biệt so với năm 2021. Điểm cần lưu ý thứ hai là nhiều nhóm ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 chưa chắc đạt được mức tăng trưởng tốt như vậy, thậm chí suy giảm trong năm 2022, ví dụ như ngành thép, cao su. Điểm thứ ba cần lưu ý là những nhóm ngành suy giảm vì Covid trong những năm qua sẽ có cơ hội hồi phục mạnh từ năm 2022 khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại", chuyên gia của FiinGroup nói.

Tựu trung, bà Vân nhận thấy triển vọng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết khá tích cực và đây sẽ là động lực cơ bản hỗ trợ thị trường trong năm nay.

Về chiến lược đầu tư năm 2022, chuyên gia của FiinGroup đưa ra 3 chủ đề đầu tư đáng chú ý.

Chủ đề thứ nhất là những nhóm ngành giúp tránh được rủi ro lạm phát. Theo bà Vân, nhiều bên dự báo lạm phát năm 2022 sẽ nhích lên do độ trễ về hấp thụ giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Với chủ đề đầu tư này, FiinGroup khuyến nghị 2 nhóm ngành có tính chất phòng thủ là điện và dược phẩm. Đây cũng là 2 nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực nhờ nhu cầu hồi phục sau đại dịch.

Riêng với ngành dược phẩm, một số doanh nghiệp dược đang có nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây là yếu tố hỗ trợ hết sức tích cực cho nhóm ngành này, giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài sang cả năm 2023.

Chủ đề đầu tư thứ hai là những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, trong đó 3 nhóm ngành được FiinGroup khuyến nghị là ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.

"Đối với ngân hàng, tôi kỳ vọng nhóm ngành này sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng tích cực do nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ. Thứ hai, tôi tin rằng tỷ lệ NIM có thể tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do một số ngân hàng không còn phải hỗ trợ lãi suất như trong năm 2021. Thứ ba, thu nhập từ phí của các ngân hàng sẽ phục hồi khi kinh tế phục hồi. Cuối cùng, một số ngân hàng trong năm vừa qua đã trích lập dự phòng trước thời hạn với các khoản nợ tái cơ cấu nên năm nay không còn phải trích lập và có cơ hội hoàn nhập dự phòng trở lại", bà Đỗ Hồng Vân lý giải.

Còn đối với nhóm vật liệu xây dựng, giãn cách xã hội là yếu tố khiến tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành này suy giảm trong năm 2021 nhưng khi yếu tố bất lợi này qua đi, tăng trưởng của nhóm ngành này sẽ đạt mức cao trong năm 2022.

Chủ đề đầu tư thứ ba là những nhóm ngành hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi sau đại dịch, trong đó, FiinGroup đặc biệt chú ý đến ngành bán lẻ, ngành hàng cá nhân và ngành thủy sản.

Với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng năm 2022 khá phân hóa. "Tôi tin là cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 thấp hơn so với trung bình ngành", bà Vân nêu quan điểm.

Đối với ngành hàng cá nhân, câu chuyện tăng trưởng sẽ xuất phát từ việc năm 2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm.

Còn đối với ngành thủy sản, dù năm 2021 ghi nhận tăng trưởng khá tích cực tuy nhiên so với giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện nay vẫn chưa thực sự hồi phục. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm lớn trong năm 2021 có thể không còn trong năm 2022, giúp các doanh nghiệp thủy sản có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận, từ đó giúp tăng lợi nhuận.

Liên quan đến định giá toàn thị trường, P/E của VN-Index hiện ở mức khoảng 17,2 lần, đây là mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay.

"Nhìn thì rất hấp dẫn, tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh đến 2 điểm. Thứ nhất là định giá chung của VN-Index chịu ảnh hưởng lớn bởi khối Ngân hàng, chiếm 1/3 tổng giá trị lợi nhuận cũng như vốn hóa của toàn thị trường nhưng khi định giá cổ phiếu ngân hàng, chúng ta thường nhìn vào chỉ số P/B hơn là nhìn vào chỉ số P/E. Điểm thứ hai là để thấy rõ bức tranh thị trường, chúng ta nên định giá khối Ngân hàng và khối Phi tài chính riêng biệt. Đối với khối Phi tài chính, chỉ số P/E ở vùng khá cao so với lịch sử. Đối với khối Ngân hàng, chỉ số P/B hiện đã tiệm cận mức 2 lần độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm gần đây. Như vậy, chúng ta đã bắt đầu năm 2022 với nền định giá không còn thấp như những năm trước", bà Vân nói.

Vì vậy, theo chuyên gia FiinGroup, cần lưu ý đến 2 điểm khi xây dựng danh mục đầu tư trong năm 2022. Thứ nhất là trên nền định giá cao như vậy, để giá cổ phiếu có cơ hội tăng tiếp thì lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cần tăng tương ứng, thậm chí cao hơn tăng trưởng của P/E. Những cổ phiếu nào có tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 thấp hơn tăng trưởng P/E thì nằm trong vùng khá rủi ro.

"Điểm thứ hai chúng ta cần quan tâm là liệu mức tăng trưởng đó có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023 hay không để chúng ta tránh được câu chuyện giống như cổ phiếu ngân hàng hay cổ phiếu thép trong năm 2021 vừa qua, đó là giá cổ phiếu tăng rất tích cực trong nửa đầu năm nhưng đến khi thị trường dần nhận ra những yếu tố bất lợi liên quan đến triển vọng lợi nhuận thì giá cổ phiếu không còn duy trì được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm", bà Vân nêu góc nhìn.

Cùng chuyên mục
Tin khác