Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin khoản vay của DN cho cơ quan thuế
(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và công ty liên kết của tổ chức tín dụng khi cơ quan thuế yêu cầu.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 132) và lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu tác động.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về xác định các bên có quan hệ liên kết; chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế, tổ chức tín dụng và công ty liên kết khi có yêu cầu.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới trong xác định giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Cụ thể, tại quy định về các bên liên kết, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định, bên liên kết là doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Cả 2 doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều có ít nhất 20% vốn điều lệ do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đặc biệt, dự thảo này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do cơ quan thuế yêu cầu. Nội dung thông tin gồm: dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và thông tin liên quan khác (nếu có).
“Ngân hàng Nhà nước phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và công ty liên kết của tổ chức tín dụng khi cơ quan thuế yêu cầu”, Bộ Tài chính đề xuất.
Một trong những vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay.
Tại tờ trình dự thảo Nghị định số 132 sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, việc xác định quan hệ liên kết với ngân hàng và bị khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 30% có nhiều ý kiến.
Doanh nghiệp cho rằng, việc vay vốn ngân hàng để kinh doanh phổ biến. Đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các doanh nghiệp dự án đối tác công - tư (PPP) được phép huy động các nguồn vốn hợp pháp lên đến 85% tổng mức đầu tư dự án. Chi phí lãi vay theo cơ cấu vốn vay nêu trên được cơ quan Nhà nước phê duyệt trong phương án tài chính thu hồi vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án PPP bị khống chế chi phí lãi, ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất các quy định về doanh nghiệp liên kết với ngân hàng nhằm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức Tín dụng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng loại trừ xác định quan hệ liên kết đối với các trường hợp như sau:
“Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Quy định tại điểm d khoản này không áp dụng với các trường hợp sau:
- Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định tại các điểm a, c, đ, e, g, h, k, l và m khoản này.
- Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định tại các điểm b, e và i khoản này.”
Theo Bộ Tài chính, đề xuất nêu trên sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dự án đặc thù, dự án trọng điểm… nói riêng khi vay vốn ngân hàng và thỏa mãn điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp và ngân hàng không phải là các bên có quan hệ liên kết".
Cho vay tiêu dùng: Khống chế lãi suất thả nổi để khách không bị 'siết cổ'
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất chỉ 1,2% 11/07/2024 07:32
- Vay vốn dưới 100 triệu không cần phương án sử dụng vốn 04/07/2024 04:51
- Lãi suất huy động tăng nhanh, lãi vay mua nhà thấp kỷ lục 23/06/2024 02:45
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone