Đo mức độ hưởng lợi của các cổ phiếu dầu khí giữa lúc giá dầu tăng vọt

Thanh Long - 09/10/2023 10:08 (GMT+7)

(VNF) - Diễn biến leo thang ở Israel đã đẩy giá dầu tăng rất mạnh. Giá dầu WTI đang tăng hơn 4% lên trên 86 USD/thùng ở phiên gần nhất. Trong sáng 9/10, hàng loạt cổ phiếu dầu khí tăng mạnh, như GAS tăng trên 2%, PVS tăng trên 3%, BSR và OIL tăng khoảng 5%.

VNF
Đo mức độ hưởng lợi của các cổ phiếu dầu khí giữa lúc giá dầu tăng vọt

Giá dầu tăng, cổ phiếu dầu khí hưởng lợi

Ngày 8/10, Nội các An ninh Israel chính thức thông báo nước này “đang trong tình trạng chiến tranh” sau cuộc tấn công thảm khốc của Hamas tại miền nam đất nước, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự tại Gaza trong những ngày tới.

Trong thông cáo phát đi cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã chỉ thị di chuyển đội tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ đến phía đông Địa Trung Hải, gần Israel hơn. Đội này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.

Ngoài ra, ông Austin cho hay Mỹ cũng đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân trong khu vực. Bộ trưởng Austin cũng cho hay, chính phủ Mỹ sẽ viện trợ khẩn cấp các nguồn lực bổ sung cho quân đội Israel, trong đó có đạn dược.

Diễn biến leo thang ở Israel đã đẩy giá dầu tăng rất mạnh. Giá dầu WTI đã tăng hơn 4,3% lên trên 86,36 USD/thùng tính đến 9h38' ngày 9/10 theo giờ Việt Nam.

Trước đó, giá dầu thô tăng mạnh hơn 17% kể từ đầu năm 2023 và đã có lúc giao dịch ở mức cao 94 USD/thùng trước khi giảm lại về mức khoảng 82 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu do khối OPEC+ và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng. Nhiều nghiên cứu dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giao dịch ở mức cao trong năm 2024.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), tác động của giá dầu cao lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ thượng nguồn sẽ được hưởng lợi nhất nếu giá dầu neo cao một thời gian dài. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trung/hạ nguồn bị ảnh hưởng nhanh chóng từ thay đổi của giá dầu.

Cụ thể, Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) được ACBS đánh giá là hưởng lợi nhanh nhất khi giá dầu tăng. Nguyên nhân là giá khí bán ra tăng do công thức tính giá bán ra được neo theo giá dầu FO và dầu Brent. Trong khi đó, giá khí đầu vào 1 phần sản lượng được thả nổi theo giá dầu FO và 1 phần (chiếm khoảng 60-65% tổng sản lượng đầu vào) được tính theo giá cố định cộng mức tăng 2%/ năm.

Kế đến là Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX). Các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp do BSR và PLX phải duy trì hàng tồn kho ít nhất 20 ngày theo quy định. Giá bán xăng dầu được dựa trên giá bán xăng dầu quốc tế công bố trên tạp chí Platts của Singapore và có mối tương quan thuận chiều chặt chẽ với giá dầu Brent.

Hưởng lợi chậm hơn là Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) và Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS) với độ trễ khoảng 6-12 tháng. Giá dầu duy trì ở ngưỡng cao trong 1 thời gian dài sẽ làm tăng nhu cầu khoan (qua đó tăng giá cho thuê giàn khoan) cũng như thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí, khai thác, xây lắp cùng các nhu cầu khác.

Tại Hội thảo “Đón sóng ngành dầu khí và năng lượng” tổ chức gần đây, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường dầu mỏ có xu hướng thắt chặt và giá dầu sẽ leo ở mức cao. Tuy lượng tồn kho sẽ không còn độ sụt giảm như những năm trước, có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023 và đi ngang trong năm 2024, nhưng cung cầu của ngành này đang có xu hướng thâm hụt từ tháng 6/2023, điều này sẽ bổ trợ cho đà tăng của giá dầu trong thời gian tới, xu hướng tăng trung hạn có thể đạt 109 USD.

Bên cạnh đó, ngành dầu khí còn rất nhiều tiềm năng khi sản lượng dầu của Việt Nam trong những năm gần đây giảm do hoạt động thăm dò và khai thác bị chậm lại, trữ lượng dầu lớn nhưng chưa khai thác được.

Về luận điểm đầu tư cho một số công ty chính, Yuanta nhận định khả quan đối với PVD khi PVD sở hữu các giàn khoan tương đối trẻ, nhu cầu khu vực tăng vọt, các giàn khoan của PVD đều được ký kết hợp đồng trong năm 2023. Về lâu dài, PVD sẽ được hưởng lợi từ dự án Lô B Ô Môn về khối lượng công việc với hơn 1.000 giếng khoan.

Ngược lại, Yuanta không đánh giá đối với PVS và Tổng công ty Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT). Tuy nhiên, hai mã này cũng tương đối khả quan khi PVT tiếp nhận thêm 8 tàu mới, nâng đội tàu sở hữu lên 39 chiếc, PVS có động lực tăng trưởng chính trong dài hạn từ các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Có thêm nguồn lợi khi tỷ giá USD/VND tăng

Một yếu tố khác tác động tới hoạt động kinh doanh của nhóm dầu khí là tỷ giá USD/VND đang tăng dần kể từ tháng 8/2023. Đối với hầu hết các doanh nghiệp ngành dầu khí, tỷ giá tăng có tác động tích cực nhẹ tới kết quả kinh doanh, nhờ đa phần có nguồn doanh thu bằng ngoại tệ, nợ vay rất ít, hoặc, chi phí đầu vào và giá bán ra đều được điều chỉnh theo tỷ giá bình quân 10-15 ngày gần nhất.

Theo đó, với PVS, ACBS cho biết khách hàng của PVS đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau và có yếu tố nước ngoài cao nên tỷ trọng doanh thu bằng ngoại tệ cao (trên 80-90% trong những năm gần đây), hầu hết là bằng USD. Đây là điểm tích cực khi tỷ giá USD/VND tăng lên. Nguồn thu USD này cũng giúp giảm rủi ro chi phí do công ty cũng nhập khẩu một phần vật tư thiết bị cho các dự án trúng thầu.  

Theo PVS, công ty quản trị rủi ro tỷ giá bằng cách cân đối nguồn thu và chi ngoại tệ nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro về tỷ giá bằng cách ký kết hợp đồng với khách hàng theo đối ứng với khoản ngoại tệ phải trả cho nhà cung cấp. Ngoài ra, PVS cũng giữ lại 1 phần doanh thu bằng ngoại tệ và duy trì số dư tiền ngoại tệ tối thiểu tương đương với các nghĩa vụ nợ vay bằng ngoại tệ để tránh các rủi ro về tỷ giá và thanh khoản.

Về Nợ vay của PVS, nợ vay dài hạn của PVS 100% là vay bằng đồng Việt Nam. Trong khi đó, 85% nợ vay ngắn hạn là vay USD. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, nợ vay ngắn hạn bằng USD là khoảng 640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp, chỉ 2,4% tổng tài sản.

Với BSR, tỷ giá tác động lên cả doanh thu lẫn chi phí đầu vào của BSR. Đầu vào của BSR là dầu thô, được giao đều đặn hàng tháng. Giá dầu thô đầu vào được tính theo giá trung bình 30 ngày của dầu Brent. Trong khi đó, giá bán ra bằng giá niêm yết theo từng loại xăng dầu (Ron92-95, DO, etc) trên trang Platts của Singapore (trung bình 10-15 ngày) cộng thêm phần phụ trội (premium) dựa trên thỏa thuận giữa BSR và khách hàng.

Do cả đầu ra và đầu vào đều được tính theo USD, trong khi đó, BSR phải tích trữ hàng tồn kho tối thiểu 20 ngày, mà giá bán lại được điều chỉnh 10-15 ngày nên trong trường hợp tỷ giá lên thì tác động lên BSR ở mức "tích cực nhẹ", theo đánh giá của ACBS.

Trong khi đó về nợ vay, BSR không còn nợ vay dài hạn kể từ cuối quý II/2022. Trong nợ vay ngắn hạn, BSR chỉ vay 43,9 triệu USD (tương đương 1.029 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp 1,37% tổng tài sản).

Tương tự như BSR, tỷ giá tác động lên cả doanh thu lẫn chi phí đầu vào của PLX. Hoạt động kinh doanh xăng dầu của tập đoàn này liên quan tới vấn đề tỷ giá, phần lớn là tỷ giá USD/VND, do liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.

Theo Nghị định 95/2021, giá bán xăng dầu của PLX được điều chỉnh 10 ngày/lần và được xác định theo nguyên tắc tính bình quân 10 ngày theo giá xăng dầu thế giới (xăng Ron92-95, dầu DO, jet A1, etc) công bố trên tạp chí Platts Singapore. Trong đó, tỷ giá ngoại tệ để tính giá cơ sở xăng dầu là tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), tính bình quân của 10 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc. Ngoài ra, chi phí đầu vào của PLX cũng được tính dựa trên giá niêm yết trên trang Platts của Singapore (trung bình 10-15 ngày) nhân với tỷ giá trung bình (10-15 ngày).

Bên cạnh đó, PLX cũng lập báo cáo hàng ngày về tình hình tài chính, dư nợ vay ngoại tệ, tình hình mua ngoại tệ. Một trong các phương án rất hiệu quả được tập đoàn này linh hoạt áp dụng đó là trả nợ tiền hàng bằng cách vay ngoại tệ và ký hợp đồng forward ngoại tệ.

Ngoài ra, nợ vay của PLX chủ yếu là nợ vay ngắn hạn (chiếm 95-96% tổng nợ vay). Các khoản vay ngắn hạn của PLX chủ yếu là vay bằng VND, kỳ hạn 3-12 tháng. Do đó, tác động của tỷ giá USD/VND tăng lên đối với PLX theo quan điểm của ACBS cũng là "tích cực nhẹ".

Ở chiều ngược lại, GAS và PVD chịu ảnh hưởng tiêu cực nhẹ từ xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND.

Cùng chuyên mục
Tin khác