Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Ngân hàng e ngại cho doanh nghiệp vay tín chấp
Trong bối cảnh lãi suất đua nhau hạ, các ngân hàng than ế vốn, cho rằng do nhu cầu vốn của nền kinh tế quá yếu thì nhiều doanh nghiệp cho biết việc vay vốn ngân hàng với họ vẫn quá khó do vướng mắc thủ tục, tài sản thế chấp.
Nguyên tắc cho vay của ngân hàng là doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm, khả năng trả nợ. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, cái khó của họ là không có tài sản bảo đảm hoặc đã thế chấp hết những tài sản có giá trị để vay vốn trước đó. Vì vậy, muốn được ngân hàng cho vay không thế chấp hay vay tín chấp sẽ rất khó.
Thực tế, cho vay tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp là một trong những xu hướng rất văn minh, đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, hình thức cho vay này chưa có nhiều ngân hàng triển khai.
Chia sẻ tại diễn đàn về vốn cho SME mới đây, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng nhóm DNNVV tăng trưởng khoảng 3%.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch DNNVV nêu thực tế: hiện nay, doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không vay được, trong khi nhu cầu cho vay có. Vì thế, các cơ quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn. Đối với những khách hàng tốt, đủ điều kiện thì các ngân hàng có thể cho vay tín chấp, thay vì bắt buộc phải có tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng thừa nhận, việc cho vay tín chấp với doanh nghiệp chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất. Tuy khẩu vị rủi ro của các ngân hàng là khác nhau nhưng việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật. Vì vậy, nhiều lãnh đạo ngân hàng thẳng thắn cho biết, thà để tiền ế trong kho còn hơn “thả gà ra đuổi”.
Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối DNNVV, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, để yên tâm cho vay tín chấp, ngân hàng vẫn phải có các bộ đánh giá, xếp hạng khách hàng. Các khách hàng có giao dịch lâu năm ở một tổ chức tín dụng thì ngân hàng sẽ nới các điều kiện về tài sản đảm bảo với các điều kiện về mặt tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Agribank cho hay, Agribank ra quyết định cho vay trên cơ sở xếp hạng khách hàng. Thứ hạng của khách hàng dựa trên thông tin của khách hàng, chứ không phải do ngân hàng tạo ra. Vì thế, để dễ tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực cải thiện hồ sơ của mình.
Khơi thông quỹ hỗ trợ, đánh thức tín dụng xanh
Theo ước tính của các tổ chức tài chính, DNNVV tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới hơn 20 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có gần 47% số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Vấn đề gây trở ngại nhất cho các doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng vẫn là không có tài sản đảm bảo, thủ tục vay vốn phiền hà.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hiện chỉ có khoảng 25% DNNVV tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Phần lớn còn lại không thể tiếp cận được, phải tìm kiếm vốn từ các nguồn khác, kể cả tín dụng đen, ngoài ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, lẽ ra các quỹ bảo lãnh tín dụng có đất để mở rộng hoạt động nhưng trên thực tế lại hoạt động rất kém hiệu quả. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ bảo lãnh tín dụng. Đây là tỷ lệ rất nhỏ bé, thể hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn không hiệu quả.
Đến nay, cả nước có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên có, một bất cập là các quỹ bảo lãnh tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, không khác gì quy định của các ngân hàng. Nhưng nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì có thể vay trực tiếp từ ngân hàng, không cần thông qua Quỹ, để phải mất thêm phí bảo lãnh.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại công tác thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng, đồng thời, đánh giá tổng thể về các quỹ bảo lãnh tín dụng để tháo gỡ các vướng mắc và tái cơ cấu hoạt động của các quỹ này trong thời gian tới.
“Nhiều nước trên thế giới đã triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Nguồn vốn sử dụng là từ ngân sách nhà nước, bộ máy vận hành quỹ có năng lực thẩm định và chịu trách nhiệm triển khai. Quỹ bảo lãnh thẩm định hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp và yêu cầu ngân hàng cho vay. Trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ phải trả thay. Cách làm này có rủi ro nhất định nên cần cơ chế kiểm soát tốt, song vẫn có thể triển khai nếu có các tiêu chí cụ thể về cho vay và mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân và tập thể hợp lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết.
Bên cạnh đó, các quỹ nguồn vốn khác để đổi mới công nghệ, sáng tạo, các chương trình tín dụng xanh lại chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Tại Việt Nam, sự phát triển của tín dụng xanh được đánh giá còn khá khiêm tốn do nhiều vướng mắc, hạn chế liên quan tới vốn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, khung đánh giá rủi ro môi trường - xã hội chưa hoàn thiện… Nhưng hiện đã có nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho vay đối với các dự án năng lượng tái tạo, điện gió, dự án nông nghiệp xanh.
Tuy nhiên, lãi suất cho các dự án xanh hiện còn khá cao. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng, lãi suất thông thường dành cho các dự án xanh ngắn hạn là 6 - 9%, đối với các dự án trung dài hạn là 9 - 11%. Mức lãi suất đó chưa phải là ưu đãi. Nó ngang như lãi suất các khoản cho vay thương mại bình thường.
Còn theo bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC - hành lang pháp lý chưa cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi tiến hành các khoản tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17, áp dụng từ tháng 6 năm nay, nhằm hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Đây là tín hiệu tích cực để khơi thông dòng vốn xanh.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.