ĐHĐCĐ Sabeco: Doanh thu xuất khẩu kém, thị phần miền Bắc tăng nhanh hơn đối thủ
Hải Đường -
27/04/2023 13:41 (GMT+7)
(VNF) - ĐHĐCĐ Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) được tổ chức vào sáng 27/4 tại TP. HCM.
Tại đại hội, ông Neo Gim Siong Bennet, Tổng giám đốc Sabeco đã chia sẻ về triển vọng năm 2023 của công ty cũng như thị trường bia rượu.
Theo đó, ông Bennet dự báo nền kinh tế nói chung sẽ còn nhiều bất ổn, chi phí đầu vào, giá bán và lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Về thị trường bia, lãnh đạo Sabeco cho biết đã đoán trước và chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Theo đó, sự cạnh tranh này sẽ còn gay gắt hơn nữa.
“Thị phần của Sabeco đã tăng trưởng trong những năm qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện thị phần bằng cách cải thiện tất cả các cấp và quản lý chi phí hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ không tập trung vào 1 khía cạnh riêng biệt mà tập trung vào nhiều khía cạnh như bán hàng, sản xuất, còn người để đạt được tiêu chuẩn quốc tế”, ban lãnh đạo Sabeco chia sẻ.
Ngoài phân khúc tầm trung, Sabeco cho biết sẽ tập trung tấn công cả vào phân khúc cận cao cấp bằng cách hợp tác với những đối tác khác hoặc “tự lực cánh sinh”.
Về giá nguyên vật liệu, theo ban lãnh đạo Sabeco, công ty có chiến lược mua trước các hợp đồng tương lai cho nguyên vật liệu, tuỳ thuộc vào từng loại nguyên vật liệu. Đơn cử như bao bì, Sabeco thường mua trước 6-9 tháng.
Công ty đã chốt giá nguyên vật liệu cho năm 2023. Riêng đối với sản phẩm bia lon, giá nguyên vật liệu đã chốt đến hết quý III/2023. Do giá nguyên vật liệu được chốt từ những hợp đồng tương lai từ cuối năm 2022, ban lãnh đạo cho biết nhiều khả năng giá sẽ cao hơn so với năm trước.
“Chúng tôi đã dự tính trước về giá nguyên vật liệu cao hơn năm trước nên sẽ đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá chi phí và kỳ vọng biên độ lợi nhuận sẽ giữ nguyên”, ban lãnh đạo Sabeco cho biết.
Trước thắc mắc của cổ đông về kế hoạch đầu tư cũng như chi phí capex (chi phí đầu tư vào tài sản cố định), ban điều hành Sabeco cho biết công ty vẫn còn dư một khoản chi phí capex từ năm 2022, do đo chi phí capex cho năm 2023 đang dao động từ 50-70 triệu USD, bao gồm chi phí mở rộng nhà máy trong vòng 2-3 năm nữa.
Được biết, Sabeco vào tháng 2 vừa qua đã thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn bao bì Sài Gòn (Saigon Packaging Group). Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, 2 công ty này sẽ trở thành công ty con của Sabeco.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo tại đại hội, lý do đầu tư vào 2 đơn vị này là khi sở hữu chi phối, kết quả tài chính của các đơn vị này sẽ hợp nhất với Sabeco và gia tăng lợi nhuận cho công ty.
“Khi cùng nhau hợp sức làm việc, chúng ta có thể tạo ra lợi nhuận tốt hơn nữa. Việc hợp tác với 2 đơn vị này sẽ cải thiện hoạt động sản xuất và sẽ có sự cộng hưởng từ các nhãn hàng”, ban lãnh đạo Sabeco cho biết.
Tại đại hội, một số cổ đông thắc mắc về kế hoạch cạnh tranh của Sabeco ở miền Bắc khi thị phần của Heineken và Habeco đã rất mạnh. Phản hồi cổ đông, Sabeco gửi lời cảm ơn các cựu cán bộ, lãnh đạo của công ty đã tạo ra nền tảng vững chắc ở miền Bắc.
Theo đó, trong 5-8 năm qua, thị phần ở miền Bắc của Sabeco đã tăng gấp đôi, hiện tại đang chiếm thị phần ở vị trí thứ 2 và vẫn đang tiếp tục phát triển. Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng việc gia tăng thị phần của công ty ở miền Bắc là nhanh hơn bất cứ đối thủ nào trên thị trường.
“Chúng tôi đang đầu tư vào nhãn hiệu và con người ở miền Bắc. Tôi nghĩ rằng các kế hoạch và chiến lược của chúng tôi đang chứng minh được hiệu quả ở khu vực này”, ban lãnh đạo Sabeco chia sẻ.
Về khả năng phục hồi tiêu thụ bia trong tương lai, ông Bennet cho rằng với tình hình hiện tại trên thế giới, các thị trường tài chính thế giới đang ổn định lại, lãi suất cũng đang trên đà ổn định, trong đó lãi suất ở Việt Nam đang bắt đầu giảm thì việc tiêu thụ của Sabeco có thể sẽ phục hồi.
Tổng giám đốc Sabeco cho biết, doanh thu xuất khẩu của công ty trong 3 quý gần nhất không tốt. Tuy nhiên, khi các thị trường trên thế giới hồi phục, xuất khẩu của Sabeco sẽ được cải thiện và khả năng tiêu thụ bia sẽ phục hồi trong nửa cuối năm, tuy nhiên sự kỳ vọng này chưa tính đến các yếu tố bất ngờ khác.
Cũng tại đại hội, ông Bennet trong phần báo cáo của mình đã tiết lộ về việc kết thúc nhiệm kỳ tổng giám đốc và giới thiệu người thay thế.
Theo đó, nhiệm kỳ của ông Bennet sẽ kết thúc vào tháng 9 tới đây. Ông Neo Gim Siong Bennet cho biết người thay thế ông ngồi “ghế nóng” tại Sabceco là ông Lester Tan Teck Chuan kể từ ngày 1/10/2023.
Trước đó, theo tài liệu ĐHCĐ, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 40.272 tỷ đồng, tăng 15% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 5.775 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 5%.
Sabeco cho biết, năm 2023 sẽ đánh dấu các cơ hội vàng cho ngành bia Việt Nam nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh; tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn; tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Song, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
Hãng bia này dự báo xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2023. Cùng với đó là sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone