Đầu tư theo hình thức PPP: 22 năm, 336 dự án, 1,6 triệu tỷ đồng

Bình Yên - 17/09/2019 07:43 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, mô hình PPP bắt đầu được thực hiện từ năm 1997, đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (gồm 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

“Những dự án PPP trong thời gian đầu triển khai tuy còn có các hạn chế, nhưng đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...). Trong khi đó, các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Hơn nữa, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

“Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài, bền vững”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Về phạm vi áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, dự thảo được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc đã triển khai ổn theo các phương thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân; liên kết 4 nhà trong lĩnh vực nông nghiệp).

Về quy mô thực hiện dự án PPP, dự thảo Luật đang quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP - theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, người sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định: Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Dự thảo Luật cũng quy định, doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp và nguồn vốn này chỉ được phục vụ dự án PPP. Doanh nghiệp dự án cũng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần thiết phải ban hành dự án Luật để thực hiện, xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra với mục tiêu huy động được các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Việc xây dựng luật cần phải rất thận trọng và rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng đây là một luật không chỉ có tác động kinh tế sâu rộng, mà còn có tác động xã hội rất lớn, song vẫn còn hàng chục điều chưa được quy định rõ. 

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đưa ra dự án luật này là muốn lập ra cơ chế pháp lý đặc thù cho hình thức hợp tác công tư, song nhiều nội dung tại dự thảo luật này sẽ đụng chạm đến rất nhiều luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai....và rất nhiều luật khác nữa. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu đụng chạm quá nhiều gây xáo trộn hoặc ách tắc trong thực thi pháp luật thì sau phiên họp này cần tiếp tục đặt ra để nghiên cứu một cách thận trọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.