ĐHĐCĐ 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

Hoàng Ngân - 19/04/2024 14:10 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 17/4/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Nhiều mục tiêu quan trọng đã được thông qua tại đại hội, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

VNF
ĐHĐCĐ 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

Giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định

Tại đại hội, ban lãnh đạo SeABank đã thông tin tới cổ đông kết quả kinh doanh năm 2023 với nhiều kết quả khả quan và các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024. Theo đó, năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, thách thức, xung đột chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh, lạm phát ở mức cao, thương mại và tiêu dùng toàn cầu tiếp tục suy giảm. Còn ở trong nước, nền kinh tế dần phục hồi nhưng còn nhiều thách thức. Dù vậy, bằng nhiều nỗ lực SeABank cho biết đạt được kết quả kinh doanh với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế lũy kế đến ngày 31/12/2023 là 4.616 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 266.122 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,94%, Tỷ lệ chi phí trên thu nhập thuần (CIR) là 38,3% nhờ tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất CAR đạt mức 13,61% và luôn được duy trì cao hơn tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu do NHNN yêu cầu.

Năm 2023, ngân hàng cho biết nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hợp tác bán chéo sản phẩm cũng như gia tăng ứng dụng công nghệ đã giúp SeABank ghi nhận hơn 32,3 triệu giao dịch trên nền tảng số, tăng 157% so với cùng kỳ và hơn 71% tài khoản mở mới đăng ký online thông qua eKYC.

Theo chia sẻ của ngân hàng, năm 2023, vốn điều lệ của SeABank được tăng lên 24.957 tỷ đồng giúp ngân hàng có đủ tiềm lực, nguồn vốn để nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động, đầu tư công nghệ. Đồng thời cổ phiếu SSB đã được HoSE lựa chọn vào VN30 và là một trong 7 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán tại thời điểm ngày 31/12/2023..

Đặc biệt, với những thành tựu đạt được trong những năm qua, đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như nhiều hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, SeABank cho hay vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Với những nỗ lực vượt trội SeABank cho biết còn nhận được sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế, nổi bật là việc hai năm liên tiếp được Tạp chí The Banker bình chọn nằm trong bảng xếp hạng “Top 1000 Ngân hàng thế giới 2023” (Top 1000 World Banks 2023) với xếp hạng thứ 771, tăng 150 bậc so với năm 2022. Thêm vào đó, Ngân hàng đã được Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu, vinh danh trong Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023, xếp hạng thứ 44, qua đó ghi nhận vị thế của SeABank trong ngành tài chính - ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, năm 2023 ngân hàng tiếp tục được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba3 cho các danh mục nhà phát hành và tiền gửi dài hạn nội – ngoại tệ. Việc Moody’s khẳng định xếp hạng của SeABank với triển vọng Ổn định phản ánh kỳ vọng của tổ chức này về mức độ an toàn vốn cao và đang cải thiện của ngân hàng.

Tại Việt Nam, SeABank là một trong số ngân hàng đang triển khai và áp dụng Basel III nhằm nâng cao năng lực quản trị giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, tăng cường sức chống chịu của ngân hàng với những cú sốc của thị trường.

Sau hơn một năm áp dụng Basel III, SeABank cho biết đã tối ưu được tài sản có rủi ro (RWA) và vốn bằng các phương pháp luận nâng cao cho phép tính toán đo lường nhạy cảm với rủi ro và thị trường. Nhờ đó, ngân hàng có thể cân đối được giữa rủi ro và cơ hội sinh lời của việc nắm giữ vốn, cải thiện thanh khoản, nâng cao khả năng xử lý rủi ro tín dụng, đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động.

Trên cơ sở những thành tích đã đạt được và phân tích bối cảnh kinh tế năm 2024, ĐHĐCĐ SeABank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 theo định hướng duy trì sự tăng trưởng ổn định so với năm 2023, bao gồm: tổng tài sản đạt xấp xỉ 300.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.888 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với 2023; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) ở mức 13,9 %; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%.

Tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT hướng tới phát triển bền vững

Một trong những nội dung quan trọng được ĐHĐCĐ SeABank là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng (tăng 5.043 tỷ đồng) thông qua các phương thức: phát hành 329 triệu cổ phiếu SSB để trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 13,1826% và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỉ lệ 0,4127%, tăng vốn điều lệ lên mức 28.350 tỷ đồng; phát hành 45 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024 để tăng vốn điều lệ thêm 450 tỷ đồng; chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ và/hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với mức giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 1.200 tỷ đồng.

SeABank đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng

Việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của SeABank trong giai đoạn hiện nay, là cơ sở để ngân hàng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển, tăng cường năng lực tài chính.

Cùng với kế hoạch tăng vốn, SeABank cho hay tiếp tục kiện toàn bộ máy quản trị ngân hàng, sẵn sàng hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2024 - 2028, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc phát triển bền vững (ESG) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại hội đã thông qua đơn từ nhiệm của bà Ngô Thị Nhài, thành viên HĐQT và bầu bổ sung bà Trần Thị Thanh Thủy làm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023 - 2028.

SeABank khẳng định các thành viên của HĐQT, BKS đều đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật các TCTD năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và là các cá nhân có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có tầm nhìn chiến lược, có tinh thần đoàn kết, có tâm huyết vì sự phát triển của SeABank.

Ngân hàng cho biết việc hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản trị cấp cao sẽ giúp SeABank nâng cao năng lực quản trị điều hành, đưa ngân hàng tiệm cận với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất dựa trên các yếu tố nền tảng: đẩy mạnh số hóa hệ thống ngân hàng; tăng trưởng bền vững gắn liền với kiểm soát rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng gắn với kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Thông tin về SeABank

Được thành lập vào năm 1994, SeABank sở hữu hơn 3 triệu khách hàng, gần 5.500 CBNV và 181 điểm giao dịch trên toàn quốc. Mục tiêu của SeABank là trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm bằng cách cung cấp hệ thống các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn.

SeABank có số vốn điều lệ 24.957 tỷ đồng, được Moody’s xếp hạng Ba3 ở nhiều danh mục quan trọng, đồng thời là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel III.

Theo chiến lược phát triển “Hội tụ số”, SeABank cho biết tập trung số hóa các sản phẩm dịch vụ cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận hành nội bộ và đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa quy trình, gia tăng hiệu quả hoạt động, mang đến cho khách hàng trải nghiệm khác biệt về dịch vụ ngân hàng số, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.

Cùng chuyên mục
Tin khác