Điển nghẽn kinh tế: 'Cầu yếu, đầu tư tư nhân tăng thấp'

Kỳ Thư - 28/07/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Dù con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm là tích cực nhưng nhìn sâu về các con số, các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, trong đó, vấn đề cầu xã hội yếu và đầu tư tư nhân trong nước tăng thấp là vấn đề đáng lo ngại.

Không có đầu tư thì khó có tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê nhận định, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5%-6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.

 Các chuyên gia lo ngại, nếu không có đầu tư thì không có tăng trưởng.

Đánh giá về kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế quý II có vẻ đang phục hồi, tốc độ tăng trưởng đã đạt tương đương các quý II trước đại dịch. Trong đó, động lực tăng trưởng chính nhờ công nghiệp và xây dựng và một số ngành dịch vụ phục hồi…

Nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài phục hồi, nhất là ở các đối tác thương mại chủ yếu, do đó sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Về dịch vụ, chủ yếu nhờ du lịch, nhất là du lịch quốc tế phục hồi tốt. Mặt khác, nền tăng trưởng năm 2023, nhất là 6 tháng đầu năm rất thấp, xuất khẩu tăng trưởng âm, do đó cũng dễ hiểu khi nhiều chỉ số 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn.

Bên cạnh những điểm tích cực như vậy thì cũng có những điểm phải lưu ý. Đó là cầu nội địa đang có xu hướng yếu. Đầu tư xã hội cũng yếu, đặc biệt là đầu tư tư nhân trong nước tăng trưởng rất thấp, thậm chí âm nếu loại trừ yếu tố giá. Điều này đã diễn ra vài năm gần đây, như vậy là đáng lo cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, vì không có đầu tư thì khó có tăng trưởng.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước dù lượng vốn đầu tư công năm nay không cao bằng năm ngoái. Việc thu hút FDI vẫn là điểm sáng, nhưng cũng ở mức tương đương những năm trước. Chỉ số niềm tin FDI của Việt Nam năm 2024 giảm 5 bậc so với 2023, thấp hơn một số nước cạnh tranh trong khu vực.

Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng mạnh ở hầu hết các ngành. Tương tự, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường thấp chưa từng thấy trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là hiện tượng rất cần được phân tích, đánh giá sâu.

Bên cạnh đó, lạm phát đang quay lại, và hiện gần sát giới hạn mục tiêu Quốc hội yêu cầu.

Động lực tăng trưởng nhất, hy vọng nhất hiện nay. Nhưng lĩnh vực này đang có xu hướng giảm khá rõ nét, tốc độ tăng của dịch vụ giảm xuống thấp hơn trước đại dịch.

Sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, nhưng chưa bằng mức trước đại dịch, phụ thuộc nhiều vào cầu thị trường nước ngoài. Xuất khẩu hồi phục mạnh ngay từ đầu năm 2024, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm. Trung bình 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 32 - 33 tỷ USD/tháng, cao hơn không nhiều so với 5 tháng cuối năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu có thể đã tới hạn, nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng và nhu cầu nhập khẩu bên ngoài không tăng mạnh. Vì vậy, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm.

Đây là những thách thức lớn cho triển vọng tăng trưởng của những tháng cuối năm.

Tăng trưởng cuối năm sẽ tốt hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể kỳ vọng kết quả tăng trưởng cuối năm 2024 sẽ tốt hơn.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng hai phương án kịch bản trình Chính phủ (và đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 108/NQ-CP).

Có thể kì vọng tăng trưởng 2024 sẽ tốt hơn.

Cụ thể, kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), trong đó tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%. Kịch bản 2 là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7%, với tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, tức là cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 lần lượt là 0,7% và 0,6%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù tăng trưởng đạt 7% là mức rất cao nhưng hoàn toàn có khả năng phấn đấu được trong bối cảnh chúng ta đã cố gắng khắc phục các yếu tố hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng để có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP và giữ chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp.

“Theo đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.

Về phía Bộ Tài chính, ông Thịnh cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt trong thời điểm sau 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh khẳng định việc tăng giá điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ cần tính toán thời gian, mức độ phù hợp, tránh dẫn tới áp lực làm tăng sức ép lạm phát…

 Dòng FDI dịch chuyển: Việt Nam có 1 - 2 năm để tận dụng cơ hội

Dòng FDI dịch chuyển: Việt Nam có 1 - 2 năm để tận dụng cơ hội

Đầu tư
(VNF) - Với sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao toàn cầu. Cơ hội nhận được chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt. Tuy nhiên, việc tận dụng dòng vốn này không đơn giản khi thách thức phía trước là không nhỏ.
Cùng chuyên mục
Tin khác