Doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan xin làm NƠXH ở Hà Nội nhưng gặp khó

Tuệ Lâm - 16/03/2024 17:34 (GMT+7)

(VNF) - Đây là thực trạng được TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

VNF
TS Lê Xuân Nghĩa.

Phát biểu tại hội nghị, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngân hàng, doanh nghiệp là đối tượng khác, theo kinh tế thị trường không nên để họ phải chịu thiệt, họ là nơi truyền tải chính sách chứ không phải nơi thực thi chính sách. Những chính sách nào phải truyền tải qua các doanh nghiệp, đó là cơ chế thị trường thì mình phải để cho họ thực hiện đúng cơ chế thị trường và chính sách phát triển nhà ở xã hội cũng vậy. 

Theo ông Nghĩa, có 4 đối tượng liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó Chính phủ và người được thụ hưởng là 2 đối tượng trực tiếp. Còn 2 đối tượng khác là ngân hàng và doanh nghiệp, là đối tượng truyền tải chính sách này, chứ không được thụ hưởng và cũng không bị thiệt thòi.

Ông Nghĩa cho biết kinh nghiệm thế giới thì có 2 loại. Một loại là làm nhà cho thuê. Trong đó, Chính phủ ưu tiên đất nội đô làm nhà cho người nghèo bởi vì người nghèo không có phương tiện đi lại ngoài giao thông công cộng. Các thành phố lớn trên thế giới quy hoạch nhà ở theo hướng để cho những người nghèo gần hệ thống giao thông công cộng, gần bệnh viện.

Loại hình thứ hai là mô hình phát triển nhà ở như Singapore, tức là bất cứ ai mua nhà ở Singapore được hưởng chế độ nhà ở của người dân Singapore thì phải trả lãi suất là 2,5% vay ngân hàng có kỳ hạn lên đến 30 năm và phần chênh lệch còn lại so với lãi suất thị trường thì Chính phủ đền bù. Như vậy ngân hàng không bị ảnh hưởng gì bởi đã có Chính phủ hỗ trợ.

Về vấn đề kỳ hạn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải dủ dài. Chẳng hạn, kỳ hạn mua nhà tối thiểu ở Mỹ và Singapore đều là 30 năm, thậm chí vùng người Đức ở Thụy Sĩ thì kỳ hạn là 88 năm.

Vấn đề nữa là chính quyền không muốn dành đất cho nhà ở xã hội vì không thu được thuế, hay nói cách khác là làm thất thoát nguồn thu ngân sách của họ.

Tiếp đến là thủ tục hành chính gắn liền với tham nhũng vặt. Ông Nghĩa cho biết khi đi khảo sát một số tỉnh, thủ tục vô cùng rắc rối, đền bù giải phóng mặt bằng mỗi một năm có tỉnh chỉ giải phóng được vài ba chục ha hoặc là dăm bảy chục ha.

Trong khi đó, có những tỉnh đổi mới cách làm, có thể tăng diện tích đền bù giải phóng mặt bằng từ 110ha lên 1.100ha, điều mà không ai tin nhưng cuối cùng người ta làm được. Thủ tục là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay cần cải cách.

"Nhiều doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội, ví dụ như Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan, đã vào Việt Nam, xin làm nhà ở xã hội ở Hà Nội nhưng gặp vướng mắc về phê duyệt quy hoạch tỷ lệ từ 1/2000 đến 1/500", ông Nghĩa nói và cho rằng quá trình phê duyệt phải linh hoạt.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để có cách tiếp cận mới, có giải pháp mới, điều đầu tiên phải làm rõ các khái niệm cơ bản. Hiện nay khái niệm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội không rõ ràng.

"Chức năng của khái niệm này một bên là cung cấp nơi ở, một bên nhà ở thương mại cung cấp quyền sở hữu tài sản. Hai khái niệm này khác nhau, cần phải làm rõ. Nếu không chúng ta lẫn lộn nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cơ chế, chính sách", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để bảo đảm cho người nghèo tiếp cận được, ông Thiên đề xuất chuyển sang mức độ cho thuê thì khả năng bị lợi dụng cái gọi là sở hữu ở đây sẽ không còn.

"Không có ai là người giàu chen vào để tranh suất nhà ở xã hội thực sự nếu mà họ không có quyền sở hữu, để họ lợi dụng chính sách, mua nhà ở xã hội để bán lại", TS Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, nhà ở xã hội hướng theo khía cạnh cho thuê thì những vướng mắc như xét tiêu chuẩn được mua quá, câu chuyện đầu cơ lợi ích sẽ thay đổi. Khái niệm nhà ở xã hội theo nghĩa hẹp là nhà ở xã hội cho thuê thì vai trò của Nhà nước khác.

Về lãi suất theo ông Thiên là cũng cần thay đổi. Theo đó, Nhà nước không đủ tiền thì Nhà nước đi vay ngân hàng để làm thay, còn doanh nghiệp đóng vai trò là công cụ để thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, như là công việc kinh doanh. Đặc biệt quan trọng là tách bạch chức năng của Nhà nước và doanh nghiệp và vai trò của ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác