Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Việc thị trường trái phiếu diễn biến kém khả quan cộng hưởng với sức công phá của các tin đồn, trong bối cảnh thị trường cổ phiếu chung lao dốc, đã khiến cho giá cổ phiếu VND của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect lao dốc rất nhanh, nhờ đó tạo ra định giá khá hấp dẫn. Hiện VNDirect đang là công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn thứ 3 trên HoSE, chỉ đứng sau VPS và SSI.
Nhìn lại, giá cổ phiếu VND đã liên tiếp ghi nhận 5 phiên giảm, trong đó có 3 phiên giảm sàn xét trong giai đoạn từ ngày 19/10 tới 25/10. Vì thế, giá cổ phiếu đã sụt giảm mạnh về mức 11.450 đồng/cổ phiếu kết phiên 25/10. Với mức giảm mạnh như vậy, hệ số định giá P/B của VND hiện đang ở mức 0,96 lần, tức mức giá thị trường đang rẻ hơn mức giá trị sổ sách.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ mới được công bố, VNDirect quý III vừa qua báo lãi sau thuế 93,5 tỷ đồng, giảm mạnh 83% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm của VNDirect tuy lớn nhưng cũng không quá khác biệt với các công ty cùng ngành, bởi quý III là quý khó khăn chung của thị trường. Công ty ghi nhận lợi nhuận lũy kế sau thuế 9 tháng đạt 1.379 tỷ đồng.
Lũy kế 4 quý gần nhất, mức lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của VND đạt 17,45%, một trong những mức cao nhất trong ngành.
Một "ông lớn" khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã công bố doanh thu hoạt động quý vừa qua đạt hơn 521 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, mức lợi nhuận sau thuế đã giảm 63% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 122,7 tỷ đồng.
Tựu trung, VCSC ghi nhận doanh luỹ kế 3 quý đạt 2.360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 840 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 19% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Về mặt định giá, VCI đang là một trong những cổ phiếu được định giá cao nhất trong ngành với mức P/B đạt 1,56 lần, dẫu cho đã ghi nhận 5 phiên giảm liên tiếp với 2 phiên giảm sàn trước khi hồi phục nhẹ vào phiên 25/10. Tuy nhiên, VCI hiện đang có mức ROE khá cao, đạt 19,05% trong 4 quý gần nhất và thuộc nhóm cao nhất trong ngành chứng khoán.
Với Công ty Chứng khoán MB (MBS), kết thúc quý III/2022, công ty này báo lãi sau thuế hơn 121 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của MBS đạt gần 442 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%.
Trong 4 quý gần nhất, mức ROEA của MBS đạt được là gần 17%, khá cao so với mức bình quân trong ngành. Tuy nhiên, giá cổ phiếu MBS đã ghi nhận 2 phiên giảm sàn khoảng 9,5% vào ngày 21/10 và 24/10, mức P/B hiện tại của MBS đạt 1,21 lần.
Kế sau, cổ phiếu SSI của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ghi nhận giá chốt phiên gần nhất đạt 15.050 đồng/cổ phiếu, đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này với 2 phiên giảm sàn. Mức P/B của cổ phiếu này đang ghi nhận ở mức 1,03 lần với giá trị ROEA trong 4 quý gần nhất đạt khoảng 15%.
Theo kết quả kinh doanh quý III/2022, SSI đạt doanh thu 1.302 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế 9 tháng của SSI đạt 1.758 tỷ đồng và là một trong 4 công ty chứng khoán có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Một công ty chứng khoán khác cũng có ROEA cao là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HoSE: CTS). Hiện mức P/B của cổ phiếu CTS đạt 0,88 lần, tức giá thị trường hiện đang rẻ hơn giá trị sổ sách. Đáng chú ý, mức ROEA trong 4 quý gần nhất của CTS là 14,38%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX gần đây đã thay đổi loạt lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh doanh nghiệp này kinh doanh đi xuống trong quý III/2022. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động quý của VIX đạt 182,3 tỷ đồng, giảm 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp báo lãi trước thuế 102,4 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là quý thứ ba liên tiếp VIX chứng kiến tình trạng giảm về doanh thu hoạt động. Tuy vậy, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường chung đi xuống.
Hiện tại, giá cổ phiếu VIX đang ở mức 6.600 đồng/cổ phiếu với 6 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm trần. Việc giá cổ phiếu VIX giảm mạnh kéo theo mức P/B sụt giảm theo, chỉ còn vỏn vẹn 0,48 lần, tức giá cổ phiếu hiện tại chỉ bằng khoảng một nửa giá trị sổ sách. Bên cạnh đó, mức ROEA trong 4 quý gần nhất của VIX đang ở mức 9,6%.
Cũng được định giá thấp là cổ phiếu AGR của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank, hiện đang có mức P/B đạt 0,59 lần và mức ROEA đạt 7,29%.
Về tình hình kinh doanh, AGR đạt tổng doanh thu hoạt động đạt 84 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tăng nhẹ so với cùng kỳ ở mức 272 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế của Agriseco bị kéo tụt xuống còn 102 tỷ đồng, giảm 68% so với mức thực hiện năm trước.
Cũng phải kể đến cổ phiếu của SHS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội đang ghi nhận mức P/B đạt 0,61 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 932 tỷ đồng, giảm sâu 47% so với cùng kỳ. Do khoản lỗ lớn của quý II nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng vỏn vẹn 20 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, SHS mới chỉ thực hiện được gần 1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. ROEA của SHS đang ở mức khá thấp, đạt 8,81% trong 4 quý gần nhất.
Trong khi đó, cổ phiếu BSI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và ORS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong có mức P/B khá tương đương, lần lượt đạt 0,77 lần và 0,75 lần. Tương tự, mức ROEA của 2 doanh nghiệp trên đạt 7,16% và 8,59% trong một năm trở lại đây.
BSI đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hồi phục và đạt 18,8 tỷ đồng trong quý III sau khi lỗ khoảng 6 tỷ đồng trong quý trước đó. Luỹ kế từ đầu năm, BSI đang báo lãi 96 tỷ đồng.
Về phần ORS, hoạt động tự doanh và nghiệp vụ lưu ký chứng khoán của công ty ghi nhận sự khởi sắc với doanh thu tăng mạnh trong quý III. Ngược lại, mảng môi giới và tư vấn tài chính trở nên kém hiệu quả. Cụ thể, quý vừa qua, ORS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 550 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Kết quả, ORS đã báo lãi trước thuế đạt 88,3 tỷ đồng trong quý III, tăng mạnh 87% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 70,6 tỷ đồng trong quý, tăng mạnh đến 138% so với năm ngoái.
Với "ông lớn" HCM của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM, hiện đang có định giá P/B ở mức 1,03 lần. Công ty cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần 759 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu tương đương cùng kỳ năm trước, đạt 318 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản mục doanh thu. Mức ROEA trong 4 quý gần nhất của HCM đạt 12,37%.
Được định giá cao hơn là cổ phiếu TVS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt. Trong 4 quý gần nhất, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 41 tỷ đồng, tương đương mức ROEA đạt 9,57%. Tuy nhiên, đây lại là một trong những cổ phiếu chứng khoán có mức P/B cao nhất, đạt 1,76 lần. Điều này được cho là do thị giá hiện tại đang phản ánh cả các khoản đầu tư lãi "khủng" của Thiên Việt vào các doanh nghiệp khác nhưng chưa hạch toán, đặc biệt là khoản đầu tư vào MoMo.
Ngoài ra, cổ phiếu FTS của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT tiếp tục ghi nhận phiên giảm 2,51% trong ngày 25/10, giá đóng cửa đạt 25.200 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này. Hiện tại, mức P/B của FTS đạt mức 1,51 lần, tức mỗi cổ phiếu đang gấp rưỡi giá trị sổ sách. Trong 4 quý gần nhất, mức ROEA của công ty đang đạt 12,77%, đây là mức ROEA tương đương với mức bình quân toàn ngành.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu hoạt động trong quý III sụt giảm tới mạnh 87% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính. Sau khi trừ các chi phí, FPTS lỗ sau thuế khoảng 60 tỷ đồng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.