'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tại đại hội lần này, HĐQT VPI sẽ trình cổ đông thông qua: báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 2017 và kế hoạch 2018; tờ trình về sửa đổi Điều lệ; tờ trình về việc chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; tờ trình về quyết toán thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát; tờ trình phân phối lợi nhuận 2017 và dự kiến 2018; tờ trình về chủ trương chuyển sàn niêm yết…
Tại đại hội, cổ đông đã đặt các câu hỏi với HĐQT VPI.
- Trong 2018, VPI sẽ đầu tư tới 4 dự án, vậy HĐQT có kế hoạch cân đối nguồn vốn như thế nào? Năm qua, VPI đã tăng vốn rất lớn trước niêm yết, xin cho biết kế hoạch sử dùng vốn tăng như thế nào, cụ thể vào các dự án nào? Năm 2018, tôi không thấy công ty có kế hoach tăng vốn, vậy năm tới VPI có tăng vốn không?
Phó tổng giám đốc VPI Phạm Hồng Châu: Năm 2018, VPI dự kiến triển khai 3 dự án gồm: The Terra – Hào Nam, Grandeur Palace – Giảng Võ và The Terra – An Hưng. 3 dự án này, công ty đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Công ty cũng đã chi rất nhiều tiền để đầu tư giải phóng mặt bằng, sẵn sàng khởi công.
Năm 2018, với 3 dự án này, Công ty sẽ triển khai hạng mục thấp tầng trước và điều này không đòi hỏi vốn cao do chi phí về xây dựng thấp. Các hạng mục cao tầng sẽ được bắt đầu triển khai vào năm 2019, khi đó dòng vốn thu được từ thấp tầng đã đủ để tái đầu tư.
Về nội dung tăng vốn, trong năm 2017, Công ty đã có 2 đợt tăng vốn. Lần đầu là nhằm trả khoản nợ cho việc Công ty đã mua lại dự án An Hưng vào năm 2016 (khoản vay hơn 300 tỷ đồng). Lần tăng vốn thứ hai lên 1.600 tỷ đồng là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, thanh toán các khoản nợ ngân hàng và cá nhân để Công ty có thể sở hữu hoàn toàn dự án Hào Nam, Mỹ Đình, dự án Hồ Tây và dự án tuyến đường kết nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa.
Như vây việc tăng vốn của Công ty trong 2017 là kết quả của quá trình đã chuẩn bị từ nhiều năm trước. Xin khẳng định là bây giờ Công ty đã đảm bảo đủ vốn cho kế hoạch năm 2018 và trong 3 – 5 năm tới. Trong năm nay, Công ty chưa có kế hoạch tăng vốn.
- Gần đây dư luận rất quan tâm đến vấn đề cháy nổ chung cư, xin HĐQT cho biết ảnh hưởng của các thông tin này đến việc thực hiên kế hoạch năm 2018 và những giải pháp của VPI trước tình hình này?
Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn: Thời gian gần đây đúng là có nhiều quan tâm của khách hàng về chung cư. Nhưng tôi khẳng định các dự án của VPI đều được đặc biệt quan tâm về thiết kế, từ thiết kế từ công năng sử dụng đến thiết kế phòng cháy chữa cháy.
Các hạng mục phòng cháy chữa cháy của các dự án đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý về thiết kế và nghiệm thu bàn giao. Hàng năm, chúng tôi vẫn mời các cơ quan phòng cháy chữa cháy đến xem xét lại hệ thống phòng cháy chữa cháy dù đã bàn giao các dự án cho cư dân.
Như các cổ đông cũng thấy, vừa rồi Hà Nội công bố hơn 70 dự án vi phạm phòng cháy chữa cháy nhưng VPI không có dự án nào trong danh sách đấy.
- Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang có xảy ra vấn đề gì không?
Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn: BOT Hà Nội – Bắc Giang là dự án do VPI đứng đầu liên doanh nhà đầu tư (gồm VPI Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 319; Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương).
Dự án được Bộ Giao thông vân tải phê duyệt vào đầu năm 2014, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, thông xe vào tháng 1/2016, trạm thu phí đặt tại Quốc lộ 1, đoạn qua Từ Sơn - Bắc Ninh, mức phí là 35.000 đồng/lượt xe 9 chỗ trở xuống.
Từ khi thông xe đến nay, dự án không gặp vấn đề gì. Công tác quản lý vận hành đến nay ổn định, phù hợp với mục tiêu dự kiến, doanh thu ngày càng tăng.
- Tại sao vừa niêm yết 1 năm trên HNX đã chuyển sang HoSE?
Phó tổng giám đốc Phạm Hồng Châu: Năm 2017, Công ty đã cân nhắc việc niêm yết trên HoSE, tuy nhiên tại thời điểm đó, Công ty chưa đạt các yêu cầu của HoSE nên mới niêm yết trên HNX. Dù vậy, lãnh đạo Công ty cũng đã xác định từ đầu là sẽ chuyển sàn. Việc niêm yết trên HNX là để Công ty có thời gian điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của HoSE, làm quen, cọ xát và tạo dựng thương hiệu.
- Xin cho biết việc chuyển sàn mang lại lợi ích gì cho cổ đông nhỏ lẻ?
Phó tổng giám đốc Phạm Hồng Châu: Tại Việt Nam, HoSE là sàn có chuẩn mực cao nhất, do đó việc chuyển sàn sẽ là cơ hội gia tăng sự minh bạch về thông tin, củng cố vị thế của Công ty. Qua giám sát của HoSE, các cổ đông nhỏ lẻ sẽ có thông tin chính xác hơn, kịp thời hơn về Công ty.
Sàn HoSE có tính thanh khoản cao, khả năng huy động vốn tốt, do vậy giá trị cổ phiếu của Công ty cũng sẽ gia tăng. Như vậy cũng là lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ.
- Trong cáo bạch niêm yết, Công ty từng đưa ra chỉ số so sánh với các công ty khác như Đất Xanh (DXG), Novaland (NVL), tuy nhiên khi các cổ phiếu kia đều tăng gấp đôi thì cổ phiếu VPI từ tháng 10/2017 đến giờ chỉ tăng 20%. Vậy trong thời gian tới, ban lãnh đạo Công ty có cách nào để giúp tăng giá trị cổ phiếu VPI?
Phó tổng giám đốc Phạm Hồng Châu: Mỗi doanh nghiệp có đặc thù và giá trị riêng nên việc so sánh với các đơn vị khác là tùy theo quan điểm cá nhân. Bản thân chúng tôi đều hết sức cố gắng để gia tăng giá trị cho công ty. Chúng tôi cũng hi vọng giá cổ phiếu sẽ được thể hiện đúng với giá trị của nó.
Tại Hà Nội, Văn Phú Invest rất có tên tuổi nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPI vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư biết đến. Do đó, việc niêm yết trên HoSE sẽ là đợt quảng bá cho hình ảnh của Công ty.
Nói thêm rằng, trong ngành bất động sản có nhiều hoạt động: phân phối (như DXG) phát triển quỹ đất qua M&A (như NVL)… nhưng con đường của Văn Phú Invest thì khác. Chúng tôi phát triển bất động sản, quỹ đất từ giai đoạn đầu tiên, do vậy thời gian để sở hữu quỹ đất có thể sẽ kéo dài.
Cũng có thể trong bản cáo bạch, nhà đầu tư đã bỏ sót nhiều thông tin. Tôi nghĩ giá trị cổ phiếu VPI chưa phản ánh hết các lợi thế của Văn Phú Invest. Tôi tin rằng nó sẽ được thị trường tiếp nhận theo thời gian.
Việc trong giai đoạn ngắn, cổ phiếu VPI có thể tăng thấp nhưng nếu nhìn dài hạn thì VPI là cổ phiếu tăng trưởng bền vững, ổn định, mang lại lợi nhuận lâu dài. Điều trước mắt có thể thấy là cổ tức bằng tiền, rõ ràng có ưu việt hơn so với các cổ phiếu khác.
Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn: Tôi cũng là 1 cổ đông và tôi mong giá cổ phiếu lên cao nhưng quan điểm của tôi là Công ty phải phát triển bền vững, từ đó nâng cao giá trị cổ phiếu. Nếu các vị đã từng mua sản phẩm của Văn Phú Invest thì có thể thấy các sản phẩm này đều được đón nhận nhiệt tình, dù là khi thị trường suy thoái. Không có lý gì với một doanh nghiệp như vậy mà giá cổ phiếu lại không tăng bền vững cả.
Năm 2018, VPI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 2.333,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 878,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 603,5 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, VPI sẽ đẩy mạnh triển khai 4 dự án, gồm: The Terra – Hào Nam (tổng diện tích 6.681m2, gồm 72 căn chung cư, 25 căn shophouse, 1.930m2 trung tâm thương mại và văn phòng); dự án Grandeur Palace – Giảng Võ (diện tích 9.025m2, gồm 32 dinh thự, tòa nhà hỗn hợp 22 tầng với 4 tầng hầm);
Dự án The Terra – An Hưng (diện tích 35.380m2, gồm 1.330 căn hộ, 166 ô liền kề và shophouse, 8.125m2 sàn trung tâm thương mại và văn phòng) và dự án Grandeur Palace – Phạm Hùng (diện tích 22.744m2, gồm 3 tòa cao 45 tầng, 500 căn hộ, 250 căn officetel, 300 căn hộ dịch vụ khách sạn, 84.000m2 sàn văn phòng và trung tâm thương mại).
Trong 4 dự án nêu trên, The Terra – Hào Nam đã khởi công trong tháng 3/2018, dự án Grandeur Palace – Giảng Võ dự kiến khởi công trong quý II/2018.
Đối với dự án The Terra – An Hưng, VPI đang hoàn tất thủ tục để có thể triển khai theo phương thức: thoái vốn tạo nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh hoặc hợp tác với đối tác triển khai trong quý IV/2018, dự kiến hoàn thành quý IV/2021.
Còn dự án Grandeur Palace – Phạm Hùng, VPI đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2019, hoàn thành quý III/2021.
Ngoài việc thực hiện các dự án nêu trên, trong năm 2018, VPI cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh lợi thế đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nghiên cứu và phát triển quỹ đất tại các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Công ty cũng sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản thông qua việc phát triển hoạt động M&A, hợp tác phát triển với các đối tác có uy tín, tiềm năng, từ đó gia tăng quỹ đất…
Năm 2017, VPI có 412,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty chi trả cổ tức 191,7 tỷ đồng. Trong đó, tạm ứng đợt 1 là 15,7 tỷ đồng; tạm ứng đợt 2 là 176 tỷ đồng.
Lợi nhuận còn lại năm 2017 là 221 tỷ đồng.
Năm 2018, HĐQT VPI trình đại hội thông qua kế hoạc phân phối lợi nhuận sau thuế như sau: 5% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cho Quỹ khen thưởng – phúc lợi; 1% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ khen thưởng ban điều hành (với điều kiện hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế) và 16% vốn điều lệ chi trả cổ tức.
HĐQT cũng trình Đại hội thông qua phương án hủy niêm yết cổ phiếu của công ty tại HNX và chuyển sang niêm yết trên HoSE.
Năm 2017, doanh thu hợp nhất của VPI đạt 875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 522,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 418,8 tỷ đồng.
Trong năm, VPI đã hoàn thiện và bàn giao dự án nhà phố thương mại The Victoria thuộc khu đô thị Văn Phú với tổng số 148 căn có tổng diện tích sàn là 64.000m2. Dự án này đã mang về 763,7 tỷ đồng doanh thu và 438,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017.
Tháng 11/2017, VPI đã khởi công dự án khu dịch vụ căn hộ khách sạn Hồ Tây (Oakwood Residence Hà Nội). Dự án có tổng diện tích đất 4.632m2, gồm 1 tòa nhà cao 15 tầng (1 tầng hầm) với 200 căn hộ. Hiện dự án đang thi công phần móng hầm, dự kiến hoàn thành trong quý III/2019.
Năm 2017, VPI cũng đã hợp tác triển khai một số dự án BT. Nổi bật là dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, quận Thủ Đức, TP. HCM (do Công ty Cổ phần Văn Phú – Bắc Ái làm chủ đầu tư).
Tuyến đường này có chiều dài 2,75 km, tổng mức đầu tư 2.527 tỷ đồng, hiện nay đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thiện toàn bộ trong năm 2020. Dự án này mang lại các quỹ đất đối ứng tại TP. HCM cho VPI gồm: khu đất 132 Đào Duy Từ, quận 10; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, quận 1; khu đất 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân; khu đất 234 Lý Tự Trọng, quận 1.
Một dự án BT khác là dự án các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông (do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú số 1 làm chủ đầu tư). Dự án gồm 5 tuyến đường có tổng chiều dài 6,18 km, tổng mức đầu tư 1.961 tỷ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng tuyến đường vào quý IV/2018.
Từ việc thực hiện dự án tuyến đường này, VPI có được khoảng 68ha quỹ đất đối ứng tại quận Hà Đông gồm: khu nhà ở Dương Nội; khu chức năng đô thị Kiến Hưng; khu nhà ở hỗn hợp cao tầng Kiến Hưng; khu nhà ở Hà Cầu; khu nhà ở Phú Lãm; khu đô thị Bắc Lãm. Các khu đất đối ứng trên hiện nay đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư phục vụ cho công tác triển khai thi công.
Tính đến ngày 31/12/2017, VPI có tổng tài sản hợp nhất đạt 3.737 tỷ đồng. Nợ phải trả là 1.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.036 tỷ đồng.
Tiếp tục cập nhật...
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.