Dòng FDI dịch chuyển: Việt Nam có 1 - 2 năm để tận dụng cơ hội

Kỳ Thư - 25/07/2024 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Với sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao toàn cầu. Cơ hội nhận được chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt. Tuy nhiên, việc tận dụng dòng vốn này không đơn giản khi thách thức phía trước là không nhỏ.

Cơ hội từ sự chuyển dịch luồng đầu tư

Quan sát tình hình kinh tế và địa chính trị ở thời điểm hiện tại, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu quan điểm, nếu nhìn vào những chuyển dịch địa chính trị, đầu tư, chuỗi cung ứng... thì thế giới đang chuyển dịch rất sâu sắc, từ kinh tế đến phi kinh tế, truyền thống đến phi truyền thống, có đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh...

Cơ hội từ sự chuyển dịch luồng đầu tư.

Ông Vinh phân tích, đầu tiên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là sự dịch chuyển trên hướng đến những khu vực thuận lợi cho Việt Nam.

“Cùng với sự chuyển dịch của các luồng đầu tư, có cả câu chuyện về dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại. Do những yếu tố này đan xen với nhau nên phải tranh thủ tận dụng đồng thời cả sự chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch thương mại”, ông Vinh nêu.

Đại sứ Vinh cũng cho rằng các nước phát triển, nhất là Mỹ và phương Tây, đang có xu hướng hướng nội nhiều hơn. Họ có những chính sách công nghiệp mới thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay lại trong nước. Ngoài ra, nguồn tài chính cũng hạn hẹp đi do khó khăn kinh tế.

Theo đó, những tiêu chuẩn mới, hạn chế hơn sẽ được áp dụng, đi kèm với đó là xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dựa trên xu hướng đổi mới sáng tạo. Việc thích ứng với sự chuyển đổi này cũng là điều rất đáng quan tâm.

“Chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, trong đó điển hình là Mỹ và Trung Quốc”, ông Vinh nói.

Bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết, năm nào phái đoàn cấp cao Mỹ cũng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Hai năm gần đây đều ghi nhận sự tham gia phái đoàn đông kỷ lục, như năm 2023 có đoàn gồm gần 60 doanh nghiệp lớn.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam - Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 9/2023, cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng và cũng chờ đợi những chính sách đột phá, thu hút, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

“Khi các doanh nghiệp này gặp lãnh đạo Chính phủ đều khẳng định Việt Nam đang nổi lên là điểm đến, là nơi thu hút các nhà đầu tư Mỹ và có cơ hội phát triển thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao”, bà Lâm chia sẻ.

Mới đây, USABC cùng Bộ Ngoại giao Mỹ khai trương sáng kiến “Phát triển mạng lưới đối tác tiến bộ công nghệ và điện tử toàn cầu” với mục tiêu Chính phủ Mỹ, doanh nghiệp Mỹ và các đối tác tham gia xây dựng đẩy mạnh nền tảng cung ứng, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, đưa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Lâm, cơ hội này chỉ có thể kéo dài 1 - 2 năm, dòng vốn đầu tư cùng các nhà đầu tư cũng có hạn bởi Việt Nam không phải là nước có lợi thế duy nhất trong khu vực. Một năm trở lại đây thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng trong thu hút đầu tư của Malaysia, Indonesia, Singapore; trong khi nhiều nhà đầu tư đã tìm hiểu Việt Nam nhưng sau đó cũng đã có nhiều lý do để đầu tư ở thị trường khác.

“Điều đáng tiếc là con số đầu tư đó lớn mà khi họ lựa chọn đầu tư ở nước khác ngoài Việt Nam, sẽ thu hút các doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái tại quốc gia đó”, bà Lâm nêu rõ.

Đối diện nhiều thách thức

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ Chính phủ đang quyết tâm tập trung cao độ trong việc giải quyết các “nút cổ chai” của nền kinh tế là kết cấu hạ tầng.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Tú Anh cũng lưu ý, khi tham gia vào chuỗi cung ứng này, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và lao động phổ thông; nhu cầu năng lượng lớn; và rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.

Đối diện nhiều thách thức.

Cùng với đó, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Cụ thể, khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ yêu cầu trong sản xuất đảm bảo giảm carbon không vượt quá chuẩn mực của các thị trường phát triển. Việt Nam từng bước xây dựng thị trường tín chỉ carbon và đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính của gần 2.000 doanh nghiệp.

"Cơ hội lớn đang mở ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cần nhìn trước những rủi ro, thách thức để có giải pháp khắc phục, nắm bắt cơ hội”, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để tận dụng được những luồng đầu tư này, cần lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao bản thân. Ngoài ra, cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.

“Chuyển dịch thông thường có cả chất lượng cao và thấp. Có những luồng đầu tư thông thường đến những phân khúc thấp hơn trong đó có hướng tới Việt Nam”, ông Vinh khuyến cáo.

Khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ được cả hai bên, nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường các quốc gia khác. Trong thời gian gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường.

Tuy vậy, ông Vinh cho rằng khung chính sách và việc giải quyết vấn đề thực tế của Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Chính sách vĩ mô, cam kết của Chính phủ thuận lợi nhưng để giải quyết trên thực tế cũng không phải dễ. Do đó, thời cơ tận dụng những cơ hội này không kéo dài.

Nguy cơ lỡ cơ hội từ Mỹ: Việt Nam phải hành động càng nhanh càng tốt

Nguy cơ lỡ cơ hội từ Mỹ: Việt Nam phải hành động càng nhanh càng tốt

Tiêu điểm
(VNF) - Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, Việt Nam có cơ hội làm ra các sản phẩm chiến lược trong ngành điện tử, ví dụ drone tầm gần hoặc camera an ninh kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.