ĐHCĐ Techcombank: Chưa cần thiết chia cổ tức, sẽ IPO TCBS nếu cần vốn

Minh Tâm - 23/04/2022 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Đối với kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam (TCBS), ông Hồ Hùng Anh cho biết có rất nhiều đối tác quan tâm, vấn đề chỉ là có bán hay không (ngân hàng có cần vốn không) và nếu bán thì bán với giá bao nhiêu.

VNF
ĐHCĐ Techcombank

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 23/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay vì sao thấp hơn các năm trước, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường mở rộng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào cuối năm khi cơ quan quản lý nhìn rõ được tình hình vĩ mô cả năm, đặc biệt là lạm phát.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết thêm lợi nhuận của Techcombank phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng nhưng những năm qua, Techcombank cũng phát triển mạnh về phí và vốn rẻ giúp giảm sự phụ thuộc này. Thêm vào đó, việc tăng trưởng tín dụng nhiều hay ít thường ảnh hưởng đến năm sau chứ không phải năm hiện tại.

Thông tin thêm, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay ngân hàng đang chờ chỉ đạo của NHNN về hạn mức tín dụng.

Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là rủi ro trên thị trường trái phiếu cũng như thị trường bất động sản, sau những sự kiện thao túng thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản "rúng động" gần đây; trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Techcombank có mức độ tập trung cao vào trái phiếu và bất động sản.

Trấn an cổ đông, Chủ tịch Hồ Hùng Anh nhấn mạnh không ai nói rằng sẽ hạn chế phát triển thị trường vốn và những vấn đề xảy ra thời gian qua chỉ là thiểu số. "Khi đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng thẩm định như một khoản vay trung, dài hạn và đương nhiên sẽ được quản trị rủi ro đầy đủ để đảm bảo việc trả nợ của khách hàng", lãnh đạo Techcombank nói. Việc làm lành mạnh thị trường trái phiếu là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức làm việc chuyên nghiệp như Techcombank.

Liên quan đến việc nắm giữ trái phiếu, phía Techcombank cho biết ngoài việc nắm giữ trong trung, dài hạn, ngân hàng cũng muốn tạo cơ hội để phân phối trái phiếu đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển thị trường vốn.

Với thị trường bất động sản, ông Hồ Hùng Anh đánh giá đây là thị trường rất rộng gồm nhà ở, nghỉ dưỡng, hạ tầng, khu công nghiệp... Với một quốc gia trẻ như Việt Nam, việc phát triển thị trường bất động sản là rất bình thường và trong 5-10 năm nữa sẽ tiếp tục phát triển.

"Tôi không nghĩ có vấn đề gì về triển vọng phát triển của ngành bất động sản. Techcombank tập trung cho vay đối với người tiêu dùng có nhu cầu mua nhà cũng như các dự án phát triển tốt, hạn chế tối đa việc rót vốn vào các khu đất có yếu tố đầu cơ, không mang lại giá trị", Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.

Thêm vào đó, NHNN quản lý việc cho vay bất động sản rất chặt chẽ khi tính tỷ lệ an toàn vốn đối với lĩnh vực này lên tới 250%, tức là mức độ chịu đựng rất cao.

Nêu thêm quan điểm, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho rằng bất động sản là lĩnh vực rất quan trọng với nền kinh tế. Mặc dù là đất nước trẻ nhưng nguồn cung bất động sản của Việt Nam đang khan hiếm. "Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang vị thế là nước có thu nhập trung bình cao, tôi tin Nhà nước sẽ có giải pháp để thúc đẩy việc phát triển ngành bất động sản. Trong 5 năm vừa qua, Techcombank không có vấn đề nào đối với vấn đề cho vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu gần như bằng 0", ông Jens Lottner nói.

Về vấn đề chia cổ tức, Chủ tịch Techcombank nêu quan điểm nhất quán rằng ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu nếu cần thiết, tuy nhiên hiện nay chưa cần thiết và nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không liên quan gì đến diễn biến giá cổ phiếu.

Liên quan đến việc ghi nhận thu nhập từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm, Techcombank sẽ tiếp tục ghi nhận thu nhập hàng năm thay vì ghi nhận một lần vì tỷ lệ chiết khấu nếu nhận thu nhập một lần rất cao. 

Đối với kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam (TCBS), ông Hồ Hùng Anh cho biết có rất nhiều đối tác quan tâm, vấn đề chỉ là có bán hay không (ngân hàng có cần vốn không) và nếu bán thì bán với giá bao nhiêu.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Trước đó, Techcombank đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2022.

Theo đó, Techcombank đặt kế hoạch dư nợ tín dụng đạt 446 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo hạn mức tín dụng được cấp từ Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2022 đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Tuy nhiên, thống kê cho thấy Techcombank đã vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 14% trong 4 năm qua, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Techcombank cũng đề xuất tăng vốn thông qua phát hành ESOP. Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành là 6,3 triệu cổ phiếu (tương đương 0,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành). Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm.

Đặc biệt, ngân hàng này tiếp tục đề xuất phương án không chia cổ tức cho năm 2021.

Ngoài các kế hoạch trên, Techcombank cũng trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.

Trước đó, ông Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm vị trí phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hiện ông đang là tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doanh nghiệp do cựu chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng thành lập và làm chủ tịch. KDI Holdings gần đây cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản với 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Quảng Ninh.

Cùng chuyên mục
Tin khác