ĐBQH Đỗ Văn Sinh: ‘Chuyển cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công rất không thuyết phục’

Đức Thọ - 11/06/2020 18:47 (GMT+7)

(VNF) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thẳng thắn nhận định: ‘việc chuyển cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công rất không thuyết phục’.

VNF

Tại sao chuyển 2 dự án có giá trị thương mại cao nhất trong 8 dự án PPP?

Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh, việc triển khai nhanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết, cần phải có nguồn vốn rất lớn trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước cần phải huy động thêm nguồn vốn, năng lực quản trị của khối tư nhân.

Đồng thời, nhất quán quan điểm những dự án nào khó khăn, doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư thì nhà nước sẽ thực hiện đầu tư công, các dự án còn lại sẽ thực hiện đầu tư PPP. Căn cứ vào lưu lượng phương tiện vận tải và giá trị thương mại của dự án để lựa chọn phương thức đầu tư thích hợp.

Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án lưu lượng và giá trị thương mại thấp, khó thu hồi vốn nên Quốc hội đã quyết định đầu tư công. 8 dự án thành phần còn lại có lưu lượng vận tải giá trị thương mại cao hơn Quốc hội đã quyết định đầu tư PPP.

Theo báo cáo của Chính phủ, sở dĩ đề xuất chuyển sang đầu tư công là do 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển nhưng dự báo khó có nhà đầu tư nào có thể thực hiện được dự án vì họ không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng.

Nếu chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đề nghị 3 dự án sang đầu tư công, đó là: dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết do không có nhà đầu tư nào qua vòng sơ tuyển.

“Tuy nhiên, ở đây cần phải làm rõ việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án thành phần. Tổng vốn ngân sách nhà nước là 55.000 tỷ đã bố trí 50.812 tỷ còn dư 4.188 tỷ. Nếu Chính phủ phân bổ thêm 4.188 tỷ này cho dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì tỷ lệ vốn ngân sách khoảng 70%, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư trúng sơ tuyển, vì dự án liền kề là Cam Lâm - Vĩnh Hảo có lưu lượng thấp hơn 33%, tỷ lệ vốn ngân sách chỉ là 68% nhưng cũng có đến 4 nhà đầu tư trúng sơ tuyển”, ông Sinh phản biện.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cũng đặt câu hỏi: Tại sao dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 - Phan Thiết - Dầu Giây là 2 dự án có lưu lượng vận tải giá trị thương mại cao nhất trong 8 dự án thành phần lại xin sang đầu tư công. Trong khi thời gian thu hồi vốn của dự án Phan Thiết - Dầu Giây ngắn nhất khoảng 14,58 năm.

“Ngoài ra, qua tham vấn 19 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển của 7 dự án thành phần thì hầu hết đại diện các nhà đầu tư khẳng định đều có đủ năng lực tài chính, khả năng huy động vốn để thực hiện dự án, sẵn sàng đặt cọc để tham gia đấu thầu. Nhiều đại biểu cho rằng các dự án do khối tư nhân đầu tư thì thời gian triển khai sẽ nhanh hơn, chất lượng sẽ đảm bảo hơn so với đầu tư công”.

“Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật PPP, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, trong đó có những cơ chế đột phá như đảm bảo cân đối ngoại tệ, chia sẻ tăng giảm doanh thu sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư các dự án PPP. Do đó, việc xem xét chuyển 3 dự án sang đầu tư công ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật PPP, thực sự là một sự trăn trở, khó khăn đối với tôi và các đại biểu”, ông Sinh đặt vất đề.

Dự án cao tốc Bắc – Nam quá chậm

Đánh giá về tiến độ cao tốc Bắc – Nam, ông Đỗ Văn Sinh cho biết: Đến nay việc triển khai dự án đã quá chậm so với yêu cầu đặt ra, chúng ta cần gác lại những tồn tại trong quá khứ và cùng quyết tâm chính trị để triển khai ngay dự án này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công rất không thuyết phục.

Thứ nhất là bị mâu thuẫn và đi ngược lại với chủ trương, các tiêu chí là căn cứ để Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì 2 dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất cần phải ưu tiên đầu tư PPP.

Thứ hai, tổng số vốn ngân sách nhà nước bổ sung thêm cho dự án và phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền phân bổ của Quốc hội khóa XV là 23.461 tỷ đồng. Ba là các dự án thành phần này thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ.

Theo đó, phải thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, không thể triển khai tiến độ mà theo Chính phủ đã ký kết trong Báo cáo.

Ông Đỗ Văn Sinh chia sẻ: Để khắc phục vấn đề nêu trên, tôi đề nghị kết hợp 2 phương án do Chính phủ đề xuất là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Hai đoạn này cũng là 2/5 dự án thành phần mà Chính phủ đề xuất tại Tờ trình số 256 bởi những lý do sau đây: Thứ nhất, hai dự án này có lưu lượng vận tải thấp, giá trị thương mại thấp và mỗi dự án chỉ có 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Thứ hai, tổng số vốn ngân sách chỉ cần bổ sung thêm 12.707 tỷ, tức là giảm 10.755 tỷ đồng so với phương án của Chính phủ trình, đồng nghĩa với việc sẽ huy động được thêm 10.755 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư cho dự án.

Thứ ba, ngay sau khi nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thì có đủ điều kiện để triển khai ngay sẽ đẩy nhanh được tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2020.

Cần minh bạch thông tin tài chính dự án

Từ tình hình trên, để đảm bảo khách quan, minh bạch, khoa học, hiệu quả thể hiện quan điểm của các đại biểu Quốc hội với cách nhìn nhiều chiều.

Tôi đề nghị trước khi thông qua nghị quyết, Quốc hội lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội để lựa chọn một trong 2 phương án sau đây: Phương án thứ nhất là chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công cũng là 3 đoạn.

Phương án thứ hai cũng 3 đoạn là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây chuyển sang đầu tư công

Vấn đề thứ hai, tôi xin góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Dự thảo hiện nay sẽ rà soát lại một số những chỉ tiêu nhất định. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ sẽ báo cáo chi tiết hơn về một số kết quả để chúng ta có thể triển khai ghi vào nghị quyết.

Một, về kết quả đấu thầu của 3 dự án. Vậy thì số vốn còn dư ra là bao nhiêu? Thứ hai là tổng dự toán đến thời điểm này phê duyệt giảm so với phê duyệt trong báo cáo khả thi là bao nhiêu? Bởi vì theo số liệu chúng tôi nhận được thì riêng Cam Lâm - Vĩnh Hảo chúng tôi thấy rằng từ tổng mức đầu tư đến tổng dự toán sẽ giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác