Điểm loạt cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 12: SGT gấp rưỡi, HVN 'bay cao'

Văn Kiên - 31/12/2022 17:06 (GMT+7)

(VNF) - SGT gây bất ngờ trong tháng cuối năm 2022 khi tăng vọt gấp rưỡi, HVN cũng "bay cao" với bệ đỡ là Trung Quốc nối lại đường bay thường lệ với Việt Nam. Ngoài ra, GEG, EIB và VOS cũng ghi nhận màn trình diễn xuất sắc.

VNF
Điểm loạt cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 12: SGT gấp rưỡi, HVN 'bay cao'

SGT tăng 45,45%

Cổ phiếu SGT của Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đã tăng 45,45% từ 10.450 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/12/2022 lên 15.200 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/12/2022.

Thành lập từ năm 2002, Saigontel tiền thân là công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông trong các khu công nghiệp thuộc tập đoàn đầu tư Sài Gòn, đến nay đã chuyển mình trong chiến lược kinh doanh với định hướng phát triển mô hình “Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ”.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 779,2 tỷ đồng, tăng 2,8 lần; lãi sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

HVN tăng 34,95%

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tăng 34,95% từ 10.300 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/12/2022 lên 13.900 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/12/2022.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được thành lập vào tháng 1/1956. Hoạt động sản xuất chính là cung cấp dịch vụ vận tải hàng không. Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015. Năm 2021, Vietnam Airlines và các hãng hàng không thành viên trực thuộc chiếm 48% thị phần nội địa và 17% thị phần quốc tế.

Một trong những lý do có thể đã thúc đẩy mạnh mẽ giá cổ phiếu HVN là triển vọng kinh doanh lạc quan trong năm 2023.

"Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn vào lưu lượng hàng không quốc tế nên chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng vượt bậc từ năm 2023", nhóm chuyên gia của VNDirect nêu trong một báo cáo công bố gần đây.

Lý giải nguyên nhân khác về cổ phiếu hàng không nhảy vọt, VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán điều chỉnh thời gian qua đã khiến nhiều mã về gần thời điểm bùng phát dịch (tháng 3/2020). Do đó, nhà đầu tư đang xem đây là thời điểm để tích lũy cổ phiếu có mức giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc.

Dù triển vọng tương đối lạc quan, tuy nhiên Công ty Chứng khoán SSI lại cho rằng ngành hàng không vẫn đối mặt những rủi ro lớn như giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt, nhu cầu đi lại suy yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu. Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế.

GEG tăng 29,55%

Cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai đã tăng 29,55% từ 12.350 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/12/2022 lên 16.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/12/2022.

Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG) có tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai – Kon Tum, được thành lập vào tháng 6/1989. Hoạt động sản xuất chính của Công ty là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng. GEG chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của GEG đạt 1.597 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp duy trì cao, đạt mức 50%, ghi nhận con số tích cực so với mức 39% của trung bình ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt 385 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021.

EIB tăng 27,05%

Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng 27,05% từ 22.000 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/12/2022 lên 27.950 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/12/2022.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được thành lập vào năm 1989. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động và kinh doanh vốn, và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan. EIB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit. 

Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2022 (2.500 tỷ đồng).

Cụ thể, hoạt động tín dụng mang về cho ngân hàng 4.154 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt 11,7% và 32,4% so với cùng kỳ. Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng khoản lãi 114 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gần 55% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần cũng tăng trưởng đột biến trong kỳ.

VOS tăng 24,34%

Cổ phiếu VOS của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam đã tăng 24,34% từ 9.410 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/12/2022 lên 11.700 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/12/2022.

Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco) tiền thân là Công ty Vận tải biển Việt Nam được thành lập năm 1970. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty bao gồm vận tải đường biển và các dịch vụ hàng hải khác như: đại ký tàu biển, đại lý vận tải đa phương thức, huấn luyện - đào tạo, cung ứng xuất khẩu thuyền viên.

Trong quý III/2022, VOS ghi nhận doanh thu thuần 712 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng hơn 154 tỷ đồng, giảm 17%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VOS ghi nhận doanh thu đạt 1.805 tỷ đồng (tăng 87% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 566 tỷ đồng (tăng 38%), tương đương vượt 15% mục tiêu doanh thu năm và vượt 45% chỉ tiêu lãi cả năm.

Theo giải trình, Vosco cho biết mặc dù thị trường vận tải diễn biến phức tạp nhưng mặt bằng giá cước được duy trì tương đối tốt, thị trường tàu container cũng khởi sắc hơn so với cùng kỳ nên 2 tàu container hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, trong quý III và 9 tháng năm 2022, công ty còn có thêm doanh thu từ 2 tàu chở dầu Đại An và Đại phú.

Cùng chuyên mục
Tin khác